Tiếng Việt | English

31/10/2018 - 06:48

Lệnh trừng phạt Iran của Mỹ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng

Cơ sở lọc dầu của Iran trên đảo Khark, ngoài khơi vùng Vịnh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 30/10 cho biết các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này sẽ gây ra "những hậu quả nghiêm trọng" cho trật tự thế giới.

Hãng thông tấn nhà nước Iran (IRNA) dẫn lời ông Zarif bình luận trong chuyến thăm Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng với trật tự thế giới. Ngoại trưởng Zarif cũng nhấn mạnh Mỹ chưa đạt được các mục tiêu với các lệnh trừng phạt phi pháp của mình. 

Phát biểu trong cuộc gặp ba bên giữa ngoại trưởng các nước Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan, ông Zarif cho biết cộng đồng quốc tế đã lên tiếng phản đối các biện pháp đơn phương của Washington.

Washington áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt đối với Tehran hồi tháng Tám vừa qua sau khi tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết năm 2015 giữa Tehran và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức). 

Một gói các lệnh trừng phạt mới nhằm vào ngành năng lượng và ngân hàng của Iran sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 5/11. Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố muốn đưa xuất khẩu dầu mỏ của Iran về mức 0. 

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, ngày 4/11 là hạn chót để các nhà nhập khẩu dầu thế giới chấm dứt hoàn toàn các hoạt động mua bán với Iran nếu không sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Washington.

Iran đã nhiều lần khẳng định nước này tuân thủ nghiêm ngặt các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân và tuyên bố này cũng nhiều lần được xác nhận từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). 

Tuy nhiên, Tổng thống Trump chỉ trích thỏa thuận mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được ký kết dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama có nhiều thiếu sót khi không đề cập đến các tên lửa đạn đạo của Iran, sự tham gia của nước Cộng hòa Hồi giáo trong các xung đột khu vực hoặc tương lai sau khi thỏa thuận hết hiệu lực vào năm 2025.

Các nước châu Âu tham gia ký kết JCPOA vẫn mong muốn giữ vững thỏa thuận trên và sẽ sớm khởi động một cơ chế cho phép các doanh nghiệp "né" các lệnh trừng phạt của Mỹ bằng cách sử dụng một bên trung gian của EU trong các giao dịch thương mại với Iran. 

Trong khi đó, Hàn Quốc, một trong những nước mua dầu mỏ Iran nhiều nhất tại châu Á, cũng trong ngày 30/10 cho biết nước này đã đề nghị Mỹ cấp một cơ chế "linh hoạt tối đa" để tránh cho các công ty nước này bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết