Long An ưu tiên thu hút phát triển ngành cơ khí, sản phẩm máy nông nghiệp, thiết bị công nghiệp, sản xuất sản phẩm mới
Kế hoạch đưa ra mục tiêu giai đoạn đến năm 2020, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GRDP đạt 50% (trong đó công nghiệp chiếm 45 - 47%), tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao hơn tốc độ tăng trưởng GRDP; tỷ trọng hàng chế biến chế tạo trong tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 90%; lao động trong công nghiệp và xây dựng chiếm 28 - 30%; tốc độ tăng trưởng đầu tư và số lượng doanh nghiệp trong công nghiệp cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân toàn tỉnh.
Giai đoạn đến năm 2025, đưa tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GRDP của Long An được duy trì ở mức trên 50% (trong đó công nghiệp trên 47%); tỷ trọng hàng chế biến, chế tạo trong tổng kim ngạch xuất khẩu được duy trì ở mức trên 90%, và hình thành một số doanh nghiệp công nghiệp có quy mô lớn, đa quốc gia (nhất là doanh nghiệp trong nước) có năng lực cạnh tranh quốc tế.
Giai đoạn đến năm 2025, đưa tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GRDP của Long An được duy trì ở mức trên 50% (trong đó công nghiệp trên 47%)
Để triển khai kế hoạch nêu trên, UBND tỉnh Long An xác định các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách và thể chế cơ cấu lại ngành công nghiệp; thúc đẩy, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng trong các ngành công nghiệp.
Theo đó, Long An khuyến khích các đơn vị sản xuất tiên tiến và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất công nghiệp, gắn sản xuất công nghiệp với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; sử dụng tài nguyên và năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong sản xuất công nghiệp.
Đồng thời, Long An xây dựng danh mục các dự án, nhà máy sản xuất công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao và triển khai theo lộ trình thay thế và loại bỏ dần các thiết bị lạc hậu trong các nhà máy và đóng cửa các nhà máy gây ô nhiễm. Thu hút phát triển ngành cơ khí, ưu tiên phát triển các sản phẩm máy nông nghiệp, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, thiết bị y tế, đóng tàu.
Ngoài ra, tăng cường hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới và ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên nhiên vật liệu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ trong ngành điện tử, cơ khí, chế tạo linh kiện ô tô.
Đặc biệt, Long An còn tập trung phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên nhằm tạo tác động lan tỏa cho toàn ngành công nghiệp như ưu tiên đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến sâu đối với các sản phẩm nông lâm, thủy sản. Đặc biệt là các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của Long An nhằm nâng cao giá trị gia tăng của ngành, qua đó tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, tăng giá trị xuất khẩu; khuyến khích phát triển chế biến bằng công nghệ cao. Thu hút đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (năng lượng gió, năng lượng mặt trời) và năng lượng mới góp phần bảo đảm các mục tiêu về tăng trưởng xanh, giảm thiểu biến đổi khí hậu và cung cấp đầy đủ năng lượng với giá hợp lý, làm động lực cho phát triển các ngành công nghiệp khác.
Các hoạt động khác cũng được tập trung thực hiện: Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp tư nhân; điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp phù hợp với định hướng cơ cấu lại các ngành công nghiệp; xây dựng năng lực hỗ trợ cơ cấu lại các ngành công nghiệp; thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực nhằm cung cấp các giải pháp hỗ trợ thực hiện cơ cấu lại ngành công nghiệp; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức cho các bên liên quan nhằm hỗ trợ thực hiện cơ cấu lại ngành công nghiệp./.
Mai Hương