Tiếng Việt | English

19/07/2019 - 16:05

Kiến Tường: Sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao còn khó về đầu ra

Đến nay, chương trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần tạo sản phẩm nông nghiệp chất lượng, nâng cao thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, đầu ra sản phẩm còn nhiều khó khăn.


Tập trung áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản

Hiệu quả bước đầu

Thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An hiện có 7.755ha lúa chất lượng cao, sản xuất 2 vụ/năm; trong đó có 3.350ha lúa ƯDCNC (xã Thạnh Hưng, Bình Hiệp, Tuyên Thạnh, Bình Tân và Thạnh Trị). Vụ Đông Xuân 2018-2019, thị xã triển khai thực hiện 2 mô hình điểm tại xã Thạnh Hưng và Tuyên Thạnh, diện tích 100ha, có 33 hộ dân tham gia. Qua đánh giá kết quả thực hiện mô hình, đa số người dân bắt đầu thay đổi tập quán canh tác, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng giống lúa xác nhận, giảm lượng giống...Từ đó, lợi nhuận cao hơn bên ngoài từ 3-4 triệu đồng/ha.Thị xã phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 2.500ha lúa ƯDCNC.

Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường - Đặng Thành Long, việc sản xuất lúa ƯDCNC không tốn nhiều công sức, giảm được lượng phân bón, thuốc trừ sâu, giống nên kéo giảm giá thành, tăng lợi nhuận. 

Ông Võ Thành Hiệp, ngụ ấp Sồ Đô, xã Thạnh Hưng, cho biết: “Khi tham gia thực hiện mô hình, nông dân áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất (gieo sạ thưa, áp dụng quy trình “1 phải, 6 giảm”, cơ giới hóa trong thu hoạch,...). Nhờ đó, chi phí sản xuất giảm 2-3 triệu đồng/ha, tăng hiệu quả kinh tế”.

Bên cạnh vận động người dân tham gia các mô hình sản xuất lúa ƯDCNC, thị xã Kiến Tường còn tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đến nay, toàn thị xã xây dựng được 52 ô đê bao khép kín với tổng diện tích 10.411ha, trong đó, gần 100% diện tích trong vùng quy hoạch có đê bao, 100% diện tích được bơm tưới chủ động với 5 trạm bơm điện và 46 công trình thủy lợi. Việc sản xuất, nhân giống các giống lúa chất lượng cao được các ngành chuyên môn đặc biệt quan tâm.

Đến nay, thị xã Kiến tường có 3.350ha lúa đang ứng dụng công nghệ cao

Còn khó về đầu ra

Bên cạnh những kết quả bước đầu trong thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, quá trình thực hiện còn một số khó khăn: Một số nông dân còn quen với tập quán sản xuất cũ, chưa mạnh dạn áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, đầu ra sản phẩm chưa ổn định,...

Chủ tịch UBND xã Thạnh Hưng - Lê Minh Dũng cho biết: Địa phương quy hoạch, triển khai thực hiện 1.265ha lúa ƯDCNC, thời gian qua thực hiện được 8 mô hình điểm với diện tích 360ha. Nhìn chung, nông dân sản xuất trong mô hình đều áp dụng khoa học - kỹ thuật, từ đó giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, đầu ra sản phẩm còn gặp khó khăn, chỉ có khoảng 30% diện tích lúa ƯDCNC được doanh nghiệp bao tiêu.

Vụ lúa Hè Thu 2019, toàn thị xã xuống giống được 14.616ha. Đến thời điểm hiện tại, thu hoạch trên 2.800ha, năng suất từ 5,5-6 tấn/ha, còn trên 11.700ha trong giai đoạn trổ, chín, nông dân tích cực chăm sóc. Hiện giá lúa giảm mạnh, dao động từ 4.500-5.000 đồng/kg tùy từng loại giống, nông dân có lợi nhuận không cao, thậm chí huề hoặc lỗ vốn.
Ông Võ Văn Điệu, ngụ ấp Bắc Chan 2, xã Tuyên Thạnh, chia sẻ: Sản xuất lúa ƯDCNC bước đầu mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, đây là mô hình điểm, diện tích còn ít nên khi nhân rộng, Nhà nước phải quan tâm hỗ trợ đầu ra cho nông dân. Có như vậy mới thu hút được đông đảo nông dân tham gia các mô hình.

Để thực hiện thành công chương trình vùng lúa chất lượng cao và ƯDCNC, địa phương phải tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ các dự án, chương trình của tỉnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp. Tăng cường hoạt động liên kết, hợp tác với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, góp phần tạo ra những sản phẩm có giá trị cao, tăng thu nhập cho nông dân./.

Tuấn Hùng

Chia sẻ bài viết