Tiếng Việt | English

05/01/2024 - 14:45

Lan tỏa mô hình Công dân học tập

Sau thời gian thí điểm và triển khai đại trà, mô hình Công dân học tập (CDHT) ngày càng được nhân rộng và phát triển. Mọi công dân được tạo điều kiện tham gia học tập thường xuyên, suốt đời để nâng cao năng lực, kỹ năng. Đây cũng chính là hạt nhân của xã hội học tập.

Các cán bộ được hướng dẫn cụ thể cách sử dụng phầm mềm đánh giá mô hình Công dân học tập để triển khai, thực hiện tại đơn vị,địa phương

Giúp người dân có cơ hội học tập 

Để có các gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập và cộng đồng cấp xã học tập thì trước hết phải có những CDHT. Với ý nghĩa quan trọng đó, các huyện, thị xã, thành phố nỗ lực thực hiện chương trình “Xây dựng mô hình CDHT giai đoạn 2021-2030” nhằm tạo điều kiện công bằng cho mọi người dân tham gia học tập thường xuyên, suốt đời, từ đó có được những năng lực, kỹ năng, phẩm chất mong muốn cần cho cuộc sống cũng như sự phát triển bền vững của xã hội, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh.

Thông qua việc tập huấn, nhiều cán bộ, người làm công tác khuyến học lớn tuổi biết cách ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện mô hình Công dân học tập

Thời gian qua, huyện Thủ Thừa tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc thực hiện mô hình CDHT nhằm thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương. Huyện chú trọng tuyên truyền trong các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục,... nhằm lan tỏa và nhân rộng mô hình CDHT, góp phần thúc đẩy việc học tập suốt đời của mỗi công dân và xây dựng thành công xã hội học tập.

Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thủ Thừa - Huỳnh Thị Thu Loan thông tin: “Để thực hiện thành công chương trình “Xây dựng mô hình CDHT giai đoạn 2021-2030”, huyện tập trung vào các giải pháp mang lại hiệu quả thiết thực. Đó là thực hiện tốt việc triển khai những bộ tiêu chí khung cho từng đối tượng là nông dân, công nhân, công chức, viên chức, doanh nhân, cán bộ quản lý trong thực hiện mô hình CDHT; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mô hình CDHT. Huyện tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời, xây dựng mô hình CDHT; triển khai công tác tập huấn, sơ kết, tổng kết, đánh giá việc xây dựng mô hình CDHT để thực hiện ngày càng hiệu quả”.

Năm 2023, mô hình CDHT được thực hiện trên phần mềm. Đây cũng là cơ hội để các công dân trở thành công dân số, CDHT toàn cầu. TP.Tân An, tỉnh Long An tổ chức các đợt tập huấn cho cán bộ cấp thành phố, xã, phường và các cơ quan về việc sử dụng phần mềm đánh giá mô hình CDHT.

Chủ tịch Hội Khuyến học TP.Tân An - Lê Phan Ngọc Rỹ chia sẻ: “Đa số những người làm công tác khuyến học tại các xã, phường đều lớn tuổi, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin hạn chế. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, tâm huyết và trách nhiệm, họ không ngừng học hỏi, nâng cao năng lực, kỹ năng để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đến ngày 10-12-2023, toàn thành phố có 2.486 công dân đăng ký CDHT trên phần mềm”.

Chủ tịch Hội Khuyến học TP.Tân An - Lê Phan Ngọc Rỹ kiểm tra số liệu công dân học tập trên phần mềm

Hơn 70 tuổi, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An - Huỳnh Thị Lẹ vẫn miệt mài học hỏi từng ngày để làm tốt nhiệm vụ được giao. Bà Lẹ tâm sự: “Sau khi được tập huấn và mày mò nghiên cứu thêm, tôi sử dụng tốt phần mềm đánh giá mô hình CDHT. Từ đó, tôi tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân đăng ký cũng như đánh giá kết quả đã đạt trong thực hiện mô hình. Qua hoạt động này, người dân ý thức hơn trong việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời để nâng cao kiến thức, áp dụng vào công việc và đời sống hàng ngày”.

Học tập để phát triển 

Là gia đình học tập, gia đình văn hóa tiêu biểu, ông Nguyễn Văn Cường (62 tuổi, ngụ ấp 5, xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ) duy trì việc học tập nhiều năm nay. Để phục vụ tốt việc sản xuất nông nghiệp của gia đình, ông tích cực tham gia các lớp đào tạo nghề nông thôn, các hội thảo về nông nghiệp tổ chức tại địa phương. Qua đó, ông học thêm nhiều kiến thức mới, được chuyển giao khoa học - kỹ thuật để vận dụng vào thực tế sản xuất của gia đình.

Ông Nguyễn Văn Cường học tập thường xuyên để vận dụng kiến thức vào việc sản xuất nông nghiệp của gia đình

“Tôi học mỗi ngày, học qua bạn bè, hàng xóm về cách làm hay, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp; đồng thời, xem các chương trình khuyến nông trên tivi. Ngoài ra, tôi còn quan tâm những vấn đề, sự kiện trong tỉnh, trong nước và thế giới; tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri để nắm bắt nhiều thông tin chính xác, có ý kiến để nói lên tâm tư, nguyện vọng của người dân. Đặc biệt, tôi theo dõi kỳ họp Quốc hội để hiểu hơn về những vấn đề xã hội quan tâm và có cái nhìn khách quan, toàn diện hơn” - ông Cường nói.

Bà Bùi Thị Sáng không chỉ là Chủ tịch Hội Khuyến học xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa, mà còn là tấm gương CDHT. Lớn tuổi, khả năng về công nghệ thông tin hạn chế, tuy nhiên, bà có tinh thần tự học rất tốt. Không có laptop hoặc máy tính bàn để sử dụng phần mềm đánh giá mô hình CDHT, bà làm trên điện thoại thông minh. Được hướng dẫn và qua quá trình mày mò, nghiên cứu, bà sử dụng thành thạo, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt mô hình CDHT.

Bà Sáng thổ lộ: “Thời gian đầu, tôi khá lúng túng khi thực hiện mô hình CDHT trên phần mềm. Tuy nhiên, tôi quyết tâm học hỏi để làm trên điện thoại thông minh, dần dần mọi việc trở nên suôn sẻ hơn. Tôi hướng dẫn người dân đăng ký cũng như đánh giá kết quả sau 1 năm thực hiện mô hình CDHT, với những người không tự làm được, tôi sẵn sàng hỗ trợ”.

Không chỉ học để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn, bà Sáng còn học mỗi ngày thông qua việc xem tivi, báo điện tử, nhất là những vấn đề “nóng” đang được dư luận xã hội quan tâm.

Bà Trần Thị Lắm đọc, nghiên cứu tài liệu để nâng cao kiến thức, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao

Bà Trần Thị Lắm (52 tuổi, ngụ ấp Bình Trung 1, xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An) đặc biệt quan tâm và học các kiến thức liên quan đến sản xuất nông nghiệp. Bà tích cực tham gia các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật tại địa phương, cách sử dụng hiệu quả các loại phân bón, thời điểm bón phân, phun thuốc đạt kết quả cao nhất,... để vận dụng vào việc sản xuất nông nghiệp của gia đình.

Bên cạnh đó, với vai trò Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Bình Trung 1, bà Lắm còn cập nhật nhiều kiến thức mới, nhất là các quy định, văn bản và các vấn đề trong đời sống xã hội để kịp thời tuyên truyền, thông tin đến người dân trong ấp.

Mô hình CDHT đã và đang thúc đẩy việc học tập suốt đời để con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, từ đó yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, sống tốt và làm việc hiệu quả,... Đây cũng là cơ hội công bằng cho mọi cá nhân trong tổ chức, đơn vị, gia đình, xã hội được tham gia học tập, hướng tới công dân số, đáp ứng yêu cầu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và góp phần xây dựng thành công xã hội học tập./.

Thực hiện thí điểm mô hình CDHT, toàn tỉnh hiện có 1.495 công dân đạt danh hiệu CDHT, đạt 72,57% kế hoạch tỉnh giao, vượt 4 lần chỉ tiêu Hội Khuyến học Việt Nam giao. Hiện nay, toàn tỉnh có 18.369 công dân đăng ký CDHT trên phần mềm.

An Nhiên

Chia sẻ bài viết