Tiếng Việt | English

18/04/2019 - 09:09

Làm giàu từ mô hình nuôi thỏ khép kín

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng kết hợp phát huy thế mạnh về đất đai, nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương, gia đình bà Nguyễn Thị Cưng, ngụ ấp Bình Tây, xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An vươn lên làm giàu từ mô hình nuôi thỏ theo hướng khép kín.

Nhờ nuôi thỏ theo mô hình khép kín, gia đình bà Nguyễn Thị Cưng vươn lên làm giàu

Trước đây, gia đình bà Cưng sống chủ yếu bằng nghề nuôi vịt đẻ. Năm 2005, dịch bệnh cúm A/H5N1 làm đàn vịt chết, kinh tế gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Sau đó, bà Cưng chuyển sang nuôi heo nhưng cũng thua lỗ do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá heo hơi thấp. Được người họ hàng ở xa tặng 15 con thỏ giống, bà nuôi và nhân ra hàng ngàn con thỏ khác. Nuôi thỏ hiệu quả, kinh tế gia đình được vực dậy.

Bà Cưng chia sẻ: “Tôi tìm hiểu từng loại thỏ, cách chăn nuôi, bệnh thường gặp trên thỏ thông qua sách, Internet, bạn bè và các mô hình chăn nuôi thỏ hiệu quả. Nhờ vậy, tôi đã thành công. Để nuôi thỏ đạt hiệu quả, người nuôi phải biết cách chọn con giống chất lượng; bảo đảm vệ sinh; tiêm phòng đầy đủ, đúng thời gian quy định và quan trọng nhất là phải cần cù, chịu khó và đam mê”.

Thỏ là loại động vật rất dễ nuôi, ít dịch bệnh. Thức ăn cho thỏ khá đơn giản như rau, cỏ trong vườn hoặc phụ phẩm nông nghiệp. Tùy theo độ tuổi của từng con mà cho thỏ ăn lượng thức ăn vừa đủ. Để hoàn thiện quy trình nuôi công nghiệp, bà Cưng thiết kế dạng nước uống tự động gắn vào mỗi lồng, thỏ khát có thể đưa miệng vào uống. Đây là cách vừa bảo đảm vệ sinh chuồng trại, giúp thỏ khỏe mạnh, vừa tiết kiệm thời gian, công chăm sóc.

Ông Huỳnh Hoàng Sơn (chồng bà Cưng) cho biết: “Tuy nuôi thỏ số lượng nhiều nhưng trang trại rất sạch sẽ vì gia đình tôi xử lý phân, nước tiểu bằng men vi sinh và xơ dừa. Bình quân 1 tháng, gia đình tôi dọn phân một lần và bán cho người trồng thanh long. Hướng tới, gia đình tôi tiếp tục đầu tư chăn nuôi theo kiểu trên nuôi thỏ, dưới nuôi cá, góp phần bảo đảm quy trình chăn nuôi khép kín”.

Thỏ là loại động vật có khả năng sinh sản tốt và rất mau lớn. Thỏ cái nuôi từ 5-6 tháng bắt đầu sinh sản, bình quân mỗi năm sinh sản từ 6-8 lứa, mỗi lứa trung bình 5-6 con. Sau 3 tháng trở lên, thỏ có thể đạt trọng lượng từ 2,5-3kg, giá bán trung bình 80.000 đồng/kg.

Nhờ cần cù lao động và áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi, hiện nay, đàn thỏ của gia đình bà Cưng có trên 1.000 con, trong đó có 350 con thỏ nái, 200 con thỏ hậu bị, 200 con thỏ thịt và trên 300 con thỏ con.

Tùy theo số lượng thỏ bán ra, hàng tháng, sau khi trừ chi phí, gia đình bà lãi trên 30 triệu đồng. Hiện tại, đầu ra các loại thỏ khá thuận lợi, thương lái các tỉnh: An Giang, Tiền Giang, Đồng Nai và TP.HCM,... đến tận nơi thu mua.

Bà Cưng tận dụng các loại rau trong vườn làm thức ăn cho thỏ

Bà Cưng cho biết thêm: “Để có được thành công như hôm nay, ngoài đam mê, cần cù, lúc mới gầy dựng trang trại, gia đình tôi còn được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Tân Trụ cho vay 20 triệu đồng, sau đó tiếp tục cho vay 50 triệu đồng để mở rộng chăn nuôi. Ngoài ra, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện còn cho gia đình tôi vay vốn chương trình học sinh, sinh viên để nuôi 3 đứa con ăn học. Nhờ vậy, vợ chồng tôi an tâm lao động, phát triển kinh tế”.

Hiện nay, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, đồng thời, đầu ra một số sản phẩm nông nghiệp chưa ổn định, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Vì thế, mô hình nuôi thỏ khép kín của gia đình bà Cưng góp phần mở ra hướng đi mới cho người chăn nuôi ở huyện Tân Trụ nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết