Tiếng Việt | English

19/01/2025 - 15:12

Không ngừng làm sâu sắc hiểu biết, giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và Trung Quốc

Học giả Trung Quốc cho biết tình hữu nghị Việt-Trung được các nhà lãnh đạo đầu tiên của hai Đảng, hai nước vun đắp, đã vượt qua thử thách của chiến tranh và là tình hữu nghị trường tồn.

Tiết mục “Tình hữu nghị Việt Nam-Trung Hoa” do tập thể nghệ sỹ hai nước Việt Nam-Trung Quốc biểu diễn hồi tháng Năm năm ngoái tại Trường đảng Thành ủy Bắc Kinh (Ảnh: Thành Dương/TTXVN)

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc (18/1/1950-18/1/2025) và “Năm giao lưu Nhân văn Việt Nam-Trung Quốc,” phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc) đã có cuộc trao đổi với Giáo sư-Tiến sỹ Thành Hán Bình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam, Đại học Công nghiệp Chiết Giang, về kết quả nổi bật trong quan hệ giữa hai nước thời gian qua, cũng như tiềm năng hợp tác song phương tới đây.

Đánh giá về lịch sử quan hệ hai nước trong 75 năm qua, Giáo sư Thành Hán Bình cho biết tình hữu nghị Trung Quốc-Việt Nam được các nhà lãnh đạo đầu tiên của hai Đảng, hai nước vun đắp, đã vượt qua thử thách của chiến tranh và là tình hữu nghị trường tồn.

Vào thời điểm đó, những nhà lãnh đạo đầu tiên của hai Đảng đã cùng nhau làm việc, ủng hộ và động viên lẫn nhau để tìm ra chân lý cách mạng và viết nên một chương lịch sử bất hủ.

Vào cuối thế kỷ trước, lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam đã cùng nhau đưa ra phương châm “16 chữ,” đặt nền móng cho tình hữu nghị Trung-Việt trong thế kỷ mới.

Từ đầu thế kỷ 21 đến nay, trước những biến động và thay đổi chưa từng có trên thế giới cũng như ở khu vực, hai Đảng Cộng sản Trung Quốc và Việt Nam luôn có thể phán đoán tình hình và cùng nhau hoạch định quan hệ hữu nghị giữa hai nước, định vị đại cục quan hệ song phương là hữu nghị, hợp tác và cùng có lợi, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước; quản lý và kiểm soát hiệu quả các bất đồng và tranh chấp trên biển.

Giáo sư-Tiến sỹ Thành Hán Bình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam, Đại học Công nghiệp Chiết Giang (Ảnh: TTXVN phát)

Giáo sư Thành Hán Bình cho rằng những năm gần đây, lãnh đạo cấp cao Trung Quốc và Việt Nam tiến hành các chuyến thăm lẫn nhau thường xuyên, giao lưu các cấp rất sâu rộng, hợp tác kinh tế thương mại liên tục có những đột phá mới.

“Kỷ nguyên mới” do Tổng Bí thư Tô Lâm đề ra hoàn toàn kết nối với chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và hiện đại hóa kiểu Trung Quốc, có tính bổ sung cho nhau, phản ánh lợi ích chung giữa hai nước xã hội chủ nghĩa vượt xa sự khác biệt, và hai nước là cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược.

Giáo sư Thành Hán Bình khẳng định quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia phụ thuộc vào tình hữu nghị và sự gắn bó giữa người dân hai nước.

Hai bên phải thúc đẩy mạnh mẽ ngoại giao nhân dân, để làm sâu sắc thêm sự hiểu biết và mở rộng giao lưu giữa nhân dân giữa hai nước, đặc biệt là giữa thanh niên, đây chính là nền tảng vững chắc của tình hữu nghị lâu dài giữa hai nước.

Về lĩnh vực hợp tác tiềm năng trong thời gian tới, Giáo sư Thành Hán Bình cho rằng, đó chính là xây dựng cơ sở hạ tầng.

Cơ sở hạ tầng của Việt Nam hiện còn hạn chế, trong khi Trung Quốc lại có lợi thế kỹ thuật và chuyên môn về lĩnh vực này như xây dựng đường sắt tiêu chuẩn xuyên biên giới và đường sắt cao tốc Bắc-Nam của Việt Nam.

Thứ hai, thị trường Trung Quốc có nhiều dư địa phát triển và rất hấp dẫn đối với Việt Nam. Trung Quốc có dân số 1,4 tỷ người, là một thị trường khổng lồ. Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng và đây là điều kiện thuận lợi và ưu thế lớn cho Việt Nam.

Ngoài ra, trong bối cảnh khủng hoảng Biển Đỏ và xung đột Trung Đông, tuyến đường sắt Trung Quốc-châu Âu cũng mang lại sự thuận tiện về kinh tế và thương mại cho Việt Nam.

Việt Nam có thể tránh được rủi ro hàng hải và rút ngắn thời gian vận chuyển bằng đường biển thông qua tuyến đường sắt này…/.

Theo Vietnam+

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/khong-ngung-lam-sau-sac-hieu-biet-giao-luu-nhan-dan-giua-viet-nam-va-trung-quoc-post1008222.vnp

Chia sẻ bài viết