Tiếng Việt | English

20/07/2018 - 10:08

Không chi ngân sách để hỗ trợ mua máy vớt lục bình

Trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh - Đặng Thị Ngọc Mai (đơn vị huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) tại kỳ họp lần thứ 10, HĐND tỉnh khóa IX vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần cho rằng, tỉnh không chi ngân sách để hỗ trợ mua máy vớt lục bình.

Giải thích với các đại biểu và cử tri, Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Trần Văn Cần nhấn mạnh, Sở Khoa học và Công nghệ triển khai đề tài ứng dụng phương tiện cơ giới vào việc vớt, diệt lục bình. Tuy nhiên, do máy vớt lục bình quá đắt (trên 2,5 tỉ đồng), trong khi phạm vi ứng dụng không rộng, hiệu quả mang lại không cao nên sau thời gian cân đối, vấn đề này không phù hợp với khả năng đầu tư ngân sách của tỉnh.

Trước đây, Sở Khoa học và Công nghệ “khai tử” máy vớt lục bình hơn 3 tỉ đồng vì khi nghiệm thu máy bị nghiêng và không băm nhỏ được lục bình

UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, nhất là Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tiếp tục nghiên cứu sâu đề tài máy vớt, diệt lục bình, có so sánh với các phương tiện cơ giới khác để đánh giá hiệu quả, tính khả thi của đề tài trong thời gian tới.

Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ nhiệm vụ quản lý các công trình thủy lợi và sông, rạch, chủ động huy động các nguồn lực để vớt, diệt lục bình đối với các công trình thuộc cấp huyện quản lý. Năm 2018 và những năm tiếp theo, cấp huyện, xã phải huy động các phương tiện, lực lượng trục vớt lục bình trên sông, kênh, rạch, bảo đảm tưới, tiêu, giao thông thủy và môi trường. Điều này đồng nghĩa với việc trục vớt lục bình hiện nay do địa phương phối hợp người dân xử lý, tỉnh không hỗ trợ ngân sách.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần còn thông tin thêm, gần đây, tỉnh tiếp nhận và làm việc với 2 công ty đầu tư nhà máy chế biến cây lục bình trên địa bàn. Nhà máy xây dựng xong sẽ góp phần giải quyết vấn nạn lục bình từ nhiều năm qua. UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm đầu mối để hỗ trợ công ty và phía đối tác, liên hệ các sở, ngành chức năng, địa phương khảo sát, thu thập thông tin, phục vụ công tác lập dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cây lục bình trong thời gian tới.

3 năm trước, lục bình tràn ngập trên kênh, rạch, gây khó khăn cho giao thông thủy nên Sở KH&CN ký hợp đồng với một đơn vị chế tạo máy vớt lục bình tại TP.HCM với kinh phí hơn 3 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi nghiệm thu, máy bị nghiêng và không băm nhỏ được lục bình nên sở phải tìm đối tác khác. Khoảng một năm trước, Sở KH&CN tiếp tục đề xuất tỉnh mua máy vớt, băm nhỏ lục bình.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh cho biết, vấn nạn lục bình là vấn đề bức xúc hiện nay. Thời gian qua, tỉnh có nhiều biện pháp xử lý: Giới thiệu một số nhà khoa học đến tận nơi nghiên cứu, xử lý lục bình bằng cách ứng dụng máy vớt lục bình, băm nhỏ,... nhưng hiệu quả không cao. Vấn nạn lục bình vẫn tái diễn. Vì vậy, thời gian tới, ông đề nghị cần có sự tham gia của chính quyền địa phương, các đoàn thể, nhất là những người dân sống dọc những tuyến kênh, rạch phải tham gia diệt lục bình, không nên trông chờ vào nguồn ngân sách tỉnh./.

Nguyệt Nhi - Kỳ Nam

Chia sẻ bài viết