Tiếng Việt | English

15/05/2017 - 10:33

Kiểm soát chặt chẽ các chất thải trong khu, cụm công nghiệp

Việc kiểm soát chất thải trong khu, cụm công nghiệp (K,CCN) luôn được các cấp, các ngành chú trọng thực hiện. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm còn xảy ra ở một vài nơi trên địa bàn tỉnh Long An. Vì vậy, cần siết chặt hơn nữa việc kiểm soát chất thải trong K,CCN nhằm bảo vệ môi trường, tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy KT- XH phát triển.

Thực hiện chưa nghiêm

Mặc dù đi vào hoạt động trên 10 năm nhưng đến nay, CCN Hoàng Gia (xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa) vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải (XLNT) tập trung. Điều đó không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.

Hệ thống xử lý nước thải được đầu tư hiện đại nhằm đáp ứng việc xử lý theo quy định (trong ảnh: Hệ thống xử lý nước thải của Khu công nghiệp Thuận Đạo)

Nhiều năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nhiều lần làm việc với chủ đầu tư CCN Hoàng Gia yêu cầu nhanh chóng lắp đặt hệ thống XLNT tập trung cho toàn cụm và thực hiện nghiêm túc việc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hệ thống XLNT tại đây vẫn “nằm im”, chưa thể đưa vào vận hành. Được biết, toàn CCN Hoàng Gia hiện có khoảng 60 doanh nghiệp hoạt động có phát sinh chất thải, lượng nước thải trên 600m3/ngày đêm.

Còn tại CCN tự phát (thường gọi tên là CCN Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa), đang được kiểm tra, chỉnh trang lại quy hoạch để tạo môi trường cảnh quan trong khu vực. Điều đáng nói, trước đây, cụm này được cho chủ trương quy hoạch với tên gọi CCN Trung Thành Phát nhưng không biết vì lý do gì mà đến nay không có chủ đầu tư hạ tầng, không có hệ thống XLNT tập trung,...

Ông Trần Văn T., người dân sống gần khu vực cho biết: "Chúng tôi nhiều lần phản ánh về tình trạng các doanh nghiệp hoạt động tại đây gây ô nhiễm nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để”.

Lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Đức Hòa xác nhận, thời gian qua, nhiều người dân phản ánh tình trạng ô nhiễm tại CCN Đức Hòa Đông, phía huyện đang tích cực phối hợp các ngành của tỉnh kiểm tra, chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên.

Siết chặt quản lý, kiểm soát 

Các K,CCN phải có hệ thống XLNT theo đúng tiêu chuẩn và quy định của Chính phủ. Một số doanh nghiệp xây dựng hệ thống XLNT riêng phải được Bộ TN&MT cấp phép nhưng dưới sự kiểm tra, giám sát, quản lý của các ngành chức năng mà trực tiếp là sở TN&MT mỗi tỉnh.

Ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục xảy ra tại một số cụm công nghiệp trên địa bàn
Bên cạnh đó, các chất thải khác như rác thải công nghiệp, nguy hại, sinh hoạt,... chủ đầu tư hạ tầng và doanh nghiệp thứ cấp hoạt động trong các K,CCN bắt buộc ký hợp đồng thu gom với các đơn vị có đủ chức năng để vận chuyển và xử lý theo quy định.

Tại KCN Thuận Đạo (huyện Bến Lức) do Công ty Cổ phần KCN Đồng Tâm làm chủ đầu tư, công tác bảo vệ môi trường được thực hiện nghiêm túc. Theo Ban Điều hành KCN Thuận Đạo, việc kiểm soát các chất thải, đặc biệt là nước thải và các rác thải nguy hại được chú trọng. Toàn KCN có 4 điểm xả thải ra rạch Rạch Chanh, các hệ thống XLNT chịu sự giám sát trực tiếp của KCN, Ban Quản lý Khu kinh tế và Sở TN&MT. Tất cả hệ thống XLNT trên đều được khu trang bị trạm quan trắc tự động để truyền tải dữ liệu về Sở TN&MT theo dõi 24/24 từ cuối năm 2015.

Mặt khác, định kỳ 3 tháng, KCN báo cáo kết quả xử lý nước thải, 6 tháng báo cáo tình hình xử lý rác thải về Sở TN&MT. Đồng thời, các chất thải, KCN có ký kết hợp đồng với đơn vị đủ chức năng thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý theo đúng quy định.

Được biết, giai đoạn 1 của KCN Thuận Đạo có hệ thống XLNT, cấp phép vận hành với công suất thiết kế 4.000m3/ngày đêm, trong đó, hệ thống XLNT dành riêng cho nhà đầu tư ChingLuh công suất 3.700m3/ngày đêm (nước thải sau xử lý đạt cột A, QCVN40:2011/BTNMT), còn lại hệ thống XLNT công suất 300m3/ngày đêm cho các nhà đầu tư thứ cấp khác.

Giai đoạn 2, hệ thống XLNT được cấp phép vận hành với công suất thiết kế 10.000m3/ngày đêm, trong đó, hệ thống XLNT dành riêng cho nhà đầu tư Huafu công suất 6.000m3/ngày đêm đi vào hoạt động từ đầu năm 2016 (nước thải sau xử lý đạt cột A, QCVN40:2011/BTNMT và QCVN 13-MT:2015/BTNMT) và hệ thống XLNT công suất 4.000m3/ngày đêm dành cho các nhà đầu tư thứ cấp khác. Hiện, giai đoạn 2, nhà máy xử lý vận hành thực tế công suất 2.500m3/ngày đêm, riêng nhà máy của Huafu vận hành công suất khoảng 2.000m3/ngày đêm.

Toàn KCN có lắp đặt 3 trạm quan trắc tự động nước thải đầu ra truyền dữ liệu tự động về sở, trong đó, 1 trạm quan trắc cho các hệ thống XLNT tập trung và 2 trạm quan trắc cho hệ thống XLNT dành riêng cho đầu tư Huafu. 1 trạm do Huafu đầu tư bên trong kết nối truyền dữ liệu trực tiếp về Sở TN&MT và 1 trạm do khu đầu tư đặt bên ngoài nhằm tăng cường tần suất giám sát nước thải của nhà đầu tư Huafu.

Giám đốc Sở TN&MT - Phan Nhân Duy cho biết: Công tác bảo vệ môi trường trong các K,CCN luôn được ngành chú trọng thực hiện, đặc biệt trong việc kiểm soát chặt chẽ các chất thải. Ngành luôn có kế hoạch tăng cường kiểm soát môi trường của các đơn vị hoạt động trong K,CCN. Sở hướng dẫn các đơn vị phân loại các chất thải, dán nhãn theo quy định đối với các loại rác thải nguy hại, tìm các đơn vị có đủ chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý và cam kết XLNT đúng theo hồ sơ môi trường được cấp phép.

Lắp đặt trạm quan trắc tự động góp phần giám sát, kiểm soát việc xử lý nước thải tại khu, cụm công nghiệp (ảnh chụp tại trạm quan trắc của Khu công nghiệp Thuận Đạo)

Bên cạnh đó, sở có văn bản yêu cầu các K,CCN hoạt động trên địa bàn lắp đặt trạm quan trắc tự động để truyền tải dữ liệu 24/24 về sở theo dõi. Các trường hợp vi phạm tiến hành xử phạt và bắt buộc phải có biện pháp khắc phục hậu quả, nếu chây ì, ngành kiến nghị tỉnh có biện pháp xử lý phù hợp theo thẩm quyền. Thời gian tới, sở tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm soát chất thải, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm để có biện pháp xử lý, bảo đảm an toàn môi trường trong K,CCN trên địa bàn.

Riêng đối với CCN Hoàng Gia, tỉnh có chủ trương hỗ trợ, phối hợp chủ đầu tư kêu gọi đầu tư vào quỹ đất còn lại trong cụm. Số tiền thu được dùng vào việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhà máy XLNT tập trung cho toàn cụm. Hiện, quỹ đất này phía chủ đầu tư đạt thỏa thuận với đơn vị bên ngoài, các bên đang hoàn thiện các thủ tục liên quan để tiến hành giải quyết dứt điểm tình trạng trên.

Đối với CCN tự phát tại xã Đức Hòa Đông, sở giao cho thanh tra sở phối hợp ngành liên quan tiến hành kiểm tra, giám sát về thủ tục liên quan để có hướng giải quyết phù hợp trong thời gian sớm nhất - ông Duy thông tin thêm.

Thanh tra Sở TN&MT phối hợp các ngành liên quan tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với 20 đơn vị (trong đó, 18 đơn vị đang hoạt động sản xuất, 2 đơn vị ngừng sản xuất, tính đến ngày 20/4/2017) trên địa bàn ấp 5, xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa (theo chủ trương quy hoạch CCN Trung Thành Phát trước đây), ghi nhận 7 đơn vị thực hiện lập thủ tục môi trường, 11 đơn vị chưa thực hiện.

Về xử lý nước thải, có 12 đơn vị phát sinh nước thải sinh hoạt ít 1-3m3/ngày đêm được xử lý bằng bể tự hoại, sau đó thoát ra kênh 1, ấp 5, xã Đức Hòa Đông; 6 đơn vị xả nước thải trực tiếp từ quá trình sản xuất ra môi trường. Về xử lý khí thải, có 7 đơn vị không phát sinh khí thải công nghiệp trong quá trình sản xuất, 11 đơn vị thải khí thải trực tiếp ra môi trường./.

 

Đức Minh

Chia sẻ bài viết