Tiếng Việt | English

09/12/2020 - 08:29

Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh khóa IX: Chất vấn, truy vấn nhiều vấn đề tồn đọng, bức xúc

Ngày 08/12, Kỳ họp thứ 24 (kỳ họp lệ cuối năm), HĐND tỉnh Long An khóa IX (nhiệm kỳ 2016-2021) tiếp tục chương trình làm việc với phiên chất vấn, trả lời chất vấn và bế mạc kỳ họp.

Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út trả lời chất vấn về công tác quản lý đầu tư xây dựng, đất đai

Tại phiên chất vấn, có 5 nhóm vấn đề được bố trí trả lời trực tiếp trên hội trường, gồm các nội dung liên quan đến lĩnh vực giao thông - vận tải (GTVT); đầu tư công; nông nghiệp; việc thụ lý các vụ kiện đòi nợ bảo hiểm xã hội của người lao động đối với doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội; việc cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại một số dự án (DA) dân cư.

Giao thông được quan tâm

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Hữu Tuấn (đơn vị huyện Cần Giuộc) chất vấn về tình trạng Đường tỉnh (ĐT) 826C - tuyến đường huyết mạch của người dân 6 xã vùng hạ Cần Giuộc và một phần người dân Cần Đước đi đến Khu công nghiệp Long Hậu và TP.HCM đã được nhựa hóa nhưng mặt đường còn nhỏ, hẹp (3,5m), gây khó khăn trong đi lại, vận chuyển hàng hóa. ĐB đề nghị Giám đốc Sở GTVT cho biết nguyên nhân vì sao và khi nào tuyến đường này mới được nâng cấp, mở rộng?

Đại biểu Nguyễn Hữu Tuấn chất vấn về lĩnh vực giao thông

Giám đốc Sở GTVT - Nguyễn Văn Học cho biết, theo hồ sơ thiết kế, mặt ĐT826C sau thi công rộng 6m. Tuy nhiên, mặt bằng thi công vướng trụ điện trung thế, hệ thống cống nước cách tim đường từ 3-5m. Qua nhiều lần làm việc với địa phương nhưng không có phương án di dời hạ tầng kỹ thuật ra khỏi phạm vi thi công nên công trình không triển khai và kéo dài thời gian thi công. Từ những khó khăn trên, Sở GTVT không đề xuất DA mở rộng ĐT826C vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Ông Nguyễn Văn Học thông tin thêm, hiện nay, nguồn vốn sự nghiệp giao thông hạn hẹp (được bố trí khoảng 90 tỉ đồng/năm, trong khi nhu cầu cần khoảng 150 tỉ đồng/năm), chỉ đủ để thực hiện công tác duy tu, sửa chữa mặt đường bảo đảm an toàn giao thông. Sau Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh khóa IX, Sở GTVT đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các ngành nghiên cứu phân bổ lại các DA trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thực hiện DA mở rộng ĐT826C.

Đường tỉnh 826C nhỏ, hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu đi lại, phát triển địa phương

Cũng liên quan đến giao thông, ĐB Bùi Quốc Bảo (đơn vị huyện Tân Thạnh) đề nghị Sở GTVT chỉ đạo duy tu, sửa chữa ĐT837 vì đã xuống cấp, nhiều đoạn hư hỏng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, ĐB kiến nghị tỉnh sớm thi công ĐT837B đi qua địa bàn 4 xã: Tân Lập, Nhơn Hòa Lập, Bắc Hòa và Hậu Thạnh Tây (huyện Tân Thạnh). Theo ĐB, thời gian qua, tuyến đường này bị sụt lún, xe lấy rác không vào được, ảnh hưởng đến việc thực hiện tiêu chí môi trường cũng như việc đi lại của người dân.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được yêu cầu Giám đốc Sở GTVT chỉ đạo các bộ phận liên quan thường xuyên theo dõi các tuyến đường trên địa bàn tỉnh thuộc phạm vi phụ trách để có kế hoạch duy tu, sửa chữa kịp thời. Đặc biệt, dịp tết sắp tới, lượng xe lưu thông rất đông, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Sở GTVT quan tâm nhiều hơn vấn đề này nhằm bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn.

Quyết tâm tháo gỡ các “điểm nghẽn”

Đối với lĩnh vực đầu tư công, theo ĐB Nguyễn Hữu Tuấn (đơn vị huyện Cần Giuộc), đến nay còn một số nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân thấp như vốn ODA (giải ngân 37,55%), vốn tăng thu ngân sách năm 2019 (giải ngân 41,4%), vốn dự phòng ngân sách Trung ương (53,8%). ĐB đề nghị Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết nguyên ngân giải ngân đạt thấp và giải pháp để giải ngân hết các nguồn vốn theo đúng mục tiêu đề ra.

Trả lời chất vấn của ĐB Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Huỳnh Văn Sơn thông tin, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2020 phần tỉnh quản lý đã phân bổ cho các DA là 4.655 tỉ đồng. Đến hết tháng 11-2020, khối lượng thực hiện là 3.660 tỉ đồng, đạt 78,6% kế hoạch; giải ngân 3.620 tỉ đồng, đạt 77,8% kế hoạch; so cùng kỳ năm 2019 bằng 143% về giá trị giải ngân và cao hơn 2,8% về tỷ lệ giải ngân (tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm 2019 là 75%), cao hơn tỷ lệ giải ngân chung của cả nước (tỷ lệ giải ngân chung của cả nước đến hết tháng 11-2020 là 71,4%). Đây là kết quả thể hiện sự quyết tâm của các cấp, các ngành và các chủ đầu tư trong tỉnh.

Về giải pháp, ông Huỳnh Văn Sơn cho biết, thời gian tới, Sở tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh về giải ngân vốn đầu tư công, xem đây là nhiệm vụ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Định kỳ hàng tuần báo cáo kết quả thực hiện và giải ngân để UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của từng chủ đầu tư. Thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư khi nhận được đề nghị của chủ đầu tư. Thường xuyên rà soát, báo cáo UBND tỉnh điều chuyển kế hoạch vốn của DA chậm giải ngân sang DA có khối lượng tốt và có nhu cầu bổ sung vốn,...

Chỉ đạo về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được cho biết, sắp tới, Tỉnh ủy sẽ xây dựng Nghị quyết chuyên đề về vấn đề giải phóng mặt bằng nhằm tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong lĩnh vực đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, nhất là các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế. Ông yêu cầu, các cấp, các ngành liên quan phải chủ động, quyết liệt, phối hợp thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao với quyết tâm cao, nỗ lực lớn vì sự phát triển chung của tỉnh.

Trên lĩnh vực nông nghiệp, ĐB Nguyễn Hữu Tuấn (đơn vị huyện Cần Giuộc) chất vấn về tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, khó lường như dịch tả heo châu Phi phát sinh từ năm 2019, lở mồm long móng trên trâu, bò vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn, ảnh hưởng đến người chăn nuôi và cả người tiêu dùng. ĐB yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết nguyên nhân và giải pháp khắc phục nhằm bảo đảm việc chăn nuôi của người dân.

Đại biểu Hồ Tấn Đức chất vấn về lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng, đất đai 

Giải trình vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền thông tin, toàn tỉnh xảy ra 18 ổ dịch trên gia súc, gia cầm; 9 ổ dịch tả heo châu Phi; 3 ổ dịch lở mồm long móng. Nguyên nhân thời tiết giao mùa, người dân đang tăng đàn, tái đàn gia súc, gia cầm để xuất bán dịp tết, từ đó làm tăng nguy cơ dịch bệnh. Mặt khác, người chăn nuôi chủ quan không tiêm phòng, khi phát hiện dịch bệnh không báo ngay cho cơ quan thú y mà tự điều trị; chưa thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học; chưa thực hiện theo các khuyến cáo của cơ quan thú y. Một số địa phương xảy ra các ổ dịch chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo dập và khống chế, thiếu lực lượng thú y cơ sở để chống dịch.

Để làm tốt công tác phòng, chống dịch, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả các hoạt động tiêm phòng vắc-xin, tháng tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi; chủ động giám sát dịch bệnh trên
gia súc, gia cầm, nhất là khu vực đang xảy ra ổ dịch, ổ dịch cũ, khu vực nguy cơ cao; tổ chức thực hiện kịp thời và đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; thành lập đoàn công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tại cơ sở;...

Chất vấn liên quan đến công tác quản lý đầu tư xây dựng, đất đai, ĐB Hồ Tấn Đức (đơn vị huyện Cần Đước) cho rằng, hiện nay còn tình trạng DA dân cư xây dựng nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép; có những DA kéo dài gần 20 năm, nhiều hộ dân đã xây dựng nhà ở nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo ĐB, có trường hợp người mua đất trong khu dân cư đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không thể chuyển nhượng làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân, gây bức xúc dư luận. ĐB đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh cho biết giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng này trong thời gian sớm nhất.

Trả lời chất vấn của ĐB Hồ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út thẳng thắn thừa nhận, công tác quản lý về đầu tư xây dựng, đất đai trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, UBND tỉnh đã kiểm điểm nhận trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo chấn chỉnh những bất cập như ĐB Hồ Tấn Đức nêu, đến nay đã có những chuyển biến rõ nét.

“Sau kỳ họp này, UBND tỉnh sẽ tổ chức cuộc họp với các ngành chức năng có liên quan, bàn việc thống nhất một số giải pháp quản lý và xử lý nghiêm, dứt điểm vấn đề tồn tại, hạn chế, kiên quyết hơn đối với các trường hợp sai phạm, đặc biệt xử phạt những trường hợp xây dựng không phép, sai phép, bắt buộc trả lại hiện trạng ban đầu theo quy định” - ông Nguyễn Văn Út thông tin.

Kết luận phiên chất vấn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được đề nghị, UBND tỉnh và thủ trưởng các sở, ngành phải tập trung triển khai, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các cam kết đã trả lời chất vấn và những nội dung chủ tọa đã kết luận, kể cả những vấn đề mà cử tri kiến nghị, phản ánh nhiều lần nhưng kéo dài, chưa được giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng.

UBND tỉnh và các sở, ngành phải rà soát, tăng cường trách nhiệm. Tinh thần là không hứa suông, không làm qua loa, hình thức; xem việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của đại biểu HĐND tỉnh, của cử tri là trách nhiệm phải thực hiện; không vô cảm trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân”.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, UBND tỉnh và các sở, ngành phải rà soát, tăng cường trách nhiệm. Tinh thần là không hứa suông, không làm qua loa, hình thức; xem việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của ĐB HĐND tỉnh, của cử tri là trách nhiệm phải thực hiện; không vô cảm trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân.

Sau 2 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, hiệu quả, HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021, đã hoàn thành toàn bộ chương trình Kỳ họp thứ 24 và bế mạc vào chiều 08/12. HĐND tỉnh thống nhất thông qua 62 nghị quyết quan trọng về ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2021 và giai đoạn 5 năm 2021-2025; quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, cập nhật quy hoạch sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư; cho chủ trương đầu tư nhiều công trình, dự án đầu tư công thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi, giáo dục, công nghệ thông tin,...; đồng thời, thông qua nhiều đồ án quy hoạch xây dựng khu công nghiệp; thông qua đề án phát triển trường THPT hoạt động theo định hướng chất lượng cao; ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu y tế - dân số; thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh; đặt tên một số tuyến đường trên địa bàn tỉnh;... ./.

Kỳ Nam

Chia sẻ bài viết