Kính thực tế ảo của Microsoft ứng dụng trong quân đội như thế nào?
Mới đây, Microsoft giành được hợp đồng trị giá 21,88 tỉ USD để cung cấp 120.000 chiếc kính thực tế ảo tăng cường (AR) cho quân đội Mỹ trong vòng 10 năm tới.
Công nghệ thực tế ảo hỗ trợ binh lính diễn tập trong môi trường mô phỏng. Ảnh: BLOOMBERG
Năm 2018, Microsoft cũng từng ký thỏa thuận trị giá 480 triệu USD với Bộ Quốc phòng Mỹ để phát triển loại kính có tên gọi IVAS (viết tắt của Hệ thống tăng cường Trực quan tích hợp) nâng cấp từ kính HoloLens 2, sử dụng dịch vụ đám mây Azure.
Giờ đây, Microsoft có nhiệm vụ phân phối 120.000 kính IVAS cho quân đội trong thời gian sắp tới. Sau thông báo mới nhất, Alex Kipman - kỹ sư phần mềm của Microsoft cho biết kính IVAS sẽ giúp người lính "nâng cao nhận thức tình huống, chia sẻ thông tin và đưa ra quyết định trong nhiều kịch bản khác nhau". Ông khẳng định Microsoft đã hợp tác với quân đội Mỹ hơn hai năm qua và đi tiên phong trong thiết kế "lấy người lính làm trung tâm".
Khả năng định vị. Ảnh chụp màn hình CNBC
Theo CNBC, khi ta đeo kính vào, màn hình sẽ hiển thị bản đồ và mũi tên xác định vị trí của người đeo cùng đồng đội. Khi họ di chuyển, mũi tên cũng chuyển động theo. Người lính có thể dùng tính năng này để tìm các thành viên trong đội hoặc săn lùng kẻ thù. Trải nghiệm đeo kính gần giống góc nhìn thứ nhất trong các trò chơi bắn súng như Call of Duty.
Loại kính dùng ban đêm mà quân đội dùng thường phát ra ánh sáng xanh lục, dễ làm lộ vị trí của quân ta cho kẻ địch. Với khả năng chụp ảnh nhiệt, kính IVAS có thể giúp người lính nhìn đường trong đêm mà không làm lộ vị trí.
Khả năng nhìn trong đêm. Ảnh chụp màn hình CNBC
Bộ trưởng Lục quân Mỹ Ryan McCarthy giải thích: "Khói có thể làm mờ loại kính nhìn ban đêm hiện tại. Nhưng khi sử dụng kính IVAS chụp ảnh nhiệt, bạn sẽ nhìn xuyên qua khói và ngăn chặn hiểm họa. Đây là yếu tố thay đổi cuộc chơi trên chiến trường".
Người lính vẫn có thể nhắm mục tiêu khi đeo IVAS nhờ hệ thống xác định mục tiêu hiển thị trên màn hình. Thông qua kính IVAS, các chỉ huy cũng dễ dàng chia sẻ dữ liệu chiến thuật với binh sĩ trên chiến trường.
Ông McCarthy cho biết: “IVAS không chỉ được dùng trong chiến đấu. Chúng tôi có thể thu thập dữ liệu về những người lính đang tham gia huấn luyện, góp phần cải thiện kỹ năng thiện xạ của họ. Chúng tôi có thể thấy nhịp tim họ".
Báo cáo kết quả huấn luyện của binh lính. Ảnh chụp màn hình CNBC
Ví dụ, trong cơ sở huấn luyện, binh lính sẽ chạy qua nhiều phòng để hạ các kẻ thù ảo, hệ thống có thể theo dõi chuyển động của những người lính. Sau muỗi buổi luyện tập như vậy, họ sẽ tập trung lại một chỗ xem báo cáo kết quả hoạt động trên IVAS./.
Theo thanhnien.vn
- iPhone SE 4 sẽ có Dynamic Island thay vì 'tai thỏ'? (23/01)
- Samsung ra mắt dòng Galaxy S25 với AI tiên tiến (23/01)
- Microsoft bắt đầu 'ép' người dùng cập nhật Windows 11 24H2 (21/01)
- Hy vọng mới trong điều trị ung thư: Điều khiển hoạt động của gen (19/01)
- TikTok thông báo ngừng hoạt động tại Mỹ (19/01)
- 7 'tuyệt chiêu' tối ưu hóa việc sử dụng ChatGPT (19/01)
- Lý do khiến TikTok ngừng hoạt động tại Mỹ từ ngày 19/1 (18/01)
- Đây chính là iPhone SE 4 khi ra ngoài đời thực? (18/01)