Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng 5 đạt khoảng 6.800 tỉ đồng, tăng trên 16% so với tháng 4
Thời điểm này, các cửa hàng, quán ăn phục vụ nhu cầu ăn uống thu hút khách. Trong đó, đa số các điểm đông khách là các quán phục vụ thức ăn sáng, cơm trưa, cà phê, nước giải khát thuộc khu vực các phường: 1, 3, 4, 6,... (TP.Tân An). Chủ cửa hàng cơm tấm trên địa bàn phường 2 cho hay: “Quán cơm tấm của tôi đóng cửa gần 1 tháng để phòng, chống dịch Covid-19. Nay dịch bệnh được kiểm soát tốt ngoài cộng đồng nên tôi bán trở lại. Mấy ngày đầu mở cửa, khách chưa nhiều vì họ cũng ngại đến nơi đông người. Còn nay, khách đã trở lại bình thường như trước đây”.
Chị Minh Tuyết, khách hàng dùng cơm tấm, chia sẻ: “Cơm tấm tuy là món ăn đơn giản, bình dân nhưng để có được một dĩa cơm đầy đủ các loại thức ăn như ở quán phải thực hiện nhiều công đoạn, tốn nhiều thời gian. Những ngày giãn cách xã hội, các con tôi muốn dùng món này phải chuẩn bị khá cực. Nay quán ăn đã mở cửa trở lại nên tôi đưa các con đến dùng, thời gian còn lại dành cho công việc khác trong gia đình”.
Tương tự, tại nhiều điểm bán thức ăn sáng như phở, hủ tiếu, cháo,... thời điểm này luôn đông khách. Chủ quán phở trên địa bàn phường 2 nói: “Nếu như trước đây, quán bán đến hơn 9 giờ mới hết hàng thì thời điểm này chỉ hơn 8 giờ là hết. Nhiều khách hàng trở lại quán sau thời gian đóng cửa đều cho rằng “nhớ” hương vị phở tôi nấu vì tại nhà họ không thể chế biến giống được. Nhờ vậy, quán ngày nào cũng đông khách và có thu nhập ổn định sau mùa dịch bệnh”.
Đường Hùng Vương nối dài thuộc khu vực phường 6, TP.Tân An thời điểm này, nhất là buổi tối, các quán cà phê tấp nập khách, bàn ghế được kê dọc theo vỉa hè. Hình ảnh quen thuộc của khách hàng là nhâm nhi ly cà phê hay món mình yêu thích và trò chuyện, trao đổi cùng bạn bè. Minh - chủ một quán cà phê vui vẻ cho biết, những ngày giãn cách xã hội, quán thường bán online. Nay thì khác rồi, mọi người đã trở lại quán bình thường với không khí khá nhộp nhịp, tấp nập hơn. Minh chia sẻ thêm, những ngày giãn cách xã hội tuy bán online nhưng lượng khách đặt khá ít nên nhân viên đều được nghỉ. May mắn, quán cũng là nhà ở nên không phải mất chi phí thuê mặt bằng. Tuy hết cách ly, việc buôn bán trở lại bình thường nhưng Minh vẫn yêu cầu nhân viên nghiêm túc thực hiện phòng dịch bệnh bằng việc đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần với khách, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
Trái với hình ảnh khách hàng vào, ra tấp nập tại các quán ăn uống, các cửa hàng kinh doanh ngành hàng dịch vụ không thiết yếu như quần áo, giày dép, đồ gia dụng,… vẫn còn vắng khách. Nhân viên shop quần áo Anh Đào (phường 1, TP.Tân An) chia sẻ, thời điểm này của các năm trước, quần áo may sẵn bán khá đắt do bước vào kỳ nghỉ hè, mùa du lịch. Năm nay, ảnh hưởng dịch bệnh, hầu hết mọi người như công chức, công nhân, dân kinh doanh đều rơi vào cảnh khó khăn, giảm thu nhập nên ít tham gia các hoạt động du lịch dẫn đến vắng khách mua. Ngoài ra, do ảnh hưởng dịch bệnh, nguồn hàng hóa nhập về từ các nước khác khá khan hiếm.
Cùng chung cảnh ngộ với mặt hàng thời trang, các vật dụng trang trí nội thất là đồ gia dụng còn vắng khách mua. Chị Tâm, chủ cửa hàng trang trí nội thất trên đường Nguyễn Đình Chiểu (phường 3, TP.Tân An), cho biết, dịch bệnh khiến người dân gặp khó trong buôn bán, kinh doanh nên thắt chặt chi tiêu. Vì vậy, sau gần 1 tháng, mọi sinh hoạt trở lại bình thường nhưng hàng hóa vẫn còn vắng khách mua.
Thông tin từ Sở Công Thương, sau thời gian giãn cách xã hội, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống tăng trở lại và doanh thu tăng khoảng 26% so với tháng 4. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng 5 đạt khoảng 6.800 tỉ đồng, tăng 16,4% so với tháng 4, nhưng giảm 8,4% so cùng kỳ. Lũy kế, 5 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt khoảng 36.000 tỉ đồng, đạt 35,1% kế hoạch, giảm 2,7% so cùng kỳ./.
Mai Hương