Tiếng Việt | English

25/08/2018 - 02:10

"Loại bỏ mọi hành vi gian lận trong sản xuất kinh doanh thuốc"

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đại biểu tham quan nhà thuốc trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Việt Nam đang lưu hành 22.000 loại thuốc, với rất nhiều tên khác nhau, đặc biệt với mặt hàng này không ai mặc cả giá thuốc và người nghèo, mọi người dân bị bệnh đều sẵn sàng bỏ tiền ra mua. 

Chính vì mặt hàng thuốc không ai mặc cả, nên giá cả các loại thuốc thông dụng thế nào gần như vẫn chưa quản lý được.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, do Bộ Y tế phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội Viettel và Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên tổ chức sáng 24/8, tại Hưng Yên.

Quản lý thuốc lỏng lẻo thuộc hàng bậc nhất thế giới

Phân tích về dược phẩm hiện nay, Phó Thủ tướng cho hay, thị trường dược phẩm Việt Nam hiện có 22.000 loại thuốc. Đáng lưu ý, việc mua quản lý bản thuốc ở Việt Nam lỏng lẻo thuộc hàng bậc nhất thế giới, người dân có thể mua thuốc kháng sinh tại nhiều nơi dẫn đến tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh ở mức cao trên thế giới.

Mấy năm nay gần đây, công tác đấu thầu thuốc chung bước đầu đạt được một số kết quả nhất định tuy nhiên vẫn còn nhiều điều phải làm liên quan tới công tác quản lý giá thuốc.

Bởi hiện người dân cũng như cơ quan quản lý không có công cụ nào để biết rõ được đường đi, xuất xứ, hạn sử dụng, công dụng của thuốc. Do vậy cần sớm hoàn thành việc kết nối mạng của hơn 61.000 cơ sở bán lẻ thuốc trong cả nước. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, tỷ lệ thuốc kém chất lượng thuốc giả ở nước ta chỉ bằng 1/3 các nước ASEAN nhưng không vì vậy mà lơ là trong quản lý. Cùng với việc nối mạng thệ thống nhà thuốc, quầy thuốc, ngành y tế và các cấp chính quyền địa phương cũng cần tập trung hoàn thành việc quản lý hồ sơ sức khỏe của từng người dân, tránh tình trạng chỉ có cán bộ mới được theo dõi sức khỏe như hiện nay.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng các đại biểu bấm nút kết nối các nhà thuốc trên toàn quốc. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Loại bỏ mọi hành vi gian lận trong sản xuất kinh doanh thuốc

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ rõ, những năm qua, bên cạnh các kết quả đã đạt được, hoạt động cung ứng và sử dụng thuốc vẫn còn gặp nhiều thách thức. Tình trạng mua bán thuốc không theo đơn, đặc biệt là thuốc kháng sinh đã dẫn đến nguy cơ kháng kháng sinh ngày càng hiện hữu. 

“Bên cạnh đó, vẫn còn có tình trạng mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượngtrên thị trường. Hệ thống phân phối thuốc còn trải qua nhiều khâu trung gian, gây khó khăn khi truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng thuốc,” người đứng đầu ngành y tế nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Tiến, trước tình hình đó, Ngày 25/10/2017, Hội nghị Trung ương 6 BCH Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Một trong những nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển ngành dược đó là thực hiện đồng bộ các giải pháp để truy xuất nguồn gốc thuốc, chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn; Ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối, đảm bảo kiểm soát xuất xứ, giá cả thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc trên toàn quốc.

Theo Phó Thủ tướng: “Nối mạng hệ thống nhà thuốc, quầy thuốc sẽ gián tiếp và tiến tới trực tiếp loại bỏ mọi hành vi không trong sạch có tính gian lận trong sản xuất kinh doanh thuốc. Việc tham gia kết nối là nghĩa vụ, trách nhiệm đạo đức xã hội đối với nhân dân, phải vì sức khỏe của người dân. Thực tế cho thấy sẽ có một bộ phận không muốn hoặc cố tình không tham gia vào hệ thống này, cần phải nghĩ tới lợi ích to lớn vì nhân dân và ngành y tế.”

Đồng tình với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định, nối mạng hệ thống nhà thuốc, quầy thuốc là biện pháp quan trọng để kiểm soát giá cả, nguồn gốc các loại thuốc chữa bệnh ở mỗi cơ sở bán lẻ trên toàn quốc. Từ đó sẽ truy xuất được nguồn gốc thuốc và chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn. 

Qua triển khai thí điểm tại các địa phương: Từ 4 tỉnh đầu tiên tham gia vào quá trình triển khai thí điểm là Phú Thọ, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nam Định. 

Cho đến nay đã có tổng cộng 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác tham gia vào hệ thống liên thông kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, đã cấp tài khoản cho 4.178 cơ sở bán lẻ thuốcvà quản lý được hơn 22.000 đơn thuốc và đem lại kết quả tốt./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết