Tiếng Việt | English

15/05/2018 - 20:58

Long An - nẻo nhớ để quay về

Trở thành thông lệ, hàng năm, vào dịp 30/4, Long An lại vui mừng đón tiếp những người lính già ở các tỉnh phía Bắc vào thăm lại chiến trường xưa. Trong những chuyến đi ấy, hiếm khi vắng bóng Trung tá Nguyễn Văn Lạc (Ba Lạc) - người đang sinh sống tại thủ đô Hà Nội.

Trung tá Ba Lạc và vợ trong chuyến trở lại chiến trường xưa Long An

Nặng tình với chiến trường xưa

Năm nay ông Ba Lạc 82 tuổi. Trong chuyến “hành quân” vào chiến trường xưa gần 1 tháng lần này, ông có thêm một người bạn đồng hành là bà Nguyễn Thị Viện, vợ ông. Dù thăm Long An nhiều lần nhưng lần nào ông cũng bồi hồi, xúc động. Như thói quen, trước chuyến đi mấy ngày, ông cẩn thận chuẩn bị những gói trà bắc, kẹo lam để làm quà tặng những người sẽ gặp. Ông cũng lên hẳn kế hoạch sẽ làm gì, đi đâu, gặp lại những ai. Sợ già rồi, trí nhớ kém hay quên nên có lúc, ông còn ghi vào sổ để cần mở ra xem lại.

Bà Nguyễn Thị Viện kể: “Cứ mỗi lần sắp vào Nam là ông ấy như khỏe ra”. Nói đến Long An, ông không dứt nỗi niềm. Trong bàn trà, bữa cơm, ông Ba Lạc thường kể cho vợ và các con về thời gian công tác, chiến đấu tại Long An. Qua mỗi câu chuyện, tâm tình ấy, bà cũng hiểu được, trong ông, Long An là quê hương thứ hai. Và như lời ông nói, con người, tên sông, tên rạch, tên vùng và biết bao trận đánh ở Long An gắn liền với biết bao kỷ niệm.

Có lần, bà Viện hỏi vui: “Ngày xưa chiến đấu ở Long An, ông có ai thề non hẹn biển thì nói ra để cả nhà biết. Nếu có đứa con nào ở trong đó, vào đưa về để anh, em nhận nhau cho thêm vui cửa, vui nhà”. Mỗi lần như thế, ông cứ tủm tỉm cười. “Nói vui thế thôi, chứ tôi biết tính tình và tình cảm của ông ấy. Chẳng qua, ngày trước, tham gia chiến đấu, được dân quý, dân thương nên giờ tình cảm mới sâu nặng như vậy” - bà Viện bày tỏ.

Mỗi lần vào Long An, ông lại đến lưu trú tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh - nơi ông từng công tác. Dù những người tại đơn vị là thế hệ sau nhưng với ông, ở đây rất thân quen và như được sống lại một thời trai trẻ vào Nam đánh Mỹ. Với dáng người nhỏ nhắn, mái tóc bạc, trán cao, bộ quân phục gắn nhiều huân, huy chương và đặc biệt với lối nói chuyện vui vẻ, tính cách gần gũi, ngay cả với những người lính gác, ông cũng luôn niềm nở.

Còn sức là còn về Long An

Những việc ông làm mỗi khi trở lại Long An rất đặc biệt. Là người sống trong thời khắc chiến tranh nên ông trở lại còn là để làm nhân chứng phục dựng chiến tích cho đồng đội cũ. Cũng chính vì vậy, trong hành trang ông mang theo không bao giờ thiếu những bản kê khai thành tích cho đồng đội cũ.

Lần nào vào lại chiến trường xưa, ông cũng đi về Tân Trụ, Châu Thành, Đức Hòa, Đức Huệ, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Cần Đước, Cần Giuộc,... Những lần đi như thế, ông đều đến thăm những đồng đội cũ, đến nghĩa trang liệt sĩ thắp nhang, tìm hài cốt đồng đội,... Khi biết đồng đội cũ gặp khó khăn, ông nhiệt tình vận động giúp đỡ.

Đặc biệt, ông dành cả chục năm, đi nhiều tỉnh, thành tìm lại nhân chứng sống và đưa vào Long An nhằm phục dựng chiến tích cho các nữ du kích xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ. Ông Ba Lạc bảo, dù nhiều lý do “đội nữ du kích mật” chưa được công nhận như ông và một số đồng đội kiến nghị nhưng kết quả bước đầu, các cô đã được ghi nhận thành tích trong kháng chiến chống Mỹ khi được giải quyết chế độ theo Quyết định 290/2005/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đó cũng là một sự ghi nhận để các cô thấy ấm lòng. Và những năm qua, ông Ba Lạc nhiều lần làm bản kê khai thành tích cho má Ba cơm nguội (xã Quê Mỹ Thạnh) gửi ngành chức năng ở tỉnh xem xét.

“Vì nhiều lý do, có những người có công trong kháng chiến vẫn chưa được công nhận thành tích. Là người biết được những cống hiến của đồng đội, đồng chí, người có công mà không nói ra là có tội và day dứt lắm! Với tôi, đó cũng là một việc làm để trả nghĩa, tri ân những người cưu mang, che chở mình trong kháng chiến” - Trung tá Ba Lạc chia sẻ.

Biết và quen ông từ gần 10 năm trước nên trước lúc rời Long An trở về Hà Nội, ông gọi tôi ra cà phê tâm tình. Vẫn là con người đầy ắp tình cảm, ông ân cần hỏi tôi về công việc, vợ, con. Ông gửi món quà trà bắc và gói kẹo lam đã gói gém chuẩn bị từ lúc rời Hà Nội vào Long An. Ông ân cần căn dặn tôi “sống và làm việc thật tốt”. Và trong những câu chuyện mà ông kể tôi nghe, vẫn luôn là chiến trường xưa Long An. Trong câu chuyện đó, không thể thiếu những đồng đội, đồng chí, người má, người chị, người em đã cưu mang, chở che bộ đội trong kháng chiến và còn cả những trăn trở ông chưa thực hiện được. Qua những câu chuyện ấy, tôi càng hiểu hơn về cái tình, cái nghĩa, sự son sắt, thủy chung của người lính già với chiến trường xưa.

Bịn rịn trước lúc chia tay, ông bảo với tôi rằng: “Còn sống, còn đi lại được là ông tiếp tục vào thăm chiến trường xưa. Vì Long An luôn là nẻo nhớ để quay về”./.

Ông Ba Lạc tham gia chiến đấu tại Long An từ năm 1966, đến năm 1979 sang giúp nước bạn Campuchia. Ông nguyên là Trưởng ban Tuyên huấn, Phó Chủ nhiệm phòng Chính trị Tỉnh đội Long An, Phó phòng Tuyên huấn quân tình nguyện Mặt trận 779. Năm 1984, ông chuyển về Hà Nội công tác trong quân đội và về hưu. Hiện nay, ông sống cùng gia đình ở phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Gần 30 năm qua, ông thường xuyên vào thăm lại chiến trường xưa Long An. Những năm gần đây, dù tuổi ngày càng cao hơn nhưng lịch trình, ông vào thăm Long An lại dày hơn. Mỗi lần vào, ông đi thăm chiến trường xưa, thăm đồng đội, đồng chí, tìm hài cốt liệt sĩ, làm nhân chứng, kiến nghị ngành chức năng giải quyết chế độ, chính sách cho những người có công trong kháng chiến,...

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết