Tiếng Việt | English

30/04/2018 - 05:39

Kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2018):

Long An ngày mới

Kế thừa và phát huy truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, với sự sáng tạo và đột phá của Đảng bộ tỉnh, nhiều nghị quyết đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế ra đời, đi vào cuộc sống, tạo nên sức bật đưa Long An phát triển nhanh và bền vững.

Từ vùng đất hoang hóa, nhiễm phèn nặng, đến nay, vùng Đồng Tháp Mười trở thành vùng trọng điểm sản xuất lương thực của tỉnh và cả khu vực

Phát huy tiềm năng, thế mạnh

Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, do hậu quả chiến tranh, cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp cùng với sự bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch, chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, khiến tình hình sản xuất và đời sống của người dân Long An gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình trên, năm 1980, Tỉnh ủy chủ trương đột phá cải tiến phân phối lưu thông, thực hiện cơ chế “một giá” trên địa bàn tỉnh. Đây là bước cải tiến có ý nghĩa quan trọng giúp Long An trở thành một trong những địa phương đi đầu trong việc xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, góp phần kích thích sản xuất, bình ổn giá thị trường - một trong những vấn đề “nóng bỏng” của cả nước lúc bấy giờ.

Bên cạnh đó, Tỉnh ủy chủ trương tiến quân khai mở vùng Đồng Tháp Mười, khuyến khích người dân từ các nơi đến đây lập nghiệp, biến vùng đất hoang hóa, nhiễm phèn nặng trở thành vùng trọng điểm sản xuất lương thực của tỉnh và cả khu vực. Ông Nguyễn Thanh Kiệt, ngụ ấp Ông Lễ, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, chia sẻ: “Trước đây, vùng này làm gì có đường bộ như bây giờ, muốn đi đâu, người dân toàn phải dùng ghe, xuồng. Mặt khác, do đất nhiễm phèn nên việc sản xuất lúa không thuận lợi. Nhờ có sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình giao thông, thủy lợi được đầu tư ngày càng nhiều. Giờ đây, nông dân không chỉ trồng được 2 vụ lúa/năm mà năng suất cũng nâng lên 8-9 tấn/ha/vụ”.

Đổi thay trên từng công trình

Từng bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh nhưng nhờ biết phát huy nguồn lực sẵn có và tranh thủ sự hỗ trợ từ Trung ương, Đảng bộ tỉnh tập trung thực hiện và hoàn thành nhiều công trình trọng điểm, chương trình đột phá, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH. Năm 2001, Đại hội VII Đảng bộ tỉnh lần đầu tiên đề ra 4 chương trình trọng điểm mang tính đột phá, đó là: Dân sinh vùng lũ lụt; Xây dựng vùng kinh tế trọng điểm; Giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo; Phát huy nguồn nhân lực. Với việc thực hiện hiệu quả các chương trình góp phần đưa Long An gia nhập Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vào tháng 6/2003.
Kế thừa kết quả 4 chương trình trọng điểm sau 10 năm thực hiện Đại hội IX Đảng bộ tỉnh tiếp tục triển khai 4 chương trình đột phá: Phát triển đồng bộ nguồn nhân lực - giải quyết việc làm - xóa đói, giảm nghèo; Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng; Đầu tư xây dựng và phát triển nông thôn mới; Khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường bền vững. Ðồng thời, Đại hội cũng đề ra 9 công trình trọng điểm, tạo nên những dấu ấn nổi bật trong xây dựng kết cấu hạ tầng của địa phương.

Đặc biệt, Long An đang tập trung thực hiện Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, 1 trong 2 chương trình đột phá theo Nghị quyết Ðại hội X Ðảng bộ tỉnh, với việc đầu tư 14 tuyến đường giao thông huyết mạch đồng bộ kết nối đến các khu, cụm công nghiệp, các tuyến giao thông của TP.HCM và Cảng Quốc tế Long An. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế khi việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển tại Cảng Quốc tế Long An không chỉ giúp giảm tải cho các cụm cảng của TP.HCM mà còn giúp giảm chi phí và thời gian vận chuyển, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa của Long An và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

Sự phát triển nhanh về giao thông còn góp phần quan trọng trong việc hiện thực hóa 3 vùng quy hoạch chiến lược của tỉnh, tạo nên diện mạo mới và động lực mạnh mẽ thúc đẩy các ngành, nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ phát triển. Minh chứng cho sự đổi thay rõ nét nhất có thể kể đến chính là Đường tỉnh 830 - 1 trong 3 công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, nối liền từ huyện Đức Hòa qua Quốc lộ 1 đến Cảng Quốc tế Long An (huyện Cần Giuộc). Tuyến đường có chiều dài khoảng 55km, tổng mức đầu tư nâng cấp, mở rộng trên 3.200 tỉ đồng và chia làm 3 đoạn. Đến nay, đoạn 1 từ huyện Đức Hòa đến Bến Lức, dài khoảng 23,1km, thực hiện theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng, cơ bản hoàn thành. Các đoạn còn lại đang được các cấp, các ngành phối hợp đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện, dự kiến hoàn thành vào tháng 7/2018. 

Đường tỉnh 830 là công trình được kỳ vọng góp phần tháo gỡ những “nút thắt” trong liên kết vùng giữa Long An, TP.HCM và các tỉnh lân cận trong khu vực phía Nam

Đường tỉnh 830 là công trình được đặt nhiều kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ những “nút thắt” trong liên kết vùng giữa Long An, TP.HCM và các tỉnh lân cận trong khu vực phía Nam, đồng thời tạo động lực thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Anh Mai Văn Dân, ngụ ấp 10, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, phấn khởi: “Tuyến đường này trước đây nhỏ, hẹp trong khi lượng xe lưu thông rất nhiều, đặc biệt là xe tải, xe container nên không bảo đảm an toàn. Sau hơn 1 năm thi công, giờ đây, tuyến đường được mở rộng thông thoáng, thảm nhựa phẳng phiu, vừa tạo thuận lợi trong đi lại, vừa tạo bộ mặt khang trang cho địa phương”.

Nỗ lực phát triển toàn diện

Trải qua 32 năm đổi mới (từ năm 1986 đến nay) từ một tỉnh thuần nông, cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa. Toàn tỉnh hiện có 16 khu công nghiệp và 17 cụm công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trung bình trên 78%. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được tỉnh quan tâm. Trong đó, việc thành lập và đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh đi vào hoạt động hiệu quả, tạo được sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Năm 2017, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh đứng vị trí thứ 4/63 tỉnh, thành cả nước, thuộc nhóm Tốt; chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đứng vị trí 11, thuộc nhóm thứ nhất. 

“Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2015-2020), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An không ngừng nỗ lực, phấn đấu, nắm bắt tốt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt một số kết quả trong phát triển KT-XH. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP hàng năm đạt từ 9% trở lên (năm 2016 đạt 9%, năm 2017 đạt 9,53%). Thu ngân sách tăng theo từng năm (năm 2016 thu trên 10.000 tỉ đồng, năm 2017 thu trên 12.000 tỉ đồng). Sản lượng lương thực hàng năm trên 2,6 triệu tấn, trong đó, lúa chất lượng cao trên 1,2 triệu tấn” - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh thông tin. 

Từ một tỉnh thuần nông, hiện nay, cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa

Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển, đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, chăm sóc sức khỏe người dân, nhu cầu hưởng thụ văn hóa và bảo đảm an sinh xã hội. Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 61 triệu đồng/năm. Đến nay, toàn tỉnh có 66/166 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 39,75% số xã toàn tỉnh. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn, hiệu lực, hiệu quả hoạt động ngày càng nâng lên, nhất là tỉnh đang tích cực triển khai thực hiện Đề án 02-ĐA/TU của Tỉnh ủy về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII). 

Long An hôm nay không chỉ đổi thay về diện mạo mà đời sống vật chất lẫn tinh thần người dân cũng không ngừng được nâng lên. Những thành quả tích cực trên là kết tinh của sự đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tỉnh nhà./.

Hồng Anh

Chia sẻ bài viết