Tiếng Việt | English

12/05/2017 - 10:45

Lập nhóm xét tuyển: “Đôi bên” đều có lợi?

Năm nay, việc cho phép thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển đại học sẽ khiến các trường khó khăn đảm bảo xét tuyển vừa đủ chỉ tiêu.

Liệu việc xét tuyển theo nhóm lớn có giải quyết được tỷ lệ “ảo” cao như mùa tuyển sinh năm 2016?

Tuyển sinh nhóm để “lọc ảo” tối đa

Khác với năm trước, quy chế tuyển sinh năm nay cho phép thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng (NV).

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), năm nay số lượng nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường đại học khá tập trung. Hiện nay số thí sinh đăng ký từ 1 - 5 NV có 80%; có 18% đăng ký từ 6 - 10 NV và chỉ có 2% đăng ký từ 11 - 48 NV.

Nếu các trường lập nhóm xét tuyển sẽ giảm thí sinh ảo và trượt oan. ảnh: trube
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, năm nay việc cho phép thí sinh đăng ký nhiều NV sẽ khiến các trường khó khăn đảm bảo xét tuyển vừa đủ chỉ tiêu. Việc lập các nhóm xét tuyển sẽ giúp các trường thực hiện khâu tiền lọc “thí sinh ảo” trước khi tới bước lọc ảo cuối cùng trên cổng thông tin điện tử của Bộ. Năm nay thí sinh sẽ chỉ được chọn trúng 1 NV ngành yêu thích nhất và điều này chính là để đảm bảo công bằng cho các thí sinh khác.

Sau khi các trường phía Nam thống nhất nhóm xét tuyển lên đến hơn 60 trường, ở phía Bắc có 42 trường tham gia nhóm xét tuyển. Đại diện các trường đại học đều cho rằng, xét tuyển theo nhóm lớn sẽ có lợi cho trường, nhưng không ảnh hưởng gì đến thí sinh. Bởi lẽ, năm 2016, dù thí sinh chỉ đăng ký 2 nguyện vọng xét tuyển trong đợt 1, nhưng hầu hết các trường đều gặp tình trạng thí sinh ảo.

Nếu trường xét tuyển độc lập rất khó xác định được điểm chuẩn trúng tuyển dự kiến để đảm bảo lọc được thí sinh ảo. Bởi thí sinh điểm cao sẽ trúng tuyển vào nhiều trường.

Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng: “Năm nay đăng ký nguyện vọng cũng khác với năm ngoái, chính vì thế việc thành lập một nhóm các trường đại học để sàng lọc trước khi trường ra một quyết định điểm chuẩn tôi nghĩ là cần thiết.

Việc đó sẽ giúp cho trường ra một điểm chuẩn chính xác nhất và tuyển được các em có nguyện vọng tốt nhất cũng như đầu vào tốt nhất. Nếu số trường tham gia nhóm xét tuyển càng đông thì tỷ lệ thí sinh ảo càng giảm”.

Còn ông Nguyễn Hoàng Long, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ GTVT (Bộ Giao thông Vận tải) cũng cho biết, đây là năm thứ 2 trường tham gia xét tuyển theo nhóm.

Qua kinh nghiệm cho thấy, việc tham gia nhóm GX (gồm một số trường đại học và học viện) sẽ hạn chế tối đa tỷ lệ ảo, từ đó các trường sẽ xác định chỉ tiêu và lựa chọn được những thí sinh phù hợp, đồng thời cũng tạo điều kiện cho thí sinh trúng tuyển đúng ngành nghề yêu thích. Tuy nhiên, do năm nay chỉ được chọn một NV cao nhất nên thí sinh cần cân nhắc lựa chọn đúng ngành nghề mong muốn.

Điểm chuẩn sát thực tế sẽ tránh cho thí sinh trượt oan?

Theo PGS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, những kinh nghiệm tổ chức nhóm GX như năm ngoái sẽ được áp dụng cho nhóm trường miền Bắc năm nay, với mục tiêu giảm hiện tượng “ảo”.

Nguyên tắc xét tuyển của nhóm sẽ thực hiện hoàn toàn theo quy chế, nghĩa là thí sinh chỉ trúng tuyển vào một NV ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các NV đã đăng ký. Nguyên tắc của nhóm năm nay là tôn trọng tối đa quyền tự chủ của các trường tham gia, nên việc tham gia nhóm không ảnh hưởng gì tới quy định của từng trường và quyền tự chủ của các trường.

“Việc thành lập nhóm không chỉ các trường mà ngay cả thí sinh cũng có lợi. Khi các trường xác định được điểm chuẩn vào từng ngành hay vào trường mình một cách sát với thực tế thì rõ ràng sẽ giảm tối đa lượng thí sinh bị “trượt oan” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga phân tích.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, việc hình thành các nhóm xét tuyển chung sẽ tạo thuận lợi cho các trường lẫn thí sinh. Trên cơ sở các trường xác định điểm trúng tuyển sớm và chính xác sẽ giúp việc gọi thí sinh chính xác hơn, tránh những lo ngại có thể xảy ra như điều chỉnh điểm chuẩn ở thời điểm cuối ảnh hưởng đến trường khác và bản thân thí sinh không bị thiệt thòi.

Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, trường tham gia nhóm sẽ có được thông tin xét tuyển của các trường trong nhóm. Nếu trường nào không tham gia, chỉ nhận dữ liệu đơn lẻ của trường mình như vậy sẽ khó tránh được “ảo”.

Ngay khi hoàn tất, Bộ sẽ gửi dữ liệu cho trường chủ trì trong nhóm, các trường cùng ngồi với nhau để thảo luận việc điều chỉnh, xác định điểm chuẩn phù hợp với từng trường. Nếu năm nay thực hiện thành công thì năm sau Bộ sẽ giao hết việc xét tuyển cho các nhóm và không can thiệp vào hoạt động tuyển sinh của các trường nữa./.

“Trước ngày 15/5 này Bộ sẽ công bố đề thi cuối cùng đề thi minh họa giống như đề thi thật để thí sinh có thể hình dung được bài thi của mình như thế nào, các độ khó, dễ các câu hỏi được bố trí ra sao. Như vậy đề thi minh họa cuối cùng này sẽ là một tài liệu tham khảo rất tốt cho thí sinh cũng như để các giáo viên dựa vào tổ chức ôn tập cho thí sinh phù hợp”- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

Nguyễn Hằng/Báo VOV 

Chia sẻ bài viết