Tiếng Việt | English

17/04/2018 - 10:09

Lái lúa bỏ tiền đặt cọc, nông dân khốn đốn

Nông dân các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh đang thu hoạch rộ vụ lúa Đông Xuân 2017-2018. Tuy nhiên, gần đây, giá lúa giảm mạnh, một số thương lái bỏ tiền đặt cọc khiến nông dân khốn đốn.

Thương lái “bẻ kèo”

Theo nhiều người dân, lúc giá lúa Đông Xuân tăng, thương lái sốt sắng thu mua. Khi giá lúa bất ngờ giảm mạnh, thương lái “kỳ kèo”, cố tình kéo dài thời gian để nông dân hạ giá bán, thấp hơn so với giá thỏa thuận trước đó.

Lái lúa bỏ tiền đặt cọc, nông dân đành phải “bán đổ, bán tháo”

Dọc các tuyến đường qua địa bàn các xã: Tân Tây, Tân Đông, Thủy Đông, Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa, lúa chất đống vì thương lái bỏ tiền đặt cọc, không thu mua nữa. Ông Huỳnh Hùng Dũng, ngụ ấp Nước Trong, xã Thủy Đông, bức xúc: “Khi lúa còn chưa ngậm sữa, thương lái đến mua 6.100 đồng/kg và đặt cọc 3 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, đến thu hoạch, thương lái đòi giảm còn 5.400 đồng/kg. Tôi chưa đồng ý thì lái bỏ tiền đặt cọc, không mua nữa”.

Bị thương lái ép giá, bà Lê Thị Thiết, ngụ ấp Nước Trong, phải “bán tháo, bán đổ” với giá 5.400 đồng/kg, thấp hơn 200 đồng/kg so với giá thị trường hiện tại và thấp hơn 700 đồng/kg so với giá đặt cọc. Với 1ha lúa, bà đành chịu thiệt, mất khoản lãi chênh lệch 7 triệu đồng. “Khi chuẩn bị thu hoạch, lái lúa thường xuyên đến và hẹn ngày cân lúa. Nhưng thu hoạch xong, tôi gọi điện thì thương lái không nghe. Tôi phải bán lúa cho lái khác với giá rẻ hơn vì để lâu phải tốn chi phí thuê nhân công phơi, vận chuyển” - bà Thiết bộc bạch.

Thương lái đặt tiền cọc nhưng đến khi giá lúa giảm, họ chấp nhận bỏ cọc

 Vụ lúa năm nay, ông Nguyễn Văn Linh, ngụ xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa, tổn thất khá nặng do thương lái tự ý “bẻ kèo”. Ông Linh nói: “Bình thường, 1ha lúa cho năng suất gần 10 tấn nhưng do lúa để khô trên ngọn quá ngày, giờ chưa đến 8 tấn. Thương lái bỏ 2 triệu đồng tiền đặt cọc cũng chẳng thiệt thòi nhiều, nhưng nếu nông dân chấp nhận bán giá thấp thì thương lái sẽ lời to, nông dân lãi ít”.

Nông dân chưa “mặn mà” với hợp tác xã

Nông dân sản xuất lúa còn phụ thuộc quá nhiều vào thương lái và giá cả thị trường. Vậy vì sao nông dân không tham gia tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) để được hỗ trợ sản xuất, bao tiêu sản phẩm, hạn chế điệp khúc “được mùa -  rớt giá”?

“Lý do tôi không ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp lớn hay HTX là do thương lái sẵn sàng đặt cọc cao và sớm. Mặt khác, bán cho thương lái không bị ràng buộc nhiều trong quá trình sản xuất. Trong khi đó, hợp đồng với HTX phải lệ thuộc nhiều thứ, mất nhiều công sức sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao” - ông Nguyễn Hoàng Kha, ngụ ấp Nước Trong, xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa, bộc bạch.

Khi bán lúa, nông dân phải phụ thuộc thương lái

Theo Phó Giám đốc HTX Ao Gòn (ấp Ao Gòn, xã Thạnh Hưng, huyện Tân Hưng) - Võ Minh Quang, đầu vụ, nhiều diện tích lúa trong và ngoài HTX được “cò lúa” đặt cọc nên việc triển khai đề án ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất gặp không ít khó khăn. Nếu HTX đặt cọc sớm cho nông dân thì không xác định được giá lúa “chuẩn” vì thị trường lúa, gạo liên tục biến đổi về giá. Hơn nữa, nếu HTX đặt cọc cho nông dân 3 triệu đồng/ha thì “cò lúa” sẵn sàng đặt cọc 5 triệu đồng/ha.

Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Đông - Nguyễn Thanh Thinh cho biết: “Việc thương lái bao tiêu sản phẩm cho nông dân được địa phương khuyến khích và hỗ trợ. Tuy nhiên, nông dân phải có hợp đồng rõ ràng với thương lái và phải được UBND xã xác nhận mới có hiệu lực. Nếu chỉ hợp đồng bằng miệng thì không có giá trị pháp lý, dễ dàng bị thương lái đơn phương chấm dứt hợp đồng, gây tổn thất như hiện nay”.

Theo ông Nguyễn Thanh Tín - lái lúa tại xã Bình Hòa Đông, huyện Mộc Hóa, nguyên nhân giá lúa, gạo giảm mạnh do các doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu hạn chế mua với lý do chưa có hợp đồng xuất khẩu. Vì vậy, giá liên tục giảm, thương lái cũng chịu lỗ nên nông dân dễ dàng bị “bẻ kèo”.

Lái lúa bỏ tiền đặt cọc, nông dân đành phải “bán đổ, bán tháo”

Hiện nay, phần lớn các cánh đồng lúa chưa gặt đã quá ngày thu hoạch, “nằm” xơ xác chờ thương lái thu mua. Việc bị thương lái “bẻ kèo” ở mỗi mùa vụ không còn xa lạ với nông dân nhưng đây vẫn là bài toán nan giải. Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sở đang phối hợp các ngành, địa phương liên quan kiên quyết xử lý các trường hợp gian thương trong thu mua lúa, nhất là những thương lái bỏ tiền đặt cọc trước đó để “làm giá” với nông dân. Nông dân cần bình tĩnh, cân nhắc trước tình trạng “cò lúa” đặt tiền cọc thu mua trước khi xuống giống vụ Hè Thu. Bởi, theo dự báo của doanh nghiệp, tình hình xuất khẩu gạo vào những ngày tới tương đối thuận lợi, kéo theo giá lúa sẽ tăng, nông dân nhận tiền sớm dễ bị thiệt thòi.

Nông dân làm ra hạt lúa rất vất vả, mất nhiều chi phí, thương lái cũng cần giữ chữ tín, không nên kỳ kèo với nông dân./.

"Vụ Đông Xuân 2017-2018, tỉnh gieo sạ gần 236.000ha lúa, đạt trên 101% kế hoạch. Đến nay, nông dân thu hoạch gần 80% diện tích, năng suất ước gần 8 tấn/ha. Tuy nhiên, gần một tuần nay, giá gạo hạt tròn giảm 700 đồng/kg, gạo hạt dài giảm gần 1.000 đồng/kg.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp các ngành, địa phương liên quan kiên quyết xử lý các trường hợp gian thương trong thu mua lúa, nhất là những thương lái bỏ tiền đặt cọc trước đó để “làm giá” với nông dân. Nông dân cần bình tĩnh, cân nhắc trước tình trạng “cò lúa” đặt tiền cọc thu mua trước khi xuống giống vụ Hè Thu. Bởi, theo dự báo của doanh nghiệp, tình hình xuất khẩu gạo vào những ngày tới tương đối thuận lợi, kéo theo giá lúa sẽ tăng, nông dân nhận tiền sớm dễ bị thiệt thòi”.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết