Tiếng Việt | English

17/09/2019 - 19:05

Chung tay đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS

Kỳ 2: Điều trị dự phòng hướng tới mục tiêu không còn người nhiễm HIV

Nhằm khống chế lây nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%, hoàn thành mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 hướng tới kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030, ngành Y tế tỉnh Long An triển khai các giải pháp củng cố và mở rộng mạng lưới xét nghiệm HIV, trong đó chú trọng đến những người dễ phơi nhiễm HIV gồm bạn tình, bạn chích của người nhiễm và người quan hệ đồng giới nam (MSM); mở rộng độ bao phủ dịch vụ chăm sóc, điều trị HIV ở các địa bàn có số người nhiễm HIV cao.

Xét nghiệm HIV là phương pháp duy nhất để xác định tình trạng nhiễm

Việc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) và điều trị ARV sớm được ngành y tế tỉnh tích cực triển khai thực hiện nhằm giảm nguy cơ lây truyền HIV trong cộng đồng và giảm ca nhiễm mới. Qua đó, góp phần hoàn thành mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020.

PrEP - Giảm 90% nguy cơ lây nhiễm HIV

PrEP (viết tắt của cụm từ Pre-Exposure Prophylaxis) là chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo sử dụng đối với những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao như nam quan hệ tình dục đồng giới, chuyển giới, bạn tình âm tính của người nhiễm HIV chưa điều trị ARV. Nhiều nghiên cứu khoa học trên thế giới chứng minh việc điều trị PrEP cho quần thể nguy cơ cao bằng thuốc kháng vi-rút HIV (ARV) có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV lên đến trên 90% nếu tuân thủ uống thuốc hàng ngày.

Tại Việt Nam, PrEP được xác định là một can thiệp dự phòng nhiễm HIV cần được triển khai nhằm góp phần khống chế tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2020, giảm tỷ lệ nhiễm HIV trong quần thể nguy cơ cao nhiễm HIV. Năm 2019, Long An triển khai thí điểm tại 3 cơ sở (Bệnh viện Đa khoa Long An, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa và Trung tâm Y tế huyện Bến Lức) với mục tiêu điều trị cho 80 bệnh nhân. Theo đó, nam có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, bạn tình và bạn chích của người nhiễm HIV chưa điều trị ARV hoặc điều trị ARV và có tải lượng HIV trên 1.000 bản sao/ml là đối tượng ưu tiên được tiếp cận dịch vụ (PrEP).

Gói dịch vụ triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV PrEP bao gồm: Tư vấn, xét nghiệm HIV cho đối tượng nguy cơ; điều trị dự phòng phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV (ARV); hỗ trợ duy trì tuân thủ điều trị PrEP; sàng lọc và điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục; sàng lọc tình trạng viêm gan B, C và hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ liên quan khác.

“Qua tuyên truyền, tôi biết được PrEP là một trong những cách phòng lây nhiễm HIV hiệu quả cho những người có nguy cơ cao. Tôi cũng được các bác sĩ tận tình tư vấn những vấn đề liên quan việc điều trị, tuân thủ uống thuốc ARV, đặc biệt còn được xét nghiệm HIV, khám sàng lọc những bệnh lây truyền qua đường tình dục. Từ đó, tôi an tâm tham gia điều trị dự phòng trước phơi nhiễm” - anh N.T.H (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) chia sẻ.

Người nhiễm HIV sống khỏe nhờ ARV

ARV (Antiretroviral) là thuốc có tác dụng ức chế sự phát triển của vi-rút HIV trong cơ thể người nhiễm và có thể làm chậm sự tiến triển hoàn toàn của AIDS trong nhiều năm. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay, trên thế giới vẫn chưa tìm ra thuốc chữa khỏi HIV/AIDS nên điều trị bằng thuốc ARV được coi là điều trị đặc hiệu làm ức chế sự nhân lên của vi-rút.

Từ đó, duy trì được lượng vi-rút thấp nhất trong máu và tình trạng bình thường của hệ miễn dịch. Khi hệ miễn dịch chưa bị suy giảm, người nhiễm không có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội hoặc chỉ mắc ở mức độ nhẹ. Trong trường hợp hệ miễn dịch của người nhiễm HIV đã bị suy giảm, nhờ ARV kiềm chế sự nhân lên của HIV, hệ miễn dịch được phục hồi trở lại.

Long An bắt đầu triển khai điều trị thuốc ARV tại Bệnh viện Đa khoa Long An từ năm 2004 cho 30 bệnh nhân bằng nguồn thuốc tài trợ của các dự án, đến năm 2009 mở rộng tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa và Trung tâm Y tế huyện Bến Lức với số bệnh nhân được tiếp cận điều trị nhiều hơn nhờ nguồn viện trợ miễn phí của dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS. Tính đến ngày 31/7/2019, toàn tỉnh có 5 cơ sở điều trị HIV/AIDS, trong đó thêm 2 cơ sở mới tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười và Trung tâm Y tế huyện Cần Đước với 1.875 bệnh nhân đang điều trị, chưa kể khoảng 500 bệnh nhân có hộ khẩu ở Long An nhưng đang điều trị tại TP.HCM. Thời gian qua, điều trị thuốc ARV đều miễn phí do các nguồn tài trợ quốc tế. Từ tháng 3/2019, việc điều trị chuyển qua nguồn bảo hiểm y tế.

Chi phí điều trị bằng thuốc ARV theo phác đồ điều trị bậc 1 khoảng hơn 4 triệu đồng/năm/người, chưa kể các chi phí khám bệnh, xét nghiệm và dịch vụ đặc thù cũng khá cao. Vì vậy, Chính phủ đã xác định BHYT là nguồn thay thế quan trọng cung cấp thuốc ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV. Từ ngày 08/3/2019, Quỹ BHYT mở rộng chi trả chi phí thuốc ARV cho tất cả bệnh nhân nhiễm HIV có thẻ BHYT. Đây được xem là “phao cứu sinh” giúp người nhiễm HIV giảm được chi phí điều trị.

Điều trị ARV sớm giúp người nhiễm HIV cải thiện cuộc sống khỏe mạnh, nếu kết quả điều trị tốt, HIV dưới ngưỡng 200 bản sao/ml người bệnh khó có thể lây nhiễm HIV cho người khác qua quan hệ tình dục. Chị T.T.C (huyện Vĩnh Hưng) - người điều trị ARV hơn 10 năm nay, cho biết: “Lúc mới phát hiện bị nhiễm HIV (năm 2003), tôi sốc nặng vì nghĩ mình không sống được lâu. Được người nhà động viên, tôi tham gia điều trị ARV tại Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM và tuân theo phác đồ điều trị một cách nghiêm ngặt. Đến tháng 8/2008, tôi chuyển về điều trị miễn phí tại Bệnh viện Đa khoa Long An. Nhờ điều trị ARV sớm mà sức khỏe tôi luôn ổn định và đời sống cũng bình thường”.

Việc điều trị bằng thuốc kháng vi-rút HIV (ARV) ngày càng được mở rộng và số người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV cũng tăng lên. Với những nỗ lực của ngành y tế và các biện pháp can thiệp dự phòng khác, tin rằng, Long An đạt được mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020. Qua đó, góp phần thực hiện thành công mục tiêu kết thúc đại dịch HIV/AIDS của cả nước vào năm 2030./.

Kỳ 3: Vì những đứa con không nhiễm HIV

(còn tiếp)

Ngọc Mận-Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết