Tiếng Việt | English

12/10/2021 - 17:25

Long An: Đẩy mạnh kiểm tra giá cả, chất lượng vật tư nông nghiệp chuẩn bị vụ Đông Xuân 2021 - 2022

Theo phản ánh của nhiều nông dân và cử tri khu vực Đồng Tháp Mười, nhiều đại lý vật tư nông nghiệp tăng giá bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng phân bón không bảo đảm, gây bất lợi cho người nông dân.

Nông dân Đồng Tháp Mười thu hoạch lúa

Theo nhận định của cơ quan chức năng, tình hình giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào có dấu hiệu tăng cao, một số đối tượng sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp kém chất lượng, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến thực phẩm; tình trạng tích trữ, đầu cơ, găm hàng để trục lợi bất chính,… làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, gây bức xúc cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Be, thị trấn Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa cho biết : “Hiện tại khu vực Đồng Tháp Mười, giá phân URE, DAP tăng gần gấp đôi. Không chỉ phân bón, giá nhân công cũng đang tăng chóng mặt. Hiện, công làm ruộng là 250.000 – 300.000 đồng/ngày. Công sạ giống từ 250.000 đồng/ha tăng lên 500.000 đồng/ha, tiền thuê máy bay xịt thuốc từ 180.000 đồng/ha tăng lên 250.000/ha”.

Từ tình hình trên, UBND tỉnh Long An phân công Cục Quản lý thị trường tỉnh, Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, chỉ đạo Đoàn kiểm tra liên ngành 389 của tỉnh có kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản; các phụ gia thực phẩm, phẩm màu, chất hỗ trợ trong chế biến thực phẩm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, nắm tình hình kinh doanh và thông tin phản ánh của người dân về chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm để phối hợp kiểm tra hoặc thành lập đoàn thanh tra đột xuất theo thẩm quyền trong trường hợp cần thiết.

UBND các địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nông dân tham gia sản xuất, các phương tiện được vận chuyển nông sản, hàng hóa, vật tư nông nghiệp thiết yếu đảm bảo phục vụ sản xuất, không để tình trạng ùn ứ, đứt gãy chuỗi cung ứng vật tư sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Đồng thời, theo dõi, nắm sát tình hình chất lượng vật tư nông nghiệp, chất lượng thực phẩm để chỉ đạo, thành lập đoàn thanh tra đột xuất việc buôn bán vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm, không để tình trạng lợi dụng chống dịch Covid-19 để tăng giá hoặc bán hàng không bảo đảm chất lượng trên địa bàn. Các trường hợp vi phạm phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật./.

Mộc Lâm

Chia sẻ bài viết