Tiếng Việt | English

09/02/2022 - 19:15

Kỳ vọng giá cả nông sản ổn định, việc tiêu thụ được thuận lợi hơn

Khép lại năm 2021 với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bước sang năm 2022, nông dân, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An nỗ lực, phấn đấu với hy vọng năm mới giá cả nông sản ổn định, việc tiêu thụ được thuận lợi hơn.

Giám đốc HTX Rau an toàn Mười Hai (xã Long Khê, huyện Cần Đước) - Lê Văn Giấy:

Năm 2022, tôi hy vọng dịch Covid-19 được khống chế, giá cả mặt hàng nông sản được bình ổn. Tôi cũng mong các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục hỗ trợ HTX phát triển sản phẩm OCOP, tìm kiếm đầu ra ổn định, mở rộng thị trường tiêu thụ, đem lại lợi nhuận cho các thành viên.

Theo kế hoạch kinh doanh năm 2022, HTX sẽ ký kết thêm nhiều hợp đồng kinh tế với các công ty, doanh nghiệp, tiêu thụ sản phẩm làm ra từ các thành viên; phấn đấu đạt doanh thu 10 tỉ đồng/năm. Đồng thời, HTX tiếp tục phát động phong trào thi đua trong thành viên nhằm phát triển, mở rộng sản xuất; duy trì sinh hoạt định kỳ để kịp thời triển khai các kế hoạch, phương án sản xuất, kinh doanh đến các thành viên để cùng nhau thực hiện và đầu tư mua sắm thêm máy móc, thiết bị, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh (xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa) - Nguyễn Quốc Cường:

Năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của HTX. Bước sang năm mới, chúng tôi hy vọng tiếp tục được sự quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời của Liên minh HTX tỉnh; sự chỉ đạo sát sao, hỗ trợ nhiệt tình của UBND và các ngành, đoàn thể xã; sự đoàn kết, giúp đỡ, cùng nhau tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế giữa các thành viên.

Mục tiêu cụ thể trong năm 2022, tiếp tục ổn định bộ máy HTX và đi vào hoạt động ổn định; ký hợp đồng liên kết với các HTX lân cận, tổ hợp tác của các huyện để đáp ứng đủ hàng hóa, đa dạng sản phẩm khi thời tiết bất lợi như sương muối, hạn mặn,…; nghiên cứu tuyển chọn các loại giống cây trồng phù hợp để đưa vào sản xuất;...

Ông Phan Văn Bốn (xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường):

Phần lớn kinh tế người dân vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp, lượng hàng hóa vào mùa vụ là khá lớn. Tuy nhiên, tuyến đường huyết mạch Quốc lộ 62 dẫn về các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười được đầu tư và đưa vào khai thác, sử dụng từ lâu đang bộc lộ những hạn chế nhất định như xuống cấp, đường nhỏ không đáp ứng đủ nhu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nông sản đang là một trở ngại không nhỏ cho việc phát triển kinh tế của vùng, tỉnh cần quan tâm, đề xuất để tuyến đường này sớm được nâng cấp, mở rộng.

Các mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao bước đầu cho hiệu quả, nông dân rất phấn khởi, nhiệt tình tham gia. Tuy nhiên, việc sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, mong rằng tỉnh, các sở, ngành liên quan tác động đến Chính phủ, các bộ, ngành có giải pháp bình ổn giá vật tư nông nghiệp. Mặt khác, thời gian qua, việc chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi đa phần do người dân tự phát, không trong quy hoạch nên việc tiêu thụ sản phẩm rất khó khăn, tôi đề nghị việc chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi cần phải có quy hoạch cụ thể, khu vực nào trồng cây gì, nuôi con gì, tránh tình trạng “cung” vượt “cầu”.

Ông Nguyễn Văn Dũng (xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng):

Thời gian qua, việc sản xuất nông nghiệp có nhiều thuận lợi, được các cấp, các ngành quan tâm chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật đến người dân. Tuy nhiên, nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn như thời tiết, dịch bệnh gây hại trong quá trình sản xuất, điệp khúc “được mùa - mất giá, được giá - mất mùa” vẫn thường xuyên tái diễn, việc liên kết “4 nhà” trong thời gian qua chưa được chặt chẽ,... Để có giải pháp căn cơ tháo gỡ, tôi kỳ vọng năm 2022 cũng như những năm tiếp theo cần có nhiều chính sách hướng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bên cạnh đó, tăng cường việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhất là ứng dụng công nghệ cao; cần kêu gọi, liên kết doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để giúp nông dân tăng năng suất, thu nhập trên diện tích canh tác; tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như xây dựng trạm bơm điện, hệ thống thủy lợi nội đồng, đê bao lửng,... Ðặc biệt, cần có chính sách quản lý chặt chẽ thị trường vật tư nông nghiệp như thuốc trừ sâu, phân bón, tránh tình trạng hàng kém chất lượng trôi nổi trên thị trường.

Với khí thế ra quân và quyết tâm cao ngay từ những ngày đầu năm, tin rằng, nông dân, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ đạt nhiều kết quả tích cực trong năm mới. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, thành viên HTX, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh./.

Thùy Minh - Văn Đát(ghi)

Chia sẻ bài viết