Có một ngôi làng tại Cuba, nơi những khóm tre của làng quê Việt Nam đứng sát những hàng cọ thân thương của người dân Cuba, lưu giữ những kỷ vật, diễn ra những buổi sinh hoạt cộng đồng trong hơn nửa thế kỷ qua, góp phần gìn giữ, vun đắp tình cảm anh em giữa nhân dân hai nước.
Đó là làng quê bình yên tại tỉnh miền Tây Artemisa, mang một cái tên rất thân thuộc với người dân Việt Nam: Làng Bến Tre.
Nằm cách thủ đô La Habana chỉ khoảng 30 phút đi xe ôtô trên tuyến đường đi sang các tỉnh miền Tây Pinar del Río và Artemisa của Cuba, Làng Bến Tre thường thu hút sự chú ý của những lữ khách trên tuyến đường này khi ngay tại cổng làng có cụm tượng hai nam nữ du kích Việt Nam với khẩu súng và con trâu, những hình ảnh vốn không phải đặc trưng của đảo quốc Caribe này.
Làng Bến Tre là một cộng đồng dân cư khá trẻ, ra đời vào khoảng giữa thập niên 60 của thế kỷ trước, với mục đích trở thành nơi định cư cho những người lao động tại nông trường chăn nuôi bò sữa nổi tiếng của Cuba Niña Bonita. Hiện tại làng quy tụ khoảng 200 gia đình với xấp xỉ 1.000 người dân.
Cũng giống như nông trường Niña Bonita, cộng đồng định cư này được chính lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro thành lập. Ông đặt tên làng là Bến Tre để tôn vinh tỉnh đầu tiên được giải phóng tại miền Nam Việt Nam và lấy ngày ra đời chính thức là 20/12/1969 để kỷ niệm 9 năm ngày thành lập Mặt trận Giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam.
Trái tim của ngôi làng chính là Nhà Việt Nam - địa điểm sinh hoạt cộng đồng của cả khu định cư. Công trình này được xây dựng vào tháng 9/1975 để chào mừng sự kiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của Việt Nam và theo ý tưởng của nữ anh hùng Cách mạng Cuba Melba Hernández, một người bạn thân thiết và có nhiều đóng góp cho cách mạng và nhân dân Việt Nam.
Giám đốc Nhà Việt Nam trong Làng Bến Tre, bà Daisy Alonso Pérez, nhấn mạnh mục đích xây dựng Nhà Việt Nam là tạo ra một không gian tái tạo lại lịch sử đấu tranh của nhân dân Việt Nam, cũng như lịch sử của Cuba. Tại đây, hằng năm đều diễn ra các hoạt động kỷ niệm ngày thành lập của cộng đồng, bằng những hoạt động cụ thể như trình chiếu một bộ phim liên quan tới Việt Nam, đọc và bình các tác phẩm văn chương và báo chí về đất nước Việt Nam hay tổ chức một cuộc triển lãm nhỏ những tác phẩm của một nghệ sỹ, một nghệ nhân thủ công nào đó.
Nhà Việt Nam mang đặc trưng của một khu sinh hoạt cộng đồng tại Cuba, giống chức năng của “đình làng” truyền thống tại Việt Nam: là nơi hội họp tổ dân phố, hội phụ nữ, là nơi đoàn thanh niên và cả cộng đồng giao lưu, sinh hoạt, thậm chí là chỉ để xem một bộ phim hay hay cùng nhau cổ vũ cho một hoạt động thể thao quan trọng. Đây cũng là nơi lý tưởng để trẻ em trong làng học nhóm, cùng nhau tập luyện những tiết mục văn nghệ hay đơn giản chỉ tới để hóng mát và vui đùa.
Không chỉ là điểm đến quen thuộc của các đoàn Việt Nam sang công tác và làm việc tại Cuba, Làng Bến Tre nói chung và Nhà Việt Nam nói riêng cũng trở thành điểm sáng trong sinh hoạt văn hóa của cả địa phương.
Ông Rodríguez Morera, Phó Chủ tịch huyện Bauta, tỉnh Artemisa, cho biết chính quyền huyện thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa. Mới đây, huyện cũng đã tổ chức trao giải nghệ sỹ tiêu biểu trong năm tại đây.
Ngay trong chuyến thăm lần này của đoàn cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba tới Làng Bến Tre để giao lưu và trao một số quà tặng cho các em thiếu nhi nơi đây, Nhà Việt Nam cũng đang trưng bày 2 bộ sưu tập của một nghệ sỹ điêu khắc đá hình trứng và một nghệ nhân thêu đan.
Ra đời trong phong trào rộng rãi tại Cuba ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, do chính lãnh tụ cách mạng Fidel Castro phát động, Làng Bến Tre không chỉ là nơi lưu giữ những kỷ niệm xa xưa mà còn mang hơi thở phát triển từng ngày của tình hữu nghị giữa 2 dân tộc anh em. Dù cách nhau nửa vòng Trái Đất nhưng cả hai vẫn luôn dõi theo và ủng hộ lẫn nhau.
Nhiều năm đã qua đi nhưng tình cảm của người dân nơi đây dành cho đất nước, con người Việt Nam không hề phai nhạt đi mà ngày càng trở nên gắn bó hơn.
Theo nữ Chủ tịch Tập thể Hữu nghị với Việt Nam của Làng Bến Tre, chính những sinh hoạt cộng đồng giản dị, đều đặn tại làng đã góp phần gìn giữ và truyền tiếp ngọn lửa truyền thống cho các thế hệ mai sau./.
Theo TTXVN