Tiếng Việt | English

27/07/2017 - 03:00

Ký ức hào hùng

Có những người con anh dũng mãi mãi nằm trong lòng đất mẹ. Có những cựu chiến binh trở về sau chiến trang, tiếp tục dựng xây quê hương và mang theo ký ức về những năm tháng hào hùng không thể nào quên. Những chiến sĩ, Bộ đội Cụ Hồ ngày nào, giờ đây trở thành tấm gương sáng, tiếp thêm động lực cho lớp người mới phấn đấu noi theo.

Tham gia cách mạng ở tuổi đôi mươi

Đó là cô Nguyễn Thị Bé, thương binh, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, bị nhiễm chất độc hóa học (dioxin), ngụ phường 2, TP.Tân An, tỉnh Long An. Năm 1967, một trận càn lớn tại xã Mỹ Hạnh, Mỹ đổ quân xuống bắt cán bộ, người dân trong vùng. Thời ấy, vùng địch tạm chiến (vùng tranh chấp) thuộc xã Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa cùng với bao người dân yêu nước khác. Có người thiếu nữ vừa tròn đôi mươi giác ngộ lý tưởng cách mạng. Cô Bé bị bắt và đưa đi trại giam của Mỹ ở căn cứ Đồng Dù (huyện Củ Chi, TP.HCM ngày nay). Do địch không khai thác được gì, chúng thả cô ra.

Cô Nguyễn Thị Bé

Năm 1973, cô lại bị bắt giam tại trại giam tỉnh Hậu Nghĩa, Mỹ dùng mọi cực hình tra tấn, khai thác thông tin từ cô nhưng đều vô vọng. Chịu nhiều trận đòn roi, những hình phạt tra tấn man rợ nhưng cô nhất quyết không khai nửa lời. Một lần nữa, chúng thả cô ra. Sau đó, cô được bầu làm Bí thư Đoàn xã Mỹ Hạnh.

Những năm 1968-1969, khi cô Bé và đồng đội tham gia trận chiến ác liệt, nhiều đồng đội của cô hy sinh. Cô Bé bùi ngùi: “Tôi nhớ, khi anh Lê Văn Thành hy sinh, bọn Mỹ man rợ lôi xác đồng đội tôi từ đầu đường đến cuối ấp chiến lược. Hình ảnh ấy càng làm sôi sục lòng căm thù giặc trong lớp lớp thanh niên ngày ấy. Ngày nay, mỗi lần có dịp ghé thăm gia đình anh Thành, nỗi đau ngày ấy như vẫn còn nguyên vẹn trong tôi”.

Thời đó, nhiều thiếu nữ tuổi đôi mươi lên đường nhập ngũ, cô có người bạn thân là cô Nung. Biết tin cô Nung rời đơn vị chuẩn bị lên chiến khu, cô Bé trao cho đồng đội chiếc nhẫn làm kỷ niệm. Thế rồi, hay tin cô Nung hy sinh, cô Bé càng quyết tâm chiến đấu, phải trả thù cho bạn.

Năm 1975-1979, cô được phân công đi kiện toàn cơ sở, cải tạo nông nghiệp, xây dựng hợp tác xã nông nghiệp ở các huyện, công tác thanh niên, tuyến phòng thủ các huyện, tuyến biên giới, xây dựng phong trào thanh niên phá gỡ bom mìn, tiến quân về Đồng Tháp Mười, tuyến phòng thủ biên giới (Đức Huệ - Mộc Hóa).
Chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, cô Bé được phân công công tác tại tỉnh Long An qua nhiều vị trí: Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Phó Giám đốc Sở Thương binh - Xã hội (nay là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy phụ trách chính sách.

Hơn 40 năm tham gia cách mạng lúc thời chiến cũng như thời bình, cô Bé luôn khắc phục mọi khó khăn về sức khỏe để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hiện, cô nghỉ hưu nhưng vẫn cống hiến cho địa phương. Cô được UBND tỉnh phân công là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hưu trí, xây dựng ngôi nhà chung của người hưu trí đi vào hoạt động nền nếp, là nơi sinh hoạt, sống vui, sống khỏe lúc tuổi già. Hiện nay, cô Bé là Bí thư Chi bộ khu phố 5, phường 2. Qua 10 năm làm Bí thư Chi bộ khu phố, cô cùng tập thể chi ủy, toàn thể đảng viên trong chi bộ luôn giữ vững khối đoàn kết, xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng khu phố vững mạnh.

Khắc khoải nỗi đau

Cựu chiến binh Trương Ngọc Sáng, ở ấp 3 Nhà Thương, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa tham gia cách mạng vào tháng 2/1960. Thời điểm năm 1961-1962, ông là Tiểu đội trưởng Tiểu đội Trinh sát pháo binh U80 (phiên hiệu pháo binh Miền) nghiên cứu đánh Sân bay Biên Hòa và Sân bay Tân Sơn Nhất.

Ông Trương Ngọc Sáng

Ông Sáng nhớ lại kỷ niệm vào năm Mậu Thân 1968, đơn vị đánh vào Tân Sơn Nhất: “Trận đánh ác liệt đêm Mậu Thân, đơn vị có 23 đồng chí hy sinh, nay chưa tìm được hài cốt và tôi vẫn đinh ninh là đồng đội tôi còn nằm đâu đó trong Sân bay Tân Sơn Nhất. Hơn 50 năm qua, nỗi đau ấy vẫn không nguôi khi chưa đưa được đồng đội về an nghỉ ở nghĩa trang”.

Năm 1971, ông Sáng về công tác và làm Phó Chính trị viên Tiểu đoàn Đặc công tỉnh. Năm 1996, ông nghỉ hưu và tham gia công tác xã hội địa phương, được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp 3 Nhà Thương, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi ấp 3 Nhà Thương, thị trấn Thủ Thừa.

Với bao ký ức hào hùng của lịch sử, mỗi người chúng ta càng thêm tự hào hơn về giá trị của sự hy sinh, mất mát của biết bao lớp người con ưu tú của dân tộc. Quê hương phát triển từng ngày, nhưng giá trị lịch sử là điều mọi người không bao giờ quên lãng./.

Hùng Anh

Chia sẻ bài viết