Tiếng Việt | English

29/11/2023 - 08:32

Kỹ năng cấp cứu khi phát hiện nạn nhân bị điện giật

Khi phát hiện người bị điện giật, cần nhanh chóng tìm cách tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện và thực hiện các biện pháp cấp cứu. Việc cấp cứu kịp thời, đúng, hiệu quả góp phần tăng khả năng cứu sống nạn nhân và giảm nguy cơ di chứng về sau.

Cần bảo đảm an toàn điện trong sản xuất nông nghiệp để giảm thiểu đến mức thấp nhất các sự cố và tai nạn điện xảy ra (Ảnh minh họa)

Trước khi tiến hành cấp cứu cần tách người bị điện giật ra khỏi mạch điện. Phương pháp tốt nhất là tức khắc cắt điện bằng những thiết bị đóng cắt gần nhất như cầu dao, áp tô mát, công tắc điện, cầu chì hoặc rút phích cắm,... Khi cắt điện cần phải chú ý: Nếu mạch điện bị cắt sẽ mất ánh sáng thì phải chuẩn bị ngay nguồn ánh sáng khác để thay thế, nếu người bị nạn ở trên cao thì phải có phương tiện hứng đỡ.

Đối với trường hợp không cắt được mạch điện: Nếu ở mạch điện hạ áp: Người đi cấp cứu phải có biện pháp an toàn cá nhân tốt như đứng trên bàn, ghế gỗ khô, đi dép hoặc ủng cao su, đeo găng cao su để dùng tay kéo nạn nhân tách ra khỏi mạch điện. Nếu không có các phương tiện trên, có thể dùng tay nắm áo, quần khô của nạn nhân để kéo ra hoặc dùng gậy gỗ, tre khô gạt dây điện hoặc đẩy nạn nhân để tách ra khỏi mạch điện. Cũng có thể dùng kìm cách điện, búa, rìu có cán bằng gỗ để cắt đứt dây điện đang gây tai nạn. Tuyệt đối không được chạm trực tiếp vào nạn nhân khi không đủ biện pháp an toàn.

Nếu ở mạch điện cao áp: Tốt nhất là người đi cứu phải được trang bị các dụng cụ cách điện như ủng và găng tay cách điện, sào cách điện cao áp. Dùng sào cách điện để gạt hoặc đẩy nạn nhân ra khỏi mạch điện và lưu ý đến các biện pháp an toàn hứng đỡ nạn nhân. Trong các trường hợp không đủ khả năng xử lý đối với lưới điện cao áp thì tốt nhất phải điện thoại để đơn vị quản lý vận hành thiết bị cắt điện ngay.

“Sau khi nạn nhân được tách khỏi mạch điện thì phải tiến hành cấp cứu ngay trên cơ sở thể trạng nạn nhân. Nếu nạn nhân chưa mất tri giác: Nạn nhân chỉ hôn mê, bất tỉnh trong chốc lát, còn thở yếu,... thì phải đưa đến chỗ thoáng khí, nới rộng quần áo, thắt lưng và chăm sóc theo dõi; đồng thời, khẩn cấp mời cán bộ y tế gần nhất đến cấp cứu, trường hợp không có y sĩ, bác sĩ thì phải nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ quan y tế gần nhất.

Trường hợp nạn nhân mất tri giác nhưng vẫn còn thở nhẹ, tim đập yếu thì phải nhanh chóng đưa đến nơi thoáng khí, nới rộng quần áo, thắt lưng; đồng thời, moi trong miệng nạn nhân xem có đờm, máu, nôn,... để lấy ra, sau đó xoa nóng người nạn nhân và khẩn trương mời cán bộ y tế đến.

Nếu nạn nhân tắt thở, tim ngừng đập, toàn thân bị co giật thì phải nhanh chóng đưa nạn nhân đến nơi thoáng khí, nới rộng quần áo, thắt lưng, bành miệng ra để kiểm tra xem có đờm, máu, nôn,... để lấy ra, sau đó hô hấp nhân tạo hoặc hà hơi thổi ngạt kết hợp ép tim ngoài lồng ngực cho đến khi nào có cán bộ y tế đến và cho ý kiến quyết định mới thôi” - Thạc sĩ Nguyễn Hoài Duyên - Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An, khuyến cáo.

Một điều cần lưu ý, người bị điện giật trong tình trạng hôn mê tim ngừng đập vẫn có thể cứu sống nếu được cấp cứu kịp thời. Tuyệt đối không sử dụng nước để tưới lên người bệnh nhân, làm cấp cứu CPR (hồi sức tim phổi) trên nền mặt phẳng cứng càng nhanh càng tốt (trước 4 phút).

Để phòng ngừa điện giật, nên đặt ổ điện ngoài tầm với của trẻ, ổ điện phải có nắp đậy (đối với trẻ nhỏ), hướng dẫn cho trẻ biết cách sử dụng điện đúng cách, an toàn. Trong gia đình, trường, lớp học, đường dây điện và các thiết bị điện phải bảo đảm an toàn, không bị hở và được kiểm tra thường xuyên. Không chọc vào ổ điện, leo trèo cột điện, thả diều nơi có đường dây điện đi qua. Không trú, nấp dưới gốc cây to khi trời mưa phòng sét đánh./.

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết