Tiếng Việt | English

20/05/2020 - 15:12

Lính Cụ Hồ giữa đời thường

Với mong muốn được khoác trên mình màu xanh áo lính, được trui rèn trong môi trường quân đội, năm 2003, anh Lê Thanh Tú, ngụ xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, quyết định lên đường nhập ngũ. Những ngày tháng trong quân đội đã tôi luyện, giúp anh trưởng thành hơn.

Anh Tú vừa làm tốt công việc cơ quan, vừa tham gia lao động, sản xuất
Đơn vị của anh Tú là Trung đoàn 294 (Sư đoàn 367). Trung đoàn này ra đời trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Với thành tích xuất sắc trong xây dựng, chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, Trung đoàn 294 vinh dự được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không - Không quân tặng nhiều phần thưởng cao quý. Sau ngày đất nước thống nhất, Trung đoàn nằm trong đội hình chiến đấu của Sư đoàn 367, làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quản lý và bảo vệ vùng trời khu vực phía Nam. Phát huy truyền thống vẻ vang, anh hùng, bản thân là chiến sĩ của Trung đoàn, anh Tú không ngừng rèn luyện, học tập, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Sau khi xuất ngũ vào năm 2005, anh Tú trở về quê hương Long Thượng anh hùng và công tác tại Văn phòng Đảng ủy xã. Đến năm 2007, anh chuyển công tác, đi học tại Trường Quân sự tỉnh và hiện tại giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Long Thượng. Anh chia sẻ: “Thời gian trong quân ngũ tuy không dài nhưng rèn luyện cho tôi nhiều phẩm chất quý giá của người lính. Đó là tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm trong công việc; sự đoàn kết, giúp nhau; năng động, sáng tạo trong xây dựng cuộc sống mới”. Vì vậy, khi trở về quê sinh sống, dù ở cương vị nào, có lẽ “chất lính” đã ăn sâu trong anh. Anh lại tiếp tục có những đóng góp trong phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc. Vừa làm việc tại đơn vị, anh tranh thủ sắp xếp thời gian hợp lý phát triển kinh tế gia đình.

Trước đây, cũng như bao người dân khác, gia đình anh trồng rau màu. Vài năm gần đây, anh bàn bạc với gia đình chuyển sang nuôi gà thịt, bò sinh sản, cải thiện cuộc sống gia đình. Hiện tại, đàn gà của anh lên đến 2.500 con. Một ngày của anh bắt đầu từ 4 giờ sáng. Sau khi chuẩn bị một số việc cần thiết phụ vợ chăn nuôi, anh lên cơ quan làm việc. Vừa làm kinh tế, vừa tham gia công tác địa phương, anh Tú hầu như không có thời gian dành cho riêng mình.

“Có lẽ sinh hoạt từ những ngày đi bộ đội tạo cho tôi thói quen. Hồi trước khi còn trong quân ngũ, 4 giờ 45 phút, chúng tôi thức giấc nên sau này, cứ đến giờ đó là không chợp mắt được nữa. Bây giờ các con đang trong tuổi ăn học nên vợ chồng cần tích cực lao động. Nhưng không vì thế mà mình lơ là chuyện cơ quan, ngược lại mình phải làm chu toàn hết công việc ở địa phương thì mới yên tâm lo chuyện gia đình” - anh Tú nói.

Giống gà gia đình anh nuôi được nhập từ tỉnh Bình Định. Mỗi năm, gia đình anh bán 3 đợt. Tận dụng diện tích đất nhà, vợ chồng anh trồng cỏ để nuôi bò sinh sản. Trước đó, qua sự giới thiệu của Hội Cựu chiến binh xã, anh vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội mở rộng chuồng trại. 

Nhớ về những ngày đầu, anh Tú bộc bạch: “Làm kinh tế mà đặc biệt là chăn nuôi thì phải chịu cực, siêng năng. Không chỉ vệ sinh chuồng trại sạch sẽ mà mình phải chăm sóc để gà không mắc dịch bệnh. Lúc đầu, vợ chồng tôi nuôi số lượng không nhiều như hiện nay. Sau này, tích lũy thêm kinh nghiệm và tìm hiểu cách phòng, chống dịch bệnh nên chúng tôi tăng thêm số lượng”.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Long Thượng - Lê Hoàng Thơ nhận xét: “Anh Tú là người gương mẫu. Ngoài tích cực tham gia các phong trào địa phương, với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, anh thường xuyên tham gia các hoạt động do địa phương phát động. Nổi bật là anh tham gia dọn vệ sinh, khơi thông dòng chảy, phát quang bụi rậm, nhặt rác ở một số tuyến đường,... góp phần cùng chính quyền củng cố, nâng chất các tiêu chí xã văn hóa, nông thôn mới”./.

Song Nhi

Chia sẻ bài viết