Tiếng Việt | English

06/07/2015 - 10:23

Liệu bề đát được thì đan,...

Nghề đan mây, tre có lịch sử lâu đời, gắn bó với người dân Đức Hòa, nơi có nguồn nguyên liệu tự nhiên dồi dào, khi cha ông ta trong cuộc hành trình khai mở đất phương Nam.


Một cơ sở đan cần xé ở ấp Hòa Hiệp 1, xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa

Nghề đan mây tre ở Đức Hòa hiện phân bố tại các xã Hiệp Hòa, An Ninh Đông, Đức Hòa Thượng và Tân Mỹ với vùng nguyên liệu tre, trúc chiếm khoảng 30% diện tích tự nhiên ở mỗi xã. Do tính chất nhẹ nhàng và phù hợp trong điều kiện nông nhàn nên nghề này thu hút nhiều lao động, đặc biệt là phụ nữ. Căn cứ vào sản phẩm và việc chuyên môn hóa, nghề này được chia làm các bộ phận nghề là nghề đan cần xé, nghề đan đát và nghề đan liếp. Riêng nghề đan tấm liếp để phơi lá thuốc lá ở xã Đức Hòa Thượng không còn tồn tại do nghề trồng thuốc lá ở Đức Hòa gần như mai một. Nghề đan cần xé phân bố ở 2 xã Hiệp Hòa với khoảng 150 hộ làm nghề và An Ninh Đông với hơn 100 hộ làm nghề, nghề đan đát làm ra rổ, rá, thúng, mủng, sàng, xịa, nia, bồ, lờ, lợp, thời… phân bố chủ yếu ở xã Tân Mỹ với 160 hộ làm nghề,. Tân Mỹ giáp ranh với xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi, TPHCM), vì vậy có quan hệ giao lưu nghề nghiệp và giao thương lâu đời với làng nghề đan đát nổi tiếng của Nam bộ này.

Trong khâu chuẩn bị nguyên liệu, chặt tre là công việc khá nặng nhọc, thường do đàn ông đảm trách. Tùy loại sản phẩm và yêu cầu đặt hàng, phải chọn nguyên liệu trúc cần câu, tre gai và dây mây cho phù hợp:

“Tre già dùng để làm nan,
Lớn đan đăng đó, nhỏ đan thúng sàng.
Gốc thì anh để kê giường,
Ngọn ngành anh để cắm giàn trầu, dưa”.

Nan càng láng, đều, đẹp sẽ giúp động tác kỹ thuật uốn, nắn, lận,... hoàn hảo, sản phẩm có chất lượng và thẩm mỹ. Chẻ nan nay được hỗ trợ bằng máy nhưng vót nan vẫn cần đến yếu tố thủ công. Để làm ra một chiếc cần xé phải trải 10 công đọan kỹ thuật đan khác nhau. Đầu tiên là “gầy đít” (gầy mê) với kỹ thuật đan nong đôi (ở Đức Hòa gọi là long đôi) để tạo mê (đít cần xé) có hình vuông để từ đây “lên đít” bằng kỹ thuật đan long mốt, rồi đánh nan tư để đưa công đoạn đan lên đến miệng cần xé; sau đó “bẻ miệng”, “léo vành” để vành miệng cần xé chắc chắn và đẹp; sau cùng là “đóng quay”, “quấn quai”, “luồn miệng” và “đóng hông” để hoàn chỉnh sản phẩm. Ngoài cần xé loại một táo, 1 giạ, 1,5 giạ, 2 giạ, 2,5 giạ dùng đựng trái cây, các loại nông sản và hàng hóa khác, hiên nay người ta còn làm cần xé dạng thủ công mỹ nghệ - tức cần xé thu nhỏ (gồm có bộ 3, bộ 4, bộ 8 và bộ 12 cái) dùng để trang trí,…rất được ưa chuộng và được xuất khẩu sang các nước: Libya, Singapore, Đài Loan,…

Với đan đát, khâu chuẩn bị nguyên liệu lại càng quan trọng, bởi ngoài yêu cầu về độ bền còn đòi hỏi yếu tố mỹ thuật. Tùy chủng loại sản phẩm, người ta chuẩn bị các loại nan, vành, cong nứt, dây mây,... cho phù hợp. Trong công đoạn này, vót nan là khâu quyết định, sao cho nan vừa mỏng nhưng vẫn bảo đảm độ dẻo, đều và giữ độ láng, bóng tự nhiên của vỏ tre, trúc, mây. Sau nan là vành, cũng tùy loại sản phẩm mà kích thước to, nhỏ, dày, mỏng,... khác nhau. Người ta còn dùng thêm nan nứt, tức loại nan được vót mỏng, láng, đẹp, có bề bản rộng hơn nan thường, hoặc “con rít” làm bằng nan mây để trang trí trên vành làm tăng yếu tố mỹ thuật cho sản phẩm. So với đan cần xé, đan đát đòi hỏi cao hơn về kỹ thuật. Đầu tiên là “gầy mê” bằng kỹ thuật đan long mốt hoặc long hai đối với sản phẩm là đục, lờ, lợp, rổ, rá, nắp đậy; với tràng, thúng, nia, dần, sàng thì đan long hai, long ba, đến độ lớn cần thiết thì chuyển sang công đoạn đát để mở rộng rồi “nong vành” định hình sản phẩm, sau đó “nứt vành” làm chắc vành miệng, cuối cùng là dùng dây mây “vấn con rít” (hay đánh con rít) làm đẹp sản phẩm. Sản phẩm đan đát ở Tân Mỹ được cho là bền, đẹp, mẫu mã đa dạng với thế mạnh là các loại rổ; ngoài rổ thông thường, còn có loại rổ lớn để đựng đậu phộng và rổ có đường kính miệng từ 1- 1,2m để xúc cá lia thia làm mắm chua, đáp ứng nhu cầu sản xuất hai loại đặc sản này ở Đức Hòa.

Kết tinh của lao động vật chất và lao động tinh thần, nghề đan mây tre gắn bó và đi vào đời sống người dân từ bao đời nay, trở thành nét văn hóa của vùng đất Đức Hòa. Từ nghề truyền thống này, nhiều câu thơ, câu ca dao ra đời phản ánh cuộc sống, tình cảm lứa đôi, tình yêu quê hương:

“ Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng,
Tre non đủ lá đan sàng nên chăng?
Đan sàng thiếp cũng xin vâng,
Tre vừa đủ lá non chăng hỡi chàng ? ”

Thậm chí mượn hình ảnh của nghề đan đát để nói lên thái độ sống ở đời:

“Liệu bề đát được thì đan
Đừng gầy rồi bỏ thế gian chê cười”
.

Nghề đan mây tre ở Đức Hòa góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống này chính là bảo tồn một loại hình di sản văn hóa phi vật thể về tư duy, kinh nghiệm của cha ông, làm tăng sức mạnh cội nguồn, tạo động lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.

Nghề đan cần xé và nghề đan mây tre ở Đức Hòa được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống và đưa vào quy hoạch 15 làng nghề và cụm làng nghề đến năm 2020 nhằm bảo tồn văn hóa địa phương và giải quyết lao động nông thôn. Tỉnh cũng quy hoạch 500 ha vùng đất bưng không sản xuất được lúa ở hai huyện Đức Hòa, Đức Huệ để trồng tre, trúc cung cấp nguyên liệu cho nghề mây tre đan.

“Nghề đan đát là nghề thủ công đã có từ rất lâu lâu đời, gắn liền với quá trình hình thành, phát triển nền văn hóa, văn minh dân tộc…” (Bùi Văn Vượng, 2000, Di sản thủ công mỹ nghệ Việt Nam, Nhà xuất bản Thanh niên). Phát hiện khảo cổ học tại di chỉ Lò Gạch, xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng (niên đại 3.000 - 2.200 năm cách ngày nay) vào tháng 4 năm 2014 đã tìm thấy dấu tích của những vết đan đát in trên nền đất, dẫn đến đoán định phải chăng cư dân cổ trên đất Long An xưa đã biết đến nghề này.

Nguyễn Tấn Quốc

 

 

Chia sẻ bài viết