Tiếng Việt | English

23/06/2019 - 10:25

Làm dữ một lần cho biết...

Anh chưa từng nghĩ mình sẽ bỏ vợ, nhưng cũng phải “làm dữ” một lần cho vợ biết sợ mà thay đổi.

Cuối tuần, đồng nghiệp rủ mang vợ con đến nhà Tuấn ở ngoại thành tụ tập, tự hái rau bắt cá ăn món quê. Nhìn bạn bè háo hức xem nên mang theo gì, ăn món gì, chơi trò gì, anh thở dài, đi một mình thì không được, mà đưa cả nhà đi thì…, trong đầu lóe lên ý nghĩ, hay là khỏi đi, viện lý do đi thăm ai đó.

Với lý do chính đáng là thăm bà con bệnh nặng, bạn bè vỗ vai thông cảm, nhưng anh vẫn thấy đâu đó vài ánh mắt ái ngại. Anh không biết họ thông cảm hay chê trách. Anh cũng biết, lý do này không thể xài hoài.

Thật ra anh không đi đâu hết. Cuối tuần anh nằm chèo queo ở nhà, sau khi ăn sáng bằng hai sọt đồ, ăn trưa bằng món bún đậu GoViet giao đến tận nơi, tự rửa bát và tưởng tượng đồng nghiệp cùng vợ con đang vui vẻ nô đùa giữa đồng quê xanh mát, bì bõm lội ruộng bắt cá và tắm mình trong bùn sình, anh chỉ biết thở dài.

Nếu anh rủ vợ đi chơi, hẳn vợ sẽ òa lên sung sướng, bắt đầu sửa soạn chọn áo váy giày dép. Nhưng nếu biết xuống vườn chắc cô sẽ xịu mặt chê nhà quê và từ chối ngay. Xuống đó làm sao những cái váy dài maxi, hở vai của cô có chỗ phát huy và nói thật lòng, anh không dám đưa vợ tới đó.

Ảnh minh họa

Mấy lần đưa vợ về quê, anh phát ngại với ba mẹ và họ hàng khi vợ có thói “ăn trên ngồi trước”. Về đến nhà lạ vợ lo thay quần áo kéo con đi tìm cảnh đẹp tạo dáng chụp hình. Đến trưa mọi người xúm vào cơm nước thì vợ lấy cớ bận trông con sợ nó rớt xuống ao xuống ruộng.

Ăn cơm xong, vợ nói còn bận cho con ăn để khỏi phải rửa chén, cái chính là vợ sợ hư bộ móng mới đính hột hôm qua. Bố mẹ anh không nói gì nhưng cô em gái thì bỏ nhỏ “anh lo nhắc nhở chị dâu nha, một hai lần thì được chứ hoài là hết vui nha!”

Vợ anh mười ngón tay không chạm nước. Từ ngày cưới xong, với lý do ở nhà trông coi nhà cửa, vợ nghỉ làm, không thèm tiếc cái bằng đại học vất vả bốn năm mới đi làm được 2 năm. Anh chưa kịp khuyên thì vợ dính bầu. Sinh con, nuôi con đều có giúp việc. Con l​ên ba đi trẻ vợ cũng không có ý định đi làm. Nhà ba miệng ăn, nhu cầu ngày một cao, vợ ở nhà nhưng vẫn tuyển giúp việc theo giờ.

Anh vất vả duy trì mức sống, méo mặt nhìn vợ buồn buồn là khuân về một đống áo váy, chi tiêu thẳng tay không thèm lăn tăn. Anh khuyên thì vợ nói chẳn​​g lẽ anh không lo được cho vợ con. Đàn ông gì mà kém cỏi. Bạn bè vợ tháng đi shopping mấy lần, quẹt thẻ không thèm nhíu mày, đâu như vợ mua gì cũng phải nhìn giá và đợi ngày chồng lĩnh lương, vợ không than thì thôi chồng còn ý kiến.

Và không để anh nói thêm. Vợ nói nếu anh không nuôi được thì vợ nhờ ba má nuôi.

Ảnh minh họa

Thế là vợ dù không đi làm vẫn hàng tháng nhận “lương” của ba má. Anh vừa xấu hổ vừa bực mình, nhưng đâu phải cứ kiếm là có tiền. Nhà vợ giàu anh biết, nhưng ba má vợ có nên mù quáng chiề​​u con vậy không. Vợ không biết nấu ăn dọn dẹp, thay vì khuyên con đi học hay tập làm thì ba má bênh, nói đó gi​ờ nó sướng quen rồi, không lẽ lấy chồng lại khổ vậy. Thôi thì ba má lo cho. Vợ còn nói thêm, hồi đó biết em thương anh, ba má nói rồi em sẽ khổ mà em đâu có tin, giờ thì tin rồi. Nên hồi đó ba má mới mua sẵn cho em căn nhà này nè, đợi anh kiếm tiền cất nhà chắc em bạc tóc.

Anh chán nản cúi mặt, vợ không thông cảm chia sẻ khó khăn với chồng thì thôi, còn lên mặt kể giàu chê khó. Biết vợ được cưng chiều, anh có khi nào nói câu gì, cố gắng cho vợ có cuộc sống gần như cũ. Nhưng đến nước này thì anh hết chịu được rồi, anh đã chịu cực khổ để làm lụng mà còn không vừa lòng vợ, vợ còn lên giọng bỉ bai kể công, là đàn ông, anh có thể chịu cực khổ nhưng không chịu được bị coi thường.

Ảnh minh họa

Sẵn hè vừa đến, anh đưa hai con về quê nhờ ông bà nội trông giúp ít ngày. Anh thu dọn đồ đạc đến ở nhờ khu ký túc của công ty, thu xếp xong xuôi anh mới nói chuyện với vợ. Nói hết những gì bấy lâu anh dồn nén, về thái độ và cách cư xử của vợ với gia đình bên chồng, về tính dựa dẫm ba mẹ dù đã đi lấy chồng. Anh là lấy vợ chứ không phải lấy bà hoàng về cung phụng. Vợ không nghĩ anh dám làm, vội vàng xin lỗi. Anh lắc đầu: “Em cứ suy nghĩ kỹ đi, rồi gọi cho anh. Em quyết định thế nào anh cũng tôn trọng.”

Khi đã nắm tay nhau về cùng nhà, gọi nhau là vợ là chồng có ai muốn một ngày mình phải nói lời chia tay. Anh chưa từng nghĩ mình sẽ bỏ vợ, nhưng cũng phải “làm dữ” một lần cho vợ biết sợ mà thay đổi./.

nld.com.vn(Theo phunuonline.com.vn)

Chia sẻ bài viết