Tiếng Việt | English

28/06/2018 - 12:25

Làm báo

Với những người làm báo, muốn có tác phẩm hay, tạo được hiệu ứng xã hội, phải trải qua quá trình lao động nghiêm túc và đôi khi phải đối mặt với nguy hiểm, nhất là những nhà báo, phóng viên trẻ, còn “non” kinh nghiệm.

Với những người làm báo, muốn có tác phẩm hay, phải trải qua  quá trình lao động nghiêm túc

Nghề khó nhọc, nguy hiểm

Nghề báo không chỉ vất vả, khó nhọc mà còn được xem là nghề nguy hiểm. Muốn trở thành một nhà báo thực thụ, trước hết phải có lòng đam mê, kiến thức nền sâu rộng,... từ đó mới phát hiện được nhiều đề tài hay, thu hút bạn đọc. Vì đặc thù công việc luôn bảo vệ sự công bằng, đạo lý tốt đẹp nên lắm lúc các nhà báo gặp không ít tình huống khó khăn, cản trở trong quá trình tác nghiệp như không được cung cấp thông tin, sự cám dỗ, mua chuộc, thu giữ hoặc cố tình làm hư hỏng phương tiện tác nghiệp, tấn công, gây thương tích,... ảnh hưởng đến cả tinh thần lẫn thể xác.

Tôi vẫn nhớ như in sự việc tôi cùng 2 phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Long An đi tìm hiểu việc Nhà máy Xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân trong khu vực. Chưa lường trước được vấn đề nên tôi nghĩ đơn giản đến đó nắm tình hình, tìm hiểu tâm tư, bức xúc của người dân, gặp cơ quan chức năng là xem như hoàn thành việc thu thập tư liệu. Vì vậy, tôi chẳng chuẩn bị gì ngoài máy ảnh và điện thoại để tác nghiệp. Tác nghiệp bên ngoài nhà máy, nơi không có biển cấm quay phim, chụp ảnh,... nhưng chúng tôi vẫn bị những người của nhà máy hành hung, đe dọa trên đoạn đường về.

Phóng viên Đức Cảnh (Đài Phát Thanh và Truyền hình Long An) - một trong những phóng viên gặp “sự cố” trong lần tác nghiệp ấy cùng tôi, chia sẻ: “Lần đầu tiên trong nghề, tôi gặp tình huống này. Chuyện xảy ra để lại cho tôi nhiều suy nghĩ và xem đó là bài học kinh nghiệm đắt giá. Là một nhà báo chân chính, viết về những đề tài nhạy cảm quả thật không đơn giản!”.

Từ vụ việc trên cho thấy, để sáng tạo ra những “đứa con tinh thần”, công việc của những người làm báo đôi khi có cả mồ hôi và nước mắt. Bởi, những nơi vinh quang nhất hay những nơi khốc liệt nhất, họ đều có mặt.

Cần bản lĩnh và đam mê 

Đội ngũ những người làm báo trong tỉnh ngày càng được chuẩn hóa và trẻ hóa. Những “cây bút” với cá tính riêng đã tạo nên những tác phẩm báo chí “đánh động” dư luận, tạo sự đồng thuận của người dân.

Với phóng viên Thúy Phương (bút danh Phương Phương) - công tác tại Báo Long An, mỗi đề tài được phóng viên trẻ này phát hiện đều gắn với những trăn trở của cuộc sống. Là phóng viên nữ nhưng Thúy Phương luôn xông xáo đi cơ sở nên “ăn quán, ngủ đình” là chuyện thường tình. “Cứ vác ba lô đi và thâm nhập vào đời sống xã hội, ở đó, đề tài báo chí là vô tận” - Thúy Phương bộc bạch.

Tuổi đời, tuổi nghề còn khá “non” nên Thúy Phương cũng khiêm tốn khi chia sẻ kinh nghiệm của mình. Thúy Phương tâm sự: “Để có bài viết chất lượng, trước khi gặp nhân vật, tôi thường dành thời gian tìm hiểu đề tài mình khai thác. Lúc phỏng vấn, tôi thường khai thác những kỷ niệm, nét nổi bật để tìm được chi tiết đắt giá. Tôi cố gắng hẹn nhân vật ở nơi họ cảm thấy thoải mái nhất để họ tự nhiên khi chia sẻ. Tôi thấy mình còn thiếu và yếu về kinh nghiệm. Nhiều trường hợp xảy ra trong quá trình tác nghiệp khiến tôi bất ngờ và lúng túng trong xử lý. Cách duy nhất giúp tôi hoàn thiện là cố gắng học hỏi anh chị đi trước và đọc nhiều bài viết của đồng nghiệp”.

Nếu không có khả năng, bản lĩnh và đam mê với nghề thì không thể gắn bó lâu dài

Chuyện làm nghề càng đau đáu hơn với những anh em công tác ở các đài truyền thanh tuyến huyện, mà mọi người vẫn hay gọi là phóng viên “3 trong 1”. Trải lòng về kinh nghiệm của mình, phóng viên Mộng Đào (Đài Truyền thanh huyện Thủ Thừa) bày tỏ: “Việc chọn lọc các nguồn thông tin để truyền tải đến công chúng là cả một vấn đề. Thế nhưng, nghề nào mà không có những khó khăn, trong khi nghề làm báo lại là nghề đặc thù. Điều quan trọng là phải biết vượt qua khó khăn ấy để trưởng thành hơn, gắn bó lâu dài với nghề mà mình chọn. Những tác phẩm của tôi có thể chưa sâu sắc, câu văn tôi viết có thể chưa hay, chưa mượt nhưng tôi biết rằng, khi cho ra đời mỗi sản phẩm là tôi đang đồng hành cùng những trăn trở của những người sống xung quanh mình. Chính vì vậy, để có những bài viết bảo đảm chất lượng, đối với những người làm báo, điều quan trọng nhất là phải trực tiếp đến cơ sở và gặp gỡ, trao đổi với nhân vật. Có như vậy, chúng ta mới thu thập được thông tin chính xác. Đặc biệt, phải xác nhận thông tin thông qua chính quyền địa phương mới bảo đảm bài viết mang tính khách quan, chân thật. Sau các bài viết được đăng tải, tôi còn lắng nghe những thông tin phản hồi của nhân vật, từ đó có cái nhìn đúng đắn hơn”.

Nghề báo được xem là nghề vinh quang nhưng không kém phần nguy hiểm. Nếu không có khả năng, bản lĩnh và đam mê với nghề thì không thể gắn bó lâu dài. Nhà báo là “chiến sĩ tiên phong” trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Chúng tôi - những người sống, gắn bó với nghề báo luôn cố gắng cho “ra đời” những tác phẩm báo chí thật sự phục vụ nhân dân, góp phần dựng xây xã hội tốt đẹp hơn./.

Quang Nguyên

Chia sẻ bài viết