Tiếng Việt | English

15/06/2021 - 10:42

Lần đầu tiên trong 72 năm, NATO coi Trung Quốc là “thách thức mang tính hệ thống”

Lần đầu tiên trong lịch sử 72 năm hình thành và phát triển, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) coi Trung Quốc là “thách thức mang tính hệ thống” trong một tuyên bố chung cam kết chống lại sự trỗi dậy của Bắc Kinh.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO đầu tiên kể từ năm 2019, Trung Quốc đã trở thành trọng tâm trong các cuộc thảo luận của lãnh đạo 30 quốc gia thành viên – tương tự như những gì đã diễn ra tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Cornwall, Anh cuối tuần qua.


Lãnh đạo các nước tham gia Hội nghị Thượng đỉnh NATO. Ảnh: Reuters

Hai sự kiện này cùng với Hội nghị Thượng đỉnh EU-Mỹ dự kiến diễn ra vào hôm nay (15/6) là cơ hội để Tổng thống Mỹ Joe Biden thực hiện kế hoạch tái thiết liên minh xuyên Đại Tây Dương, với mục đích rõ ràng là chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc.

"Những tham vọng và hành vi quyết đoán của Trung Quốc đang đặt ra những thách thức mang tính hệ thống đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, và đối với những vấn đề liên quan tới an ninh của liên minh", Reuters dẫn lời các lãnh đạo NATO khẳng định trong một thông cáo chung sau Hội nghị thượng đỉnh NATO, tổ chức ở Brussels (Bỉ).

Phát biểu trong cuộc họp báo sau khi kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh NATO, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bày tỏ lo ngại: “Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng kho vũ khí hạt nhân, bổ sung thêm nhiều đầu đạn và có một số lượng lớn các hệ thống tinh vi và phức tạp, cũng như tăng cường hợp tác quân sự với Nga”.

“Các nhà lãnh đạo NATO kêu gọi Trung Quốc duy trì các cam kết quốc tế và hành động có trách nhiệm trong hệ thống quốc tế, bao gồm cả trong lĩnh vực không gian, hàng hải và không gian mạng, để phù hợp với vai trò là một cường quốc lớn”, ông Jens Stoltenberg nói.

Khi được hỏi liệu có ranh giới nào mà Trung Quốc cần phải vượt qua để chuyển từ “thách thức có hệ thống” thành “đối thủ” hay không, ông Stoltenberg cho biết: “Chúng tôi vẫn chưa xác định rõ ràng các ranh giới nhưng chúng tôi đang cùng nhau ứng phó với một thực tế là Trung Quốc sẽ sớm trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Họ sẽ có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai và lực lượng hải quân lớn nhất thế giới”.

Tuy vậy, các nhà lãnh đạo NATO đã tránh coi cuộc cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc là “một cuộc chiến tranh lạnh mới”. Phát biểu với báo chí, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng, ông không nghĩ “bất cứ ai trong cuộc họp này muốn rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc”.

Tuyên bố chung của NATO cũng khuyến khích sự hợp tác với Trung Quốc “trong trường hợp có thể”, đặc biệt trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu./.

Theo VOV.VN (BĐT tổng hợp)

Chia sẻ bài viết