Tiếng Việt | English

16/10/2024 - 12:53

Khơi dậy sự sáng tạo của trẻ qua các hoạt động workshop

Những ngày cuối tuần trở nên thú vị khi những workshop đặc biệt dành riêng cho trẻ em được tổ chức, thu hút sự tham gia của nhiều gia đình. Từ việc sáng tạo với bột bánh trong không gian nhà bếp đến các hoạt động thủ công mang tính giáo dục, mỗi workshop đều mang đến trải nghiệm mới lạ, kích thích sự sáng tạo và phát triển kỹ năng mềm cho các em.

Trải nghiệm làm gốm

Gốm Coffee, một không gian nghệ thuật độc đáo giữa lòng thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An sôi động với tiếng cười và những cuộc trò chuyện rôm rả của các gia đình và bạn trẻ vào những ngày cuối tuần.

Dưới mái ngói cổ kính, mọi người háo hức tham gia các hoạt động làm gốm, từ việc nặn hình thù ngộ nghĩnh đến trang trí những sản phẩm thủ công. Nơi đây không chỉ là điểm đến của những tâm hồn yêu nghệ thuật mà còn là chốn gắn kết tình cảm gia đình.

Chị Minh Thoa đưa con đến tham gia workshop chia sẻ: "Tôi rất thích những hoạt động như thế này. Nó không chỉ giúp trẻ phát huy sự sáng tạo mà còn mang đến cơ hội để gia đình trải nghiệm những khoảnh khắc đáng nhớ cùng nhau".

Cậu bé Bi - con trai chị Minh Thoa, hứng khởi: "Con thích nhất là nặn đất sét thành những con vật mình yêu thích. Mẹ sẽ cùng con sơn màu cho chúng, tạo ra những sản phẩm thật đặc biệt".

Gia đình chị Minh Thoa cho con tham gia hoạt động workshop nhằm phát triển sự sáng tạo và gắn kết tình thân

Gốm Coffee thường xuyên tổ chức các buổi học chuyên sâu dành riêng cho trẻ em, nơi các bé được hướng dẫn tận tình bởi những nghệ nhân có kinh nghiệm. Anh Huỳnh An Khang - quản lý Gốm Coffee, cho biết: "Chúng tôi không chỉ mong muốn tạo ra một không gian làm gốm mà còn khuyến khích mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ tìm hiểu và yêu thích nghệ thuật. Điều này sẽ giúp các em phát triển kỹ năng, tư duy sáng tạo".

Chị Phương Dung - giáo viên Trường Hội nhập Quốc tế iSchool Long An, cũng thường xuyên đưa học sinh đến Gốm Coffee. Chị Dung nhận xét: "Đây là nơi tuyệt vời để trẻ em khám phá nghệ thuật và học cách làm việc nhóm. Khi làm gốm, các em không chỉ học hỏi mà còn tự tin hơn. Những kỷ niệm khó quên cùng bạn bè được hình thành qua từng sản phẩm tạo ra tại đây".

Kết nối tình thân

Gốm Coffee mang đến không chỉ một buổi học mà còn là một trải nghiệm sống động. Từ trẻ em đến người lớn đều có thể tìm thấy niềm vui và sự sáng tạo trong từng sản phẩm mình tạo ra. Đây thực sự là một điểm đến không thể bỏ lỡ cho những ai muốn kết nối với nghệ thuật và gia đình. Tại đây, cha mẹ và các con không chỉ tạo ra những vật dụng gia đình độc đáo mà còn cùng nhau trò chuyện, sẻ chia những câu chuyện ấm áp, giúp các em gần gũi hơn với cha mẹ và phát triển tư duy sáng tạo.

Nhân viên hỗ trợ khách hàng trong suốt quá trình làm gốm

Bên cạnh làm gốm thủ công, nhiều phụ huynh lựa chọn không gian bếp nhỏ - một nơi tràn ngập niềm vui, nơi mà sự sáng tạo của bé được khơi gợi từ những viên bột và màu sắc trang trí. Chị Tuyết Anh cùng con gái 8 tuổi của mình - Hà Linh, đã có những giây phút thật đáng nhớ trong lớp học làm bánh ở TP.Tân An vào cuối tuần.

"Ban đầu, tôi nghĩ việc này chỉ là một trò vui đơn giản cho bé nhưng không ngờ lại mang đến nhiều lợi ích như vậy. Bé không chỉ thích thú khi nhào nặn bột mà còn thể hiện khả năng sáng tạo ngoài mong đợi. Cách con kết hợp màu sắc và trang trí bánh khiến tôi thật sự bất ngờ" - chị Tuyết Anh hào hứng nói khi nhìn con gái cẩn thận trang trí cho những chiếc bánh nhỏ xinh.

Hoạt động làm bánh không chỉ mang lại niềm vui đơn thuần mà còn giúp phát triển trí tưởng tượng và sự khéo léo của trẻ. Mỗi chiếc bánh là một tác phẩm thể hiện cá tính và gu thẩm mỹ của các bé, đồng thời cũng là "cầu nối" gắn kết tình cảm gia đình.

Chị Tuyết Anh chia sẻ: "Trong lúc làm bánh, tôi cảm nhận được sự gắn kết nhiều hơn với con. Ở nhà, bé ít chia sẻ với mẹ nhưng khi cùng nhau thực hiện những công đoạn trong buổi làm bánh, chúng tôi có những khoảnh khắc đáng nhớ".

Điều đặc biệt ở buổi làm bánh này là mọi nguyên liệu được chuẩn bị sẵn, cho phép các bé tự do thử nghiệm các ý tưởng của mình mà không lo ngại về kỹ thuật. Từ việc nhào bột, tạo hình cho đến trang trí, Hà Linh đã có dịp rèn luyện kỹ năng khéo léo, học được tính kiên nhẫn và tập trung. Nhìn những chiếc bánh do con tự tay làm ra, chị Tuyết Anh vui và tự hào.

Các em nhỏ rất thích thú khi tự tay làm ra một chiếc bánh

Không chỉ dừng lại ở việc sáng tạo, workshop này còn góp phần gắn kết các thành viên trong gia đình. Sau những giờ phút cùng nhau cười nói và trang trí bánh, gia đình chị Tuyết Anh đã có dịp ngồi lại thưởng thức thành quả là những chiếc bánh thơm ngon, được tạo nên từ tình yêu thương và sự sáng tạo của con trẻ./.

Quế Lâm - Phương Thảo

Chia sẻ bài viết