Tiếng Việt | English

10/04/2018 - 13:07

Liên kết trong chăn nuôi - Doanh nghiệp “gác kèo trên”, người chăn nuôi “thua trận”

Hiện nay, việc liên kết giữa hộ chăn nuôi và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An còn khiêm tốn nên người chăn nuôi (NCN) mong muốn thực hiện liên kết để đôi bên cùng hưởng lợi. Nhưng thực tế, doanh nghiệp (DN) luôn ở vị thế “gác kèo trên”, NCN đành “thua trận”.

Hiệu quả rõ rệt

Mấy năm nay, Cơ sở giết mổ gia súc Huỳnh Thanh Liêm (xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An) liên kết với các hộ chăn nuôi tại các phường: 4, 5, 6, 7, Khánh Hậu, Tân Khánh và xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An thông qua hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Anh Huỳnh Thanh Liêm - chủ cơ sở, cho biết: “Tôi mua heo từ hộ chăn nuôi, giết mổ và bán tại chợ phường 2, bỏ mối cho các quán ăn. Do kinh doanh tại chỗ nên lượng heo tiêu thụ không nhiều. Thế nhưng, NCN vui mừng và phấn khởi”.

Mặc dù thành lập chưa tròn 1 năm nhưng Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Long Thạnh (xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa) - Cao Phú Khánh liên kết với khoảng 20 hộ chăn nuôi theo hướng VietGAP. Các thành viên HTX hỗ trợ nhau về kỹ thuật nuôi cá lóc, cá rô, cá trê, lươn, ếch,... Hiện nay, giá cá cao nên các thành viên đều phấn khởi.

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện, các mối liên kết chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Nhiều mối liên kết bị phá vỡ do hộ chăn nuôi chưa có nhiều lợi nhuận; việc phát triển, mở rộng chăn nuôi còn khó khăn.

Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Kim Kê Phát (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) - Võ Văn Ba tiếc nuối khi hợp đồng mua bán với doanh nghiệp bị phá vỡ. Ảnh: Gia Hân

Doanh nghiệp “gác kèo trên”

Năm 2015, 2016 là thời điểm “vàng” của HTX Chăn nuôi Kim Kê Phát (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) khi ký kết hợp đồng đầu tư và tiêu thụ sản phẩm gà thịt với một DN tại TP.HCM. Bình quân mỗi ngày, HTX cung cấp từ 500-600 con gà thịt cho DN này. Nhưng từ năm 2017, DN thương thảo với HTX chuyển sang nuôi gà thảo mộc, ngoài nhận con giống, hộ chăn nuôi phải nhận cám chăn nuôi thương hiệu thảo mộc do DN này cung cấp. Sau khi tính toán, tất cả thành viên HTX quyết định không tiếp tục ký hợp đồng với DN. Bởi, giá cám thảo mộc đắt hơn cám loại thường 50.000 đồng/bao, thời gian nuôi gà thảo mộc dài hơn gà ta nên NCN không có lợi nhuận và rủi ro cao.

Ngoài ra, nếu HTX Kim Kê Phát ký kết hợp đồng chăn nuôi gà thảo mộc với DN thì phải bỏ ra nhiều chi phí đầu vào và trả tiền liền theo kiểu “tiền trao, cháo múc” từ mua gà giống, cám. Nhưng ngược lại, khi giao gà thịt, hộ chăn nuôi chờ đợi được thanh toán tiền ít nhất sau 1 tuần. Chính vì không thương thảo được hợp đồng, HTX từ 40 thành viên đến nay chỉ còn 25 thành viên. Số thành viên còn lại cũng giảm đàn, nếu trước kia, mỗi thành viên nuôi từ 5.000-6.000 con/đợt, thì nay, số này chỉ còn 1.000-2.000 con/đợt, tất cả đều bán qua thương lái.

Giám đốc HTX Kim Kê Phát - Võ Văn Ba nói: “Việc phá vỡ hợp đồng với DN là điều đáng tiếc nhưng chúng tôi không thể làm khác hơn. Bởi, trong chăn nuôi, bất kỳ hộ chăn nuôi nào cũng đều mong muốn có hình thức liên kết mà cả DN và NCN cùng hưởng lợi nhuận. Nếu tiếp tục ký kết hợp đồng với DN này, chúng tôi bị thiệt”.

Ông Nguyễn Hoàng Ơn cho biết, vẫn thích bán trứng gà cho doanh nghiệp vì không ảnh hưởng “được mùa, rớt giá”

Ở ấp Thuận Đông, xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, ông Nguyễn Hoàng Ơn là một trong những hộ nuôi gà dạng trang trại lớn. Hiện, tổng đàn gà đẻ trứng nhà ông là 11.000 con, bình quân mỗi ngày, đàn gà đẻ từ 8.000-9.000 quả trứng. Trước đây, ông ký kết hợp đồng và bán trứng cho một DN đến từ TP.HCM nhưng ngưng hợp đồng từ năm 2013. Hiện, ông bán trứng qua thương lái. Giải thích về lý do ngưng hợp đồng, ông Ơn nói: “Thông thường, tôi bán trứng gà cho DN, sau 10-20 ngày họ mới thanh toán qua ngân hàng. Trong khi đó, mua thức ăn cho gà từ DN sản xuất phải chuyển tiền trước 2-3 ngày họ mới giao. Hiện nay, tôi bán trứng cho thương lái, cứ sau 2 ngày là nhận được tiền và tiếp tục quay vòng vốn. Nếu bán trứng cho DN, tôi không có vốn quay vòng”.

Trước đây, anh Bùi Văn Hồng, ngụ xã Bình Tâm, TP.Tân An, nuôi trên 1.000 con heo, nhưng từ sau đợt heo hơi giảm giá đến nay, anh giảm đàn khoảng 70%. Mặc dù được Sở NN&PTNT, Sở Công Thương hỗ trợ kết nối với các DN đến từ TP.HCM lẫn DN trong tỉnh nhưng kết quả không như mong muốn. Hiện, có một DN tại Long An thu mua thịt heo nhưng chỉ toàn thịt nạc (giá thị trường) sau khi được giết mổ, phần còn lại, anh phải mở quầy thịt bán ở các chợ.

Làm sao để hợp tác bền vững?

Có nhiều lý do việc liên kết và tiêu thụ trong chăn nuôi chưa như mong muốn. Bởi, Long An là địa phương quá gần thị trường lớn TP.HCM, so với các tỉnh, thành khác, giá bán ra các sản phẩm như heo hơi, gà, vịt, trứng luôn cao hơn. Chính vì vậy, khi các cơ quan chức năng tiến hành kết nối giữa hộ chăn nuôi và DN đều không đi đến kết quả, đôi bên không thương thảo được hình thức mua bán, giá cả. Bên cạnh đó, Long An chưa có nhiều DN lớn làm đầu mối mua hàng hóa từ nông dân, dẫn đến khó khăn trong tập trung để cung cấp cho các hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các DN sản xuất, chế biến hàng hóa.

Hộ chăn nuôi mong muốn bán trứng gà cho doanh nghiệp nhưng phương thức thanh toán cần nhanh chóng hơn để có vốn quay vòng

Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi được xem là mắt xích quan trọng, then chốt trong chuỗi cung ứng thực phẩm đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi thực hiện các mối liên kết bộc lộ những hạn chế nhất định. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: Sở tiếp tục phối hợp Sở Công Thương tìm kiếm, kết nối giữa hộ chăn nuôi và DN, là cầu nối để DN đến gần hơn với hộ chăn nuôi, hình thành nên chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn khép kín, chủ động kiểm soát chất lượng bảo đảm được kết nối tiêu thụ ổn định về số lượng và giá cả,... Bên cạnh đó, những HTX hoạt động hiệu quả cần có chính sách hỗ trợ lưu động để họ quay vòng vốn./.

- Giám đốc HTX Thủy sản Long Thạnh - Cao Phú Khánh: Do sản phẩm cá nuôi đạt chuẩn và chất lượng tốt nên HTX tìm được DN tiêu thụ. Nhưng quy định của DN này, từ 20-30 ngày giao hàng mới nhận được tiền của đợt bán trước. Trong khi đó, HTX mới thành lập không có vốn lưu động và khi mua cá từ các thành viên phải trả tiền liền để họ có vốn quay vòng.

- Ông Nguyễn Hoàng Ơn, ngụ ấp Thuận Đông, xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc: Bán trứng gà cho DN, hộ chăn nuôi có lợi là được giá hơn, không sợ “được mùa, rớt giá”, bán cho thương lái rủi ro cao. Nếu DN có cách thanh toán tiền sớm, nhanh chóng như thương lái, chắc chắn hộ chăn nuôi sẽ thuận tình và kết nối.

- Đại diện DN thu mua heo hơi (TP.HCM): DN có nhiều cuộc thương thảo với hộ chăn nuôi heo tại Long An nhưng bất thành. Bởi, hộ chăn nuôi không chấp nhận mua bán hàng hóa theo phương thức thanh toán hiện đại (chuyển khoản qua ngân hàng, thời gian giao hàng, quy trình kiểm tra chất lượng, giá,...).

Gia Hân

Chia sẻ bài viết