Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Văn Cảnh, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án, trong đó mở rộng diện tích và đối tượng là cây chanh và con tôm
Đề án là chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X nhằm xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ƯDCNC phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Sau 4 năm triển khai thực hiện với tổng vốn đầu tư phát triển (đầu tư công) bố trí cho các công trình nông nghiệp ƯDCNC hơn 19,8 tỉ đồng, đến nay, toàn tỉnh có 22.320,8ha lúa ƯDCNC, trong đó 11.411ha ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa và kỹ thuật tiên tiến, có 100% diện tích sử dụng giống chất lượng cao, đạt chuẩn cấp xác nhận với lượng giống 80-100kg/ha.
Về cây rau có khoảng 2.092,5ha ƯDCNC trong sản xuất, tỉnh xây dựng được 8 chuỗi rau an toàn tại vùng sản xuất rau ƯDCNC.
Cây thanh long hiện có 2.082,05ha, đạt 104,1% kế hoạch. So với lúa, rau, thanh long thì việc triển khai ƯDCNC trong chăn nuôi bò thịt gặp rất nhiều khó khăn nhưng đã xây dựng được 2 hợp tác xã điểm và 16 tổ hợp tác và xây dựng 10 mô hình điểm ƯDCNC trong chăn nuôi bò thịt.
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là chương trình đột phá mang lại nhiều hiệu quả
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Văn Cảnh cho biết: “Để đề án triển khai đạt hiệu quả về mặt chất lượng trong thời gian tới, các ngành, địa phương cần chú trọng củng cố, phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã điểm, sản xuất theo hướng chuỗi giá trị hàng hóa và hướng đến phát triển nông nghiệp hữu cơ phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Tăng cường vận động, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tàu đầu tư vào lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, khâu sản xuất, chế biến, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hướng dẫn, hỗ trợ một số doanh nghiệp đang có nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản ƯDCNC để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, nhất là các doanh nghiệp thực hiện các chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ”.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh tiếp tục thực hiện đề án, trong đó mở rộng diện tích và đối tượng thực hiện: Cây lúa 60.200ha, thanh long 6.000ha, cây chanh 3.000ha; duy trì 2.000ha rau ƯDCNC; con tôm 100ha ƯDCNC và con bò thịt (Xây dựng 1 điểm cung cấp giống bò chất lượng cao; xây dựng 1 mô hình khép kín từ sản xuất - giết mổ, tiêu thụ và đến sản xuất phân bón hữu cơ; cải tạo chất lượng giống, hỗ trợ gieo tinh nhân tạo với giống mới 3B, Bradman, Bred Angus,... cho trên 50% tổng đàn bò cái sinh sản trên địa bàn tỉnh)./.
Huỳnh Phong