Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Thủy Đông - Nguyễn Thị Tiểu Khúc (bên trái) trao quà cho hội viên nghèo
Học bác gắn với phong trào thi đua
Hội LHPNVN xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa hiện có 1.354 hội viên (HV) sinh hoạt tại 4 Chi hội PN ấp. Trong nhiệm kỳ 2016-2021, hội đẩy mạnh học tập và làm theo gương Bác gắn với các phong trào thi đua, góp phần cùng địa phương xây dựng thành công xã nông thôn mới. Nhiều mô hình như Nuôi heo đất, Áo trắng học đường, Tổ góp vốn xoay vòng sản xuất, mua bảo hiểm y tế (BHYT),... phát huy hiệu quả, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống HV, PN. Chủ tịch Hội LHPNVN xã Thủy Đông - Nguyễn Thị Tiểu Khúc cho biết, thông qua các mô hình, HV có thêm nguồn vốn để làm kinh tế, cải thiện thu nhập cho gia đình hoặc trang trải trong những lúc khó khăn. Hiện tại, trên địa bàn xã có 3 tổ PN nuôi heo đất với 34 thành viên, 4 tổ góp vốn xoay vòng với 65 HV, PN tham gia. Bên cạnh đó, Hội còn hỗ trợ thành lập Tổ hợp tác đan giỏ nhựa Đông Hòa với 20 thành viên, giúp 1 HV khởi sự kinh doanh.
Hàng năm, Hội đều đăng ký ít nhất một mô hình, hoạt động phù hợp tham gia xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới gắn với cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức PN Việt Nam “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Đồng thời, Hội phối hợp các ngành, đoàn thể vận động xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn; tổ chức thu gom rác thải, phát quang bụi rậm; thực hiện tuyến đường hoa, xanh, sạch, đẹp,...
Để nâng cao tỷ lệ người dân trong xã tham gia BHYT, cùng với công tác tuyên truyền, Hội vận động chị em thực hiện mô hình Tổ góp vốn xoay vòng mua BHYT. Chi hội trưởng Chi hội PN ấp Bến Kè - Nguyễn Thị Kim Liên thông tin: “Ban đầu, mỗi thành viên chỉ đóng 100.000 đồng/tháng, đến năm 2021 đóng 200.000 đồng/tháng. Đến nay, tổ xoay vòng vốn 4 lần với số tiền 105,6 triệu đồng, hỗ trợ mua 116 thẻ BHYT, giúp chị em giảm gánh nặng chi phí cho gia đình”.
Hội viên, phụ nữ xã Thủy Đông phối hợp trồng hoa trên các tuyến đường
Theo chị Tiểu Khúc, Hội luôn chú trọng tuyên truyền về vai trò, vị trí quan trọng, lực lượng to lớn của PN trong sự nghiệp cách mạng, những lời dạy, tình cảm thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho PN, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người lan tỏa ngày càng sâu, rộng trong cán bộ, HV, PN. Qua đó, các chị em đã có sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động, luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Luôn làm điều thiện, đẹp đạo, tốt đời
Là Ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPNVN huyện Thủ Thừa nhiệm kỳ 2016-2021, được học tập và tìm hiểu nhiều về tấm gương của Bác, ni sư Thích Nữ An Huệ - Trụ trì chùa Phật Huệ (thị trấn Thủ Thừa) tâm đắc nhất ở Người chính là tình yêu thương bao la. Với quan điểm làm theo lời Bác là hướng thiện cũng như giáo lý của Đức Phật, ni sư tích cực tham gia nhiều hoạt động từ thiện, xã hội, vận động tăng, ni, phật tử sống tốt đời, đẹp đạo.
Ni sư Thích Nữ An Huệ chia sẻ: “Bản thân là người tu hành, được đi nhiều nơi, được thấy và tiếp xúc với nhiều người, nhiều hoàn cảnh. Không ít lần ni sư chạnh lòng khi chứng kiến những cảnh đời vất vả, khốn khó. Niềm trăn trở của ni sư là làm sao giúp những người nghèo đều có cơm ăn, trẻ em nghèo được học đến nơi, đến chốn. Vì vậy, ni sư vận động phật tử, mạnh thường quân phát tâm cùng chung tay trên bước đường thiện nguyện”. Nhiều năm nay, chùa Phật Huệ thường xuyên hỗ trợ gạo cho một số hộ nghèo trong và ngoài huyện, tổ chức tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học. Nhiệm kỳ qua, chùa vận động xây dựng 4 mái ấm tình thương cho PN nghèo; đồng hành cùng Hội LHPNVN huyện thực hiện chương trình Đồng hành cùng PN biên cương, đã hỗ trợ xây dựng 1 căn nhà trị giá 50 triệu đồng.
Ni sư Thích Nữ An Huệ (bìa trái) trao quà cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn (Ảnh tư liệu)
Cùng với đó, chùa vận động mạnh thường quân, phật tử hỗ trợ xây dựng đường giao thông nông thôn; hỗ trợ tiền, gạo, nhu yếu phẩm cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Hàng năm, chùa còn dành kinh phí hỗ trợ mô hình Bữa cơm tiếp sức mùa thi tốt nghiệp THPT. Mỗi tháng 2 đợt, chùa tổ chức phát các suất ăn cho người dân lao động nghèo, trung bình mỗi đợt khoảng 350 suất, chi phí trên 17 triệu đồng/tháng.
Ni sư Thích Nữ An Huệ cho hay, để bảo đảm an toàn thực phẩm cho bếp ăn tình thương của chùa, ni sư đảm nhận từ khâu đi chợ, lựa chọn nguyên liệu cho đến sơ chế, nấu ăn. Công việc tuy vất vả nhưng ni sư luôn cảm thấy vui khi mang đến những bữa cơm ngon cho người nghèo. Với ni sư, “của cho không bằng cách cho” và “Phụng sự chúng sinh chính là cúng dường Đức Phật”. Luôn yêu thương, giúp đỡ mọi người cũng là cách ni sư học tập và làm theo gương Bác.
Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều tập thể, cá nhân HV, PN tiêu biểu, điển hình về học tập và làm theo gương Bác của tỉnh. Với những mô hình, cách làm ý nghĩa, họ đã góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở các địa phương./.
Kỳ Nam