Mặc dù không còn mới, nhưng thời gian gần đây, các hoạt động lừa đảo núp bóng tuyển cộng tác viên bán hàng, cộng tác viên đăng bài online vẫn tiếp tục nở rộ.
Bị lừa hơn 750 triệu đồng khi tham gia bán hàng trên mạng
Để tìm “con mồi”, các đối tượng không ngần ngại đăng bài chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội. Với các từ khóa hấp dẫn như “làm việc tại nhà”, “không cần ôm hàng”, “không cần bỏ vốn”, “được phép trả hàng”, mức lương từ 200-500/ngày; hưởng 10%-20% hoa hồng sau mỗi sản phẩm,…. khiến không ít người mắc lừa, mất hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng trong một thời gian rất ngắn.
Lừa đảo CTV bán hàng online (Ảnh minh họa)
Mới đây, ngày 25/5/2022, Đội Cảnh sát Hình sự, Công an quận Long Biên, Hà Nội tiếp nhận đơn trình báo của anh Vũ Văn H. (SN: 1995, trú tại phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội) về việc:
Ngày 22/5 anh H. được em trai ruột là Hoàn gửi cho trang Web IC Market nền tảng kiếm tiền online để được hưởng hoa hồng 0,05%, anh H., đã nhập vào trang web này và làm theo hướng dẫn để nạp tiền vào số tài khoản: 6896895689 của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) mang tên Pham Trung Dong.
Ngày 23/5, qua hệ thống internet banking anh H. đã chuyển số tiền gần 260 triệu đồng vào tài khoản trên từ tài khoản mang tên mình tại ngân hàng Techcombank.
Sự việc chưa dừng ở đó, cùng ngày anh H. tiếp tục nhờ em trai mình là Hoàn ra ngân hàng TMCP Việt Nam chuyển tiếp số tiền 500 triệu đồng vào tài khoản mang tên Pham Trung Dong.
Tổng cộng số tiền hai anh em H. đã chuyển vào tài khoản Pham Trung Dong là 759 triệu đồng để chạy đơn hàng theo hướng dẫn của trang Web IC Market.
Sau khi giao dịch thành công, anh H. đã thực hiện giao dịch rút tiền hoa hồng từ số tiền đã chuyển nhưng không được. Nghi ngờ mình bị lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 759 triệu đồng, anh H. đã viết đơn trình báo cơ quan công an.
Hai anh em Vũ Văn H. không phải là trường hợp cá biệt. Theo lãnh đạo Công an quận Long Biên, các hình thức lừa đảo tuyển cộng tác viên bán hàng trên mạng đang có xu hướng nở rộ trên địa bàn quận.
Với thông tin đưa ra đơn giản mà hấp dẫn: “chỉ cần đăng bài”, “được hỗ trợ hoàn hàng”, “hoa hồng cao”,... Khi CTV đăng bài bán hàng, chính những người nằm trong đường dây lừa đảo này sẽ dùng Facebook ảo, sim rác,... để đóng giả làm người mua hàng để đặt hàng.
Tuy nhiên, sau khi mất công đóng gói rồi gửi hàng đi, dĩ nhiên đơn hàng đó sẽ không có ai nhận và được trả về cho nạn nhân. Những người đặt hàng và cả công ty cung cấp hàng đều sẽ “bốc hơi”, không để lại dấu vết. Khi đó, các cộng tác viên sẽ phải ôm một số lượng hàng hóa với số tiền bỏ ra "đặt cọc" lớn nhưng cũng không thể sử dụng vì toàn là hàng giả, hàng kém chất lượng.
Trước đó, ngày 15/1/2022 chị Lạc Thị H. trú tại quận Long Biên đăng tải lên mạng xã hội facebook với mục đích tìm kiếm việc làm, sau đó chị H. nhận được tin nhắn từ một fanpage và hướng dẫn kết bạn trên Zalo để nói chuyện cụ thể.
Chị H. làm theo và kết bạn Zalo đến số điện thoại 0328.170.577 tên tài khoản là “Hà Thúy Quỳnh”, sau khi nói chuyện và thỏa thuận, chị Hạnh đồng ý với tài khoản zalo trên về việc nhận thanh toán các đơn hàng trên sàn điện tử Shopee để hưởng lợi 10% giá trị tiền cho mỗi đơn hàng.
“Quỳnh” gửi cho chị Hạnh số tài khoản 23000106005363 ngân hàng Bắc Á để Hạnh chuyển tiền hóa đơn sản phẩm vào, sau đó, “Quỳnh” sẽ chuyển trả lại chị H. số tiền bỏ ra cùng số tiền 10% được hưởng lợi như đã thỏa thuận.
Sau hai đơn hàng đầu tiên “Quỳnh” chuyển tiền lại cho chị H, đến các đơn tiếp theo “Quỳnh” yêu cầu chị H. thanh toán vào tài khoản 3219996789 ngân hàng Vietcombank, tổng số tiền chị H. đã thanh toán là 234 triệu đồng.
Không thấy “Quỳnh” hoàn lại số tiền, chị H. đã yêu cầu nhiều lần nhưng “Quỳnh” lấy lý do lỗi hệ thống và tài khoản bị đóng bang sau 36 tháng mới mở lại. Nghi ngờ bị lừa chị H. đã đến Công an quận Long Biên trình báo.
Không có nghề nào kiếm được 20-25% hoa hồng chỉ bằng thao tác nhấn chuột
Theo Thiếu tá Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ Đội Cảnh sát Hình sự Công an quận Long Biên, Hà Nội, các hành vi lừa đảo người dân chủ yếu đánh vào lòng tham. Cụ thể, các trường hợp lừa đảo làm cộng tác viên, kết nối Shopee, Lazada, các trang thương mại điện tử,… Ban đầu họ sẽ cho bị hại một vài lợi ích. Ví dụ như, chuyển 100.000 đồng sẽ được 120.000 đồng. Nhưng chỉ vài đơn hàng 100.000-200.000 đồng. Đến khi kích cầu lên 5-10 triệu đồng, thậm chí 100 triệu đồng, các trang web này sẽ biến mất.
“Mặc dù trên trang thương mại điện tử giả đó, có hiện lên số tiền hoa hồng khách hành được nhận. Nhưng đến khi bị hại muốn rút tiền, nó sẽ đưa ra các yêu cầu: “lệnh bị lỗi”, “lệnh bị sai, “hay người ở trong nhóm thực hiện sai thao tác”… nên số tiền bị tạm giam, tạm giữ lại. Nếu bị hại muốn nhận lại được tiền, phải tiếp tục thực hiện một đơn hàng khác mới rút được tiền” - Thiếu tá Nguyễn Anh Tuấn nói.
Khi bị hại thực hiện thêm một đơn hàng nữa, các đối tượng này lại tăng mức phải nộp tiền. Cùng với đó, chúng yêu cầu bị hại nộp thuế thu nhập cá nhân, yêu cầu các khoản chi phí bất hợp lý khác. Đến lúc bị hại “ngấm đòn” yêu cầu đòi lại tiền, thì các đối tượng này tắt điện thoại.
“Không có công việc gì mang lại lãi suất 20-30% trong vòng mấy phút mà chỉ cần ấn thao tác chuyển hàng. Nếu có họ cũng không tuyển đến lượt mình” - Thiếu tá Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Thiếu tá Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, người dân không nên truy cập vào các trang web không có nguồn gốc. Khi tham gia bất cứ đường link nào, cũng nên biết rõ đường link đó có từ đâu?. Nếu tải phần mềm, nên tải từ các đường link chính thống, không tải đường link bất hợp pháp trên mạng./.
Nguyễn Hiền/VOV.VN