Tiếng Việt | English

16/09/2019 - 19:50

Chung tay đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS

Kỳ 1: Tầm soát ca mới, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV

Nhằm khống chế lây nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%, hoàn thành mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 hướng tới kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030, ngành Y tế tỉnh Long An triển khai các giải pháp củng cố và mở rộng mạng lưới xét nghiệm HIV, trong đó chú trọng đến những người dễ phơi nhiễm HIV gồm bạn tình, bạn chích của người nhiễm và người quan hệ đồng giới nam (MSM); mở rộng độ bao phủ dịch vụ chăm sóc, điều trị HIV ở các địa bàn có số người nhiễm HIV cao.

Thực hiện việc tìm ca nhiễm HIV và đưa vào điều trị ARV được các cơ sở y tế quan tâm triển khai. Bởi, khi xác định được người dễ phơi nhiễm HIV sẽ thuận lợi cho việc triển khai các biện pháp can thiệp giảm tác hại cũng như cung cấp dịch vụ can thiệp, tư vấn xét nghiệm HIV kịp thời. Qua đó, góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Tư vấn, xét nghiệm nhằm kịp thời phát hiện bệnh và tiếp cận các dịch vụ điều trị ARV sớm

Tiếp cận tìm ca nhiễm HIV mới

Tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp hướng đến mục tiêu đạt 90-90-90 trong năm 2019 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm bệnh của mình; 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV (thuốc kháng HIV); 90% bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế 1.000 bản sao/ml). Để đạt mục tiêu này, các địa phương tiếp tục triển khai mô hình tìm ca HIV, rà soát số người nhiễm HIV trong cộng đồng và đưa vào điều trị.

Theo đó, việc tiếp cận tìm người phơi nhiễm tại các cơ sở y tế được quan tâm. Hiện có 49 xã, phường, thị trấn của huyện Đức Hòa, Bến Lức và TP.Tân An đều có người nhiễm HIV với tổng số khoảng 650 người còn sống đang được quản lý. Đến nay, toàn tỉnh có 1.830/1.909 bệnh nhân (BN) được điều trị ARV, gồm 1.722 BN điều trị tại 3 cơ sở điều trị HIV/AIDS và 108 BN điều trị tại 2 trại giam; 96,5% BN có bảo hiểm y tế (BHYT). Những người nhiễm HIV tiếp cận được nhưng chưa điều trị ARV hoặc đã điều trị nhưng tải lượng HIV còn cao chính là nguồn lây HIV ra cộng đồng. Vì vậy, qua họ sẽ tìm ra những người phơi nhiễm HIV để xét nghiệm và đưa vào điều trị ARV.

Phương pháp chính được các cơ sở y tế triển khai là thực hiện mô hình tiếp cận, tìm người phơi nhiễm từ những người nhiễm HIV. Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Linh cho biết: “Thực hiện phương pháp này, các trạm y tế trong tỉnh tăng cường tìm ca HIV và bảo đảm đưa vào điều trị ngay thông qua mô hình tiếp cận tìm ca nhiễm HIV mới từ bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV và MSM. Tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS, thông qua những BN mới điều trị dưới 6 tháng, BN điều trị lại, BN có tải lượng HIV trên 1.000 bản sao/ml, nhân viên y tế
sẽ tiếp cận bạn tình, bạn chích của họ để tư vấn, xét nghiệm HIV, nếu phát hiện HIV dương tính sẽ đưa vào điều trị ARV hoặc âm tính sẽ điều trị PrEP dự phòng HIV”. Để tăng số ca nhiễm HIV mới đưa vào điều trị ARV, hoạt động tìm ca nhiễm HIV mới cũng được ngành Y tế đẩy mạnh tại phòng tư vấn, xét nghiệm HIV cho những khách hàng tự nguyện và người nghiện chích đang điều trị tại cơ sở Methadone.

6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh phát hiện 217 người nhiễm HIV mới đưa vào điều trị ARV thành công, đạt 92% chỉ tiêu Sở Y tế đã cam kết với Bộ Y tế. Hiện việc tìm ca HIV mới còn khó khăn do nhiều cán bộ y tế cơ sở chưa đủ kinh nghiệm và kỹ năng để tiếp cận và tư vấn những trường hợp nhạy cảm như bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV và MSM. Ngoài ra, một trong những rào cản lớn nhất để tiếp cận và xét nghiệm những người phơi nhiễm HIV là tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử. Vì vậy, có những người đã nhiễm HIV nhưng sợ thông tin bị tiết lộ đã không điều trị ARV và tiếp tục là nguồn lây nhiễm HIV cho cộng đồng.

Giảm nguy cơ lây nhiễm

Toàn tỉnh ước tính có gần 3.000 MSM từ 15-49 tuổi (chiếm 0,5% dân số). Nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết tình trạng HIV, thời gian qua, Bộ Y tế mở rộng các mô hình xét nghiệm HIV tại cộng đồng. Từ đó, số người nhiễm HIV được phát hiện sớm trong cộng đồng tăng, ngày càng có nhiều người biết được tình trạng nhiễm và tham gia điều trị sớm. Qua đó, góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Tỉnh có 2 nguồn kinh phí dự án chính gồm tiểu Dự án hỗ trợ phòng, chống HIV (VAAC-US-CDC), Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS. Ngoài thuốc men, sinh phẩm, hóa chất và trang thiết bị, hàng năm, cả 2 dự án còn hỗ trợ thêm kinh phí để triển khai các hoạt động nhằm đạt mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020. Theo kế hoạch thực hiện Dự án VAAC-US-CDC, việc tiếp cận, tìm người phơi nhiễm HIV của nhóm hạt giống tích cực (người nhiễm HIV đang điều trị) trên địa bàn tỉnh đang được triển khai. Đây là giải pháp giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Bởi, các ca nhiễm HIV không xuất hiện đơn lẻ mà thường xảy ra theo chùm có liên quan đến mạng lưới quan hệ tình dục hoặc tiêm chích chung. Chùm lây nhiễm HIV bao gồm những người nhiễm đã hoặc chưa được chẩn đoán và cả những người chưa nhiễm nhưng đang phơi nhiễm.

Cũng theo Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Linh, giải pháp người nhiễm HIV tiếp cận bạn tình, bạn chích của người đã nhiễm HIV sẽ tìm ra được nhiều người nhiễm HIV mới đưa vào điều trị ARV. Theo nghiên cứu đánh giá của Ban Quản lý Dự án VAAC-US.CDC - Bộ Y tế, trung bình 1 người nhiễm HIV có khoảng 2,5 bạn tình và bạn chích, những người này nguy cơ phơi nhiễm HIV rất cao vì thực tế HIV lây chủ yếu do tình dục không an toàn và sử dụng chung dụng cụ dính máu với người nhiễm HIV.

Nếu không được tư vấn, xét nghiệm nhằm kịp thời phát hiện bệnh và tiếp cận các dịch vụ điều trị ARV sớm thì người nhiễm không bảo vệ sức khỏe chính bản thân do hệ miễn dịch bị HIV làm suy giảm và tăng khả năng lây truyền HIV ra cộng đồng. Vì vậy, ngoài sự vào cuộc tiếp cận, tìm ca nhiễm HIV mới của ngành y tế, rất cần sự vào cuộc của các sở, ngành, đoàn thể trong triển khai các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng. Các cơ sở y tế cần có giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ xét nghiệm, chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS, tạo tâm lý ổn định cho BN khi tiếp cận dịch vụ do ngại thông tin bị tiết lộ, có như thế mục tiêu 90-90-90 sẽ đạt kết quả cao.

Theo kế hoạch thực hiện tiểu Dự án hỗ trợ phòng, chống HIV tại Long An, từ ngày 01/01 đến 31/12/2019, toàn tỉnh có 6.453 người có nguy cơ phơi nhiễm HIV cao được tư vấn, xét nghiệm HIV; 238 người nhiễm HIV được kết nối điều trị ARV thành công./.

(còn tiếp)

Kỳ 2: Điều trị dự phòng hướng tới mục tiêu không còn người nhiễm HIV

Ngọc Mận - Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết