Minh họa: Thiện Mỹ
Ngày chị lấy chồng, tôi nước mắt ngắn, nước mắt dài. Mấy tháng nay, gặp mặt tôi, đứa nào trong xóm cũng hỏi: “Chị mày lấy chồng nước ngoài để có tiền trả nợ cho ba má mày phải hôn?”. Tôi lắc đầu nguầy nguậy: “Chị tao yêu ảnh thiệt mà!”. Nói vậy thôi chứ ai tin. Nhà tôi nghèo nhất nhì cái xóm này, vậy mà cha má cũng cố gắng cho chị em tôi ăn học. Để có tiền cho chị hai học đại học, má bán luôn mảnh vườn sau nhà, vay mượn thêm của cô, dì, chú, bác mỗi người một ít, vậy mà vừa học xong, chị đòi lấy chồng mà lại đi lấy một anh chàng Hàn Quốc. Cha má buồn rười rượi, xóm giềng xì xào bàn tán, người ta nói má mắc nợ, trả không nổi nên giờ gả chị cho người nước ngoài, giống như kiểu chục năm trước, mấy cô đẹp đẹp trong xóm nó đi lấy chồng Đài Loan vậy. Hồi đó, báo chí rần rần, nào là hoàn cảnh mấy cô gái Việt chấp nhận làm dâu xứ người bị bóc lột, hành hạ, người may mắn tìm được về quê nhà, người bặt tin tức, không biết sống chết thế nào, vậy mà chị còn “đâm đầu” theo trai ngoại quốc. Cha má khuyên hết lời không được, dọa từ mặt chị. Chị quỳ sụp xuống năn nỉ. Cha má có lý lẽ của cha má, chị cũng có lý lẽ của chị. Má chỉ muốn chị sống một cuộc đời bình yên, trở thành cô giáo làng, lấy chồng, sinh con, chăm sóc gia đình. Chị thì cứ khăng khăng bảo vệ tình yêu của mình. Chị nói, thời này không phải như thời trước, chị cũng không giống như mấy cô lấy chồng Đài Loan, cứ “nhắm mắt đưa chân”, anh chị đến với nhau bằng tình yêu, tìm hiểu mấy năm nay rồi và anh là du học sinh chứ không phải là lão già ham “gặm cỏ non”... Cha chặc lưỡi: “Thôi thì hạnh phúc của con, tùy con chọn, cha má cho con cái chữ, mong con nhìn xa trông rộng mà có sự lựa chọn đúng đắn”.
Ngày cưới, anh chị xúng xính trong bộ áo dài truyền thống Việt Nam, hàng xóm trầm trồ! Nhìn ánh mắt hạnh phúc của anh chị, cha má cũng an lòng, thầm mong con mình có cuộc sống an yên.
Ngày chị sang Hàn Quốc, tôi khóc hết nước mắt, không phải sợ chị khổ cũng không lo anh ăn hiếp chị bởi hơn ba năm sinh sống, làm việc tại Việt Nam, gia đình cũng thấy anh yêu thương chị thế nào. Tôi khóc vì nhớ chị! Nhà có hai chị em, chị đi rồi, biết ai an ủi, chia sẻ mỗi lúc tôi buồn, lấy ai bênh vực tôi mỗi khi bị cha mẹ đánh đòn vì tội ham chơi. Chị vỗ về: “Hai có đi luôn đâu, rồi hai sẽ về thăm cưng, ở nhà phải ngoan, nghe lời cha má nghe chưa!”.
Đôi ba ngày, chị lại gọi về kể chuyện bên Hàn, về văn hóa, phong tục của nước bạn. Chị còn kể về ước mơ sẽ mở một cửa hàng thủ công, mỹ nghệ bên đó để giới thiệu về sản phẩm đan lát của Việt Nam. Ước mơ chưa thực hiện được thì chị sinh con. Mỗi lần gọi điện về, trông chị gầy sộp, má xót lắm, dặn dò đủ thứ, nào là đàn bà mới sanh phải lo bồi bổ để có sữa cho con bú, nào là đừng có làm việc nhà sớm quá, tránh bệnh hậu về sau. Chị nghe mà nước mắt cứ rơi. Dạo sau này chị ít gọi về lắm, tôi có gọi qua, chị chỉ nói bận chăm con, qua loa vài chuyện lại thôi. Hôm rồi, bỗng chị nhắn: “Chắc chị ly dị”. Tôi quáng quàng, chẳng phải anh chị yêu nhau lắm sao, chẳng phải đã cùng nhau vượt qua bao khó khăn rồi sao? Tôi đem chuyện chị kể với má, cứ ngỡ má lại nước mắt ngắn dài rồi kêu con gái trở về Việt Nam, nhưng má không nói gì chỉ thở dài thườn thượt.
Tối, má ngồi trước hàng tư, trăng sáng vằng vặc. Má chắc lưỡi: “Hai của bây lớn xác vậy chứ còn con nít lắm, chăm con cực khổ rồi đâm ra hục hặc với anh hai bây, chứ má biết anh hai bây không phải đứa tệ... Qua bên đó, bất đồng ngôn ngữ, văn hóa, lại không có ai chia sẻ nên nó mới vậy. Vợ chồng sống với nhau nghĩa trăm năm, đâu phải nói bỏ là bỏ cái rụp vậy!”. Mấy hôm sau, má lại biểu: “Bây gọi để má nói chuyện với chị hai bây coi, gọi kiểu nào cho má thấy được nó nha con!”. Rồi cứ thế, ngày nào má cũng tỉ tê tâm sự với hai, dạy hai cách cho bé bú, bú xong phải vác bé trên vai cho “xuống” sữa, má dạy phải đem bé ra phơi nắng sớm cho cứng xương, phải giữ ấm tay chân cho bé. Rồi má gọi anh hai, kể chuyện ngày xưa cha phụ má chăm hai chị em tôi thế nào, má còn kể cho anh nghe tính nết của chị. Không biết do má thuyết phục hay tình yêu anh chị dành cho nhau quá lớn mà mấy tháng sau, không nghe chị nhắc đến chuyện ly dị nữa. Bé con lớn dần, đi nhà trẻ, chị có thời gian trở lại với công việc yêu thích. Chị lại chia sẻ về ước mơ ngày trước, ước mơ mở một cửa hàng bán đồ mỹ nghệ Việt Nam nơi xứ sở kim chi. Được sự ủng hộ của anh và gia đình chồng, chị mở được một cửa hàng nho nhỏ, cha má thôi làm mướn mà tất bật lo nguồn hàng cho chị. Túi, giỏ xách được đan bằng lục bình của xứ mình “được lòng” người Hàn Quốc ghê, cha má tất bật cũng không lo đủ hàng cho chị. Thế là má mở luôn cơ sở đan giỏ, chọn những thợ khéo tay, rồi tìm nguồn nguyên liệu. Cha đảm nhận việc đóng gói, giao hàng, tôi tìm thêm mẫu mã và thiết kế thêm nhiều kiểu dáng. Công việc thuận lợi, cha má mở rộng quy mô sản xuất, giờ đây, mấy dì, mấy cô trong xóm cùng đến đan giỏ, xóm tôi bỗng trở thành xóm... lục bình, cái tên gọi nghe thân thương và bình dị biết mấy!
Chị vẫn bay về giữa Hàn Quốc và Việt Nam, thằng nhóc con chị nay cũng đã lớn bộn, mỗi kỳ nghỉ hè, nghỉ tết, anh chị đều đưa con về thăm quê như lời anh nói: “Cho con tới lui thường xuyên để con biết rằng mình có đến hai quê hương và quê hương nào cũng dang rộng vòng tay đón con”./.
Tuyết Nhi