Tiếng Việt | English

28/06/2019 - 20:49

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, CPI tháng Sáu giảm 0,09%

‘Bình quân 6 tháng của năm 2019, CPI cả nước tăng 2,64% so với cùng kỳ năm 2018 và đây mức tăng bình quân 6 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm gần đây.’

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, CPI tháng Sáu giảm 0,09%

Tháng Sáu giá thịt lợn giảm vẫn 1,39% so với tháng trước. (Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Sáu đã giảm 0,09% so với tháng Năm và chỉ tăng 1,41% so với tháng 12/2018, theo công bố từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ngày 28/6.

Như vậy, bình quân 6 tháng của năm CPI tăng 2,64% so với cùng kỳ và là mức tăng bình quân thấp nhất trong 3 năm gần đây (năm 2017, 2018 lần lượt tăng 4,15% và 3,29%). Bên cạnh đó, lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng tăng 1,87% so cùng kỳ năm 2018.

Chủ động ứng phó tại các thời điểm

Theo vào Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê, kết quả trên đến từ sự chủ động điều hành của các cấp quản lý tại các thời điểm có sự biến động của giá xăng dầu, điện, nước, sách giáo khoa và giá dịch vụ y tế… hay nguồn cung gạo dồi dào, dịch tả lợn châu Phi và phải kể đến sự kiên định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.

Về chỉ số giá các nhóm hàng hóa so với tháng trước, 3/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có chỉ số giá giảm là giao thông tụt 1,73%, nhà ở và vật liệu xây dựng xuống 0,2%; bưu chính viễn thông lùi 0,1%.

Ngoài ra, có 8/11 nhóm ngành tăng giá, trong đó tăng lớn nhất là mặt hàng đồ uống và thuốc lá lên 0,33% và nhóm thuốc và dịch vụ y tế có mức tăng thấp nhất 0,05%.

Theo con số thống kê có được, tính đến ngày 25/6, dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại 60 tỉnh, thành đã khiến các đàn lợn phải tiêu hủy khoảng 2,82 triệu con (bằng 10% tổng đàn lợn cả nước), do vậy giá thịt lợn có giảm sâu vào các ngày đầu tháng Sáu nhưng sau đó tăng trở giữa tháng do thiếu hụt nguồn cung trên thị trường. Tuy nhiên tính cả tháng, giá thịt lợn giảm vẫn 1,39% so với tháng trước.

Ngoài ra, hiện là thời điểm thu hoạch của vụ lúa Đông Xuân khiến nguồn cung gạo ra thị trường dồi dào, song tình hình xuất khẩu gạo lại gặp phải một số khó khăn do nhu cầu tiêu thụ giảm ở hầu hết các thị trường và đặc biệt Trung Quốc đang thắt chặt hoạt động nhập khẩu gạo Việt Nam. Tổng cục Thống kê ước tính, 6 tháng đầu năm xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 3,38 triệu tấn, tương đương với 1,457 tỷ USD, giảm 2,88% về lượng và giảm 17,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Các yếu tố trên đã tác động làm giá gạo trong nước giảm 0,54% so với tháng trước đó.

Một số yếu tố khách quan khác cũng được bà Ngọc chỉ ra, mặt hàng gas trên thế giới giao dịch ở mức bình quân 422,5 USD/tấn, giảm 105 USD/tấn so với tháng Năm khiến giá gas trong nước giảm 8,79% về mức 33.000 đồng/bình 12 kg và góp phần giảm CPI chung 0,11%. Cộng thêm việc giá xăng dầu điều chỉnh giảm 2 lần trong tháng Sáu (ngày 1/6 và 17/6), đã tác động đến chỉ số giá nhóm giao thông lùi xuống 1,73% và góp phần giảm CPI chung 0,16%.

Giá vàng và tỷ giá đồng thuận tăng

Thị trường quốc tế trong tháng qua cho thấy, USD có xu hướng tăng giá khi nền kinh tế Mỹ có những tín hiệu tốt lên và những quan ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang.

Tuy nhiên, bà Ngọc cho biết, quan hệ cung-cầu ngoại tệ trong nước cơ bản vẫn ổn định nên tỷ giá chỉ tăng nhẹ 0,3%, hiện lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam duy trì ở mức dồi dào, cụ thể tỷ giá bình quân ở thị trường tự do quanh mức 23.400 VND/USD.

Thời điểm này, giá vàng đang có xu hướng đồng thuận đi lên cùng tỷ giá và tăng 1,98%, dao động quanh mức 3,73 triệu đồng/chỉ vàng SJC.

Phân tích về diễn biến trên, theo bà Ngọc, “giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới với bối cảnh căng thẳng chính trị ở khu vực Trung Đông, kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ cắt giảm lãi suất làm cho giá vàng thế giới tăng cao nhất trong 6 năm lại đây. Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 24/6 tăng 5,1% so với tháng Năm.”

Với những diễn biến  trên, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) của tháng này chỉ tăng 0,16% so với tháng trước đó và tăng 1,96% so với cùng kỳ và 6 tháng tăng 1,87% so với cùng kỳ năm 2018.

“Trong 6 tháng, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do việc tăng giá lương thực, thực phẩm và giá xăng dầu đồn thời phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định,” bà Ngọc nhấn mạnh./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết