Tiếng Việt | English

12/09/2015 - 07:43

Lời giải nào cho hàng loạt đại học, cao đẳng trước nguy cơ đóng cửa?

Không đủ nguồn tuyển, nhiều trường đại học, cao đẳng có thể phải đóng cửa. Điều này khiến Bộ GD-ĐT phải nhanh chóng cơ cấu lại hệ thống đào tạo.

Cho đến nay, các trường đại học, cao đẳng trên cả nước đã thực hiện xong việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 (NV2). Mặc dù Bộ GD-ĐT chưa có thống kê cuối cùng về tình hình xét tuyển đợt 2 này nhưng theo báo cáo nhanh từ nhiều trường thì họ đang rất khó khăn trong việc tuyển sinh và đứng trước nguy cơ phải đóng cửa, thậm chí có thể phá sản vì lượng thí sinh đăng ký vào trường thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đề ra.

Qua thống kê sơ bộ, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển đợt 2 ở nhiều trường đại học, cao đẳng chỉ được 1/2, thậm chí là 1/3 so với yêu cầu đề ra. Thậm chí, để tuyển đủ chỉ tiêu, nhiều trường đã thực hiện việc xét tuyển thông qua kết quả học tập của thí sinh trong 3 năm Trung học phổ thông (THPT). Tuy nhiên, vì lượng hồ sơ “ảo” chiếm phần lớn nên nhiều trường vẫn còn hàng nghìn chỉ tiêu và đang mòn mỏi chờ đợi thí sinh đến nộp hồ sơ trong những đợt xét tuyển bổ sung.

Năm nay không phải là năm đầu tiên diễn ra tình trạng các trường đại học, cao đẳng thiếu thí sinh nhập học. Tuy nhiên, điều đáng nói là việc thiếu nguồn tuyển đang không chỉ diễn ra ở những trường đại học, cao đẳng tốp dưới, trường ngoài công lập mà năm nay, nhiều trường tốp giữa hay những trường từ lâu không phải lo lắng về nguồn tuyển thì cũng đang phải đối mặt với bài toán tìm kiếm thí sinh vào học. Đó là những trường như: Đại học Lâm nghiệp hiện vẫn còn thiếu tới 700 chỉ tiêu; Đại học Công nghiệp Hà Nội- một trường tốp giữa vốn luôn thu hút thí sinh đăng ký vào hệ Cao đẳng, năm nay lượng hồ sơ nộp vào trường này chỉ bằng 1/10 so với năm 2014.

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 được Bộ GD-ĐT cho là sẽ tạo cơ hội lớn cho thí sinh chọn trường học và ngành nghề phù hợp cũng như các trường đại học, cao đẳng dồi dào nguồn tuyển. Tuy nhiên, trái ngược với mong đợi đó, cho đến nay, nhiều trường lại không tuyển đủ được đủ thí sinh so với yêu cầu đề ra. Vậy nguyên nhân là do đâu?

6 nguyên nhân chính

Thứ nhất: Theo số liệu từ Bộ GD-ĐT, hơn 2/3 lượng thí sinh đã đỗ vào các trường đại học ngay từ đợt xét tuyển đầu tiên. Đồng thời, trên toàn hệ thống cũng đã có gần một nửa các trường tuyển đủ chỉ tiêu ngay từ đợt 1. Một nửa số trường còn lại chỉ có 1/3 số thí sinh thi THPT Quốc gia có điểm trên sàn để thực hiện việc đăng ký xét tuyển. Như vậy, cho dù cộng cả số thí sinh xét bằng học bạ THPT thì chắc chắn nguồn tuyển vẫn còn thiếu nhiều.

Thứ hai: Theo quy định của Bộ GD-ĐT, trong vòng 20 ngày của đợt xét tuyển đầu tiên, kể từ ngày 1 đến 20/8, thí sinh có quyền thay đổi các ngành trong 4 nguyện vọng hoặc rút hồ sơ xét tuyển vào trường đã đăng ký. NV1 sẽ được ưu tiên để xét tuyển. Theo đó, trong mỗi ngành đào tạo, các trường sẽ ưu tiên xét tuyển NV1 trước, khi còn thiếu chỉ tiêu mới xét đến nguyện vọng 2,3,4 trong cùng một đợt xét tuyển. Nhưng nếu thí sinh đã trúng tuyển NV1, sẽ không được xét tuyển ở các nguyện vọng 2,3,4.

Tuy nhiên, NV1 các trường tuyển 70-75% chỉ tiêu. Các đợt sau chỉ còn khoảng 30% chỉ tiêu trong khi tỷ lệ hồ sơ “ảo” rất lớn nên nhiều trường khó xác định được thí sinh thực sự muốn học ở trường mình và đây cũng là nguyên nhân khiến số lượng đăng ký xét tuyển vào các trường giảm.

Thứ ba: Đề thi THPT Quốc gia năm nay được cho là có tới 60% câu hỏi nằm trong phạm vi kiến thức, kỹ năng cơ bản để xét công nhận tốt nghiệp, 40% câu hỏi mang tính phân hóa cao để lựa chọn những thí sinh có năng lực vào đại học, cao đẳng nên sẽ nhiều thí sinh đạt điểm trên trung bình.

Hơn nữa, năm nay có tới gần 200 trường có phương án xét tuyển riêng, mà mức điểm trung bình 6,5 để được xét tuyển vào đại học là việc quá đơn giản nên đương nhiên học sinh sẽ chọn nộp hồ sơ vào các trường đại học tốp trên (các trường có uy tín về chất lượng đào tạo), tốp giữa chứ chưa chắc sẽ nộp vào các trường đại học, cao đẳng tốp trung bình, các trường ngoài công lập. Vì vậy, những trường này đang thiếu hụt nguồn tuyển là điều dễ hiểu.

Thứ tư: Trong 2 đợt xét tuyển vừa qua, một số trường đại học đã tuyển vượt chỉ tiêu tuyển sinh so với quy định. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác xét tuyển ở những trường tốp giữa, tốp dưới và các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập.

Thứ năm: Một trong những yếu tố khiến các trường đại học, cao đẳng thiếu hụt nguồn tuyển là do có thể nhiều thí sinh sau khi tham dự kỳ thi THPT Quốc gia 2015 đã nhận thấy năng lực, khả năng của mình không thể tiếp tục học lên cao hơn nên đã tìm hướng chuyển sang học nghề hoặc tìm kiếm công việc phù hợp với bản thân hơn.

Thứ sáu: Ngoài những lý do trên thì nguyên nhân quan trọng khiến nhiều trường đại học, cao đẳng thiếu nguồn tuyển là do đào tạo kém chất lượng, không tạo được uy tín đối với xã hội nên đã không thu hút được thí sinh đăng ký xét tuyển.

Cơ cấu lại và đình chỉ trường hoạt động kém hiệu quả

Nếu không tuyển được đủ thí sinh so với yêu cầu đề ra thì nguồn thu của nhiều trường đại học, cao đẳng chắc chắn sẽ bị sụt giảm và kèm theo đó là việc làm của hàng chục, hàng trăm giảng viên có thể sẽ bị ảnh hưởng. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng giảng dạy của nhà trường và tất yếu theo quy luật thị trường, nhiều trường đại học sẽ đứng trước nguy cơ đóng cửa hoặc phá sản. Nếu nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cơ cấu ngành nghề cũng như chất lượng nguồn nhân lực để phục vụ đất nước trong tương lai gần.

Nhiều trường đại học, cao đẳng không đạt chỉ tiêu nguồn tuyển đã phần nào cho thấy hệ lụy từ những bất cập trong cách thức thực hiện xét tuyển sau kỳ thi THPT Quốc gia 2015. Để khắc phục những bất cập, Bộ GD-ĐT nên chỉ cho thí sinh đăng ký xét tuyển 1 ngành duy nhất khi đăng ký NV1. Điều này sẽ góp phần giảm đáng kể hồ sơ “ảo” trong xét tuyển đợt 1 cũng như những đợt tiếp theo. Bên cạnh đó, Bộ nên rút ngắn thời gian xét tuyển mỗi đợt xuống chỉ từ 5-7 ngày nhằm để các trường thống kê số thí sinh thực tế vào học và có những bước tiến thành các đợt xét tuyển bổ sung.

Mặt khác, Bộ GD-ĐT cũng nên cân nhắc cho thí sinh không đủ điểm sàn nhưng đạt điểm cao ở một số môn thi được xét tuyển vào những ngành học phù hợp ở những trường có nhu cầu tuyển sinh.

Ngoài hệ lụy từ công tác xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2015, nhiều trường đại học, cao đẳng đang đứng trước nguy cơ đóng cửa hoặc phá sản đã cho thấy, “cung” không đáp ứng được “cầu”. Đó là nhiều trường được thành lập, hoạt động nhưng không đáp ứng được yêu cầu đào tạo chất lượng của thí sinh, phụ huynh và nhu cầu của xã hội, các nhà tuyển dụng...

Thực trạng trên một lần nữa gióng lên hồi chuông đối với ngành Giáo dục cần phải tăng cường thanh, kiểm tra; có chiến lược sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại hệ thống các trường đại học, cao đẳng trên cả nước.

Hiện nay, Việt Nam có hơn 400 trường đại học, cao đẳng công lập và ngoài công lập). Trong đó có nhiều trường đào tạo kém chất lượng không tuyển đủ thí sinh hoặc không có thí sinh đã cho thấy, xã hội, người học không thừa nhận chất lượng giáo dục của họ. Bởi vậy, những trường này cần phải nghĩ tới việc phải tự đổi mới, cải tiến chất lượng. Nếu trong một thời gian được gia hạn, các trường không tự đổi mới thì Bộ GD-ĐT nên nghĩ tới việc đình chỉ hoạt động.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng nên sắp xếp lại hệ thống các trường đại học, cao đẳng trực thuộc các Bộ, ngành. Những trường nào thực sự phục vụ hữu ích cho nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của địa phương hoặc cơ cấu ngành nghề cho xã hội thì mới nên tồn tại. Còn những trường nào hoạt động kém hiệu quả thì nên giảm bớt, cho giải thể, đóng cửa hoặc cho sáp nhập ngành nghề, giảng viên với các trường đại học có uy tín để họ có thêm nguồn lực cho sự phát triển trong tương lai. Bên cạnh đó, Bộ nên cân nhắc, xem xét kỹ việc nâng cấp các trường Trung cấp lên Cao đẳng; Cao đẳng lên Đại học.

Song song với hoạt động thanh, kiểm tra, Bộ GD-ĐT cần nhanh chóng hướng tới giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học theo hướng dựa vào năng lực đào tạo, cơ sở vật chất thực tế của từng trường. Đồng thời với đó là thực hiện phân tầng, xếp hạng các trường đại học theo chiều hướng: cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu, ứng dụng và thực hành.

Việc xếp hạng các trường đại học nên thực hiện bởi các cơ quan độc lập, ngoài ngành Giáo dục để xã hội, người dân biết rõ được chất lượng hoạt động của từng trường đang ở đâu và có thể tham gia vào quá trình theo dõi, giám sát./.

Bích Lan/VOV.VN

Chia sẻ bài viết