Tiếng Việt | English

07/09/2018 - 12:08

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2018: Góp phần giữ gìn và phát triển nghệ thuật cải lương

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2018 là nơi tranh tài của 25 đoàn nghệ thuật, nhà hát với 32 vở cải lương đặc sắc. Liên hoan diễn ra từ ngày 05 đến 19/9/2018. Đây là sân chơi chuyên nghiệp của các nghệ sĩ, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị quý báu của nghệ thuật cải lương.

Vở diễn “Cuộc đời của mẹ” khắc họa hình ảnh người phụ nữ kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang 

Phát huy giá trị văn hóa

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2018 là một trong những hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 100 năm Ngày Nghệ thuật cải lương ra đời tại Nam bộ. Long An vinh dự được chọn là nơi tổ chức liên hoan. Nơi đây không chỉ là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa mà còn là một trong những chiếc nôi của nhạc tài tử Nam bộ. “Tiếng đồn Cần Đước xuân xanh. Giai kìm, Quýnh gáo, Quế tranh, Lòng cò”. Con người Long An được nuôi dưỡng từ cái nôi âm nhạc tài tử Nam bộ, góp phần rất lớn vào sự hình thành và phát triển của bộ môn nghệ thuật cải lương - đặc trưng của vùng đất phương Nam. Đây là một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc và là vốn quý của văn hóa nghệ thuật dân tộc.

Từ khi ra đời đến nay, cải lương luôn có sức hút mạnh mẽ với người dân Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, suốt chặng đường lịch sử hình thành và phát triển, bộ môn nghệ thuật này không tránh khỏi những bước thăng - trầm. Có lúc cải lương rất thịnh và phát triển mạnh, là thời “vàng son”. Tuy nhiên, khi các loại hình nghệ thuật mới được du nhập vào Việt Nam, cải lương buộc phải “lùi bước”. Để vực dậy loại hình nghệ thuật truyền thống này, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các nhà hát, đoàn nghệ thuật, đặc biệt những nghệ sĩ tâm huyết, yêu nghề nỗ lực hết mình, góp phần giữ gìn, phát huy giá trị của bộ môn nghệ thuật cải lương. Trong đó, liên hoan là dịp để các nghệ sĩ hội tụ, tranh tài cùng nhau phát triển nghệ thuật cải lương, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Lê Quang Tùng khẳng định: “Trong sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch luôn xác định bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật của sân khấu cải lương là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên hàng đầu. Góp phần phát huy những giá trị quý báu ấy, liên hoan năm nay có nhiều đổi mới. Đó là liên hoan có sự tranh tài của 8 đơn vị ngoài công lập và không có sự phân biệt giữa đoàn nghệ thuật công lập và ngoài công lập. Sự đổi mới này nhằm hướng đến mục tiêu chất lượng nghệ thuật, đồng thời tạo ra sân chơi đúng nghĩa cho những nghệ sĩ yêu nghề”.

Cùng với tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu lứa đôi cũng hiện hữu và tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho sự đấu tranh của các chiến sĩ

Đề tài tham gia liên hoan cũng không hạn chế nội dung. Tuy nhiên, Ban Tổ chức khuyến khích các tác phẩm hưởng ứng việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng, Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Bên cạnh đó, các vở diễn tham gia liên hoan phải được cấp phép của các cơ quan chức năng theo quy định.

Mỗi vở diễn một sắc thái riêng

Mở màn cho liên hoan là vở diễn Cuộc đời của mẹ của Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An. Tác phẩm dựa trên cuộc đời có thật của người con ưu tú của quê hương Cần Giuộc - một phụ nữ “bất khuất, trung hậu, đảm đang” - Nguyễn Thị Út. Dù bị địch bắt cầm tù, tra tấn dã man nhưng người phụ nữ ấy vẫn một lòng kiên trung, giữ trọn lời thề sắt son với Đảng và luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc. Vở diễn khắc họa chân thực sự tàn khốc của chiến tranh với những hy sinh của người dân vô tội hay hình ảnh những người tù chính trị, đặc biệt là các nữ tù phải chịu đựng cực hình tại các nhà tù - nơi được xem là “địa ngục trần gian”. Đó cũng là những đoạn cao trào của vở diễn và làm người xem không cầm được nước mắt.

Chị Nguyễn Hồng Châu (35 tuổi), ngụ phường 4, TP.Tân An, chia sẻ: “Biết chiến tranh là bom rơi, đạn lạc và tàn khốc lắm nhưng khi xem vở diễn Cuộc đời của mẹ, tôi hiểu hơn về những chiến sĩ của chúng ta ngày ấy, đặc biệt là nhân vật chính, người phụ nữ trung kiên - Nguyễn Thị Út. Trọn vở diễn, tôi không ít lần phải rơi nước mắt vì thương và đau xót cho người phụ nữ ấy”.

Là một trong những nghệ sĩ tham gia vở diễn Cuộc đời của mẹ, nghệ sĩ Trần Minh tâm sự: “Lên sân khấu là tôi sống với nhân vật của mình. Với tôi, liên hoan là cơ hội để những nghệ sĩ thể hiện mình, cháy hết mình trên sân khấu; đặc biệt là tình tri kỷ, tri âm của nghệ sĩ, các đơn vị thêm bền chặt”.

Sự kiên cường của những chiến sĩ Hải quân trong vở diễn Phù sa đỏ của Đoàn Văn công Quân khu 9

Một vở diễn khác không kém phần đặc sắc là vở Phù sa đỏ của Đoàn Văn công Quân khu 9. Đây là vở diễn khắc họa cô đọng những người chiến sĩ hải quân năm xưa cùng các má, các ba, những cô gái, chàng trai của biển cả, rừng đước Tân Ân, Rạch Gốc vượt lên gian khổ, khắc nghiệt sống cùng mưa bom, bão đạn và sự tàn ác của Mỹ - ngụy, ngày đêm làm nhiệm vụ vận chuyển và tiếp nhận hàng hóa, vũ khí, bảo vệ kho hàng, bến bãi từ những “Con tàu không số” xẻ dọc biển Đông mở “con đường huyền thoại” vận chuyển vũ khí từ hậu phương lớn - miền Bắc thân yêu đưa về tiền tuyến lớn - miền Nam ruột thịt. Vở diễn làm người xem không khỏi xúc động vì sự quyết đoán, bất khuất, kiên cường của những chiến sĩ hải quân.

Ngoài ra, các vở diễn Hồi sinh của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai; Cuộc chiến thời bình của Nhà hát Cao Văn Lầu; Ảo mộng đế vương của Đoàn Cải lương Thái Bình; Thái hậu Dương Vân Nga của Sân khấu Lê Hoàng;... sẽ lần lượt được biểu diễn tại liên hoan. Có thể thấy, liên hoan năm nay đa dạng các thể loại từ cổ trang, lịch sử cận đại, xã hội cận đại đến xã hội đương đại.

Ông Lê Quang Tùng cho biết: “Với sự đa dạng trong đề tài, thể loại, mỗi vở diễn tham gia liên hoan mang một sắc thái, diện mạo riêng. Đó là sự kết tinh của nghệ thuật dân tộc với sự phản ánh sinh động đời sống hiện thực, ca ngợi những nét đẹp trong cuộc sống và tâm hồn của người Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng, các nghệ sĩ, diễn viên sẽ không ngừng sáng tạo, cống hiến cho khán giả những vở diễn ấn tượng với nhiều cung bậc cảm xúc”.

Với sự nghiêm túc, tâm huyết của những người làm nghề, đặc biệt là sự quan tâm trong việc “trao - truyền” giữa các thế hệ, bộ môn nghệ thuật cải lương sẽ ngày càng phát huy được những giá trị của nó./.

Ngọc Sương

Chia sẻ bài viết