Tiếng Việt | English

07/08/2023 - 15:47

Khoảng 460 triệu trẻ em ở Nam Á phải đối mặt nắng nóng khắc nghiệt

UNICEF ước tính rằng 76% trẻ em dưới 18 tuổi ở Nam Á - tương đương 460 triệu em - phải tiếp xúc với nhiệt độ cực cao, đồng nghĩa cứ 4 trẻ em ở Nam Á thì có 3 trẻ đã phải tiếp xúc với nhiệt độ cực cao.


Ảnh minh họa (Nguồn: AFP)

Ngày 7/8, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo khoảng 75% số trẻ em ở Nam Á đang phải đối mặt nhiệt độ cao ở mức nguy hiểm, mức cảnh báo cao nhất trên toàn thế giới, trong bối cảnh những tác động của biến đổi khí hậu đang gia tăng rõ rệt.

UNICEF ước tính rằng 76% trẻ em dưới 18 tuổi ở Nam Á - tương đương 460 triệu em - phải tiếp xúc với nhiệt độ cực cao. Điều này đồng nghĩa cứ 4 trẻ em ở Nam Á thì có 3 trẻ đã phải tiếp xúc với nhiệt độ cực cao.

Trong khi đó, xét trên toàn cầu, tỷ lệ trẻ em chịu ảnh hưởng ở mức độ này là 32%. Theo UNICEF, trẻ em ở Afghanistan, Bangladesh, Ấn Độ, Maldives và Pakistan có "nguy cơ vô cùng cao" trước tác động của biến đổi khí hậu, khi có hơn 83 ngày trong một năm nhiệt độ ở mức 35 độ C.

Theo các chuyên gia, trẻ em không thể thích ứng nhanh với sự thay đổi nhiệt độ và không biết cách giảm nhiệt cho cơ thể. Giám đốc phụ trách khu vực Nam Á của UNICEF Sanjay Wijesekera nhấn mạnh trong bối cảnh toàn cầu như đang bị nung nóng, những dữ liệu trên cho thấy rõ ràng rằng cuộc sống và sức khỏe của hàng triệu trẻ em trên khắp Nam Á đang ngày càng bị đe dọa do các đợt nắng nóng và nhiệt độ tăng cao.

Ông Wijesekera nêu rõ: “Chúng ta cần hành động ngay bây giờ, nếu không những em nhỏ này sẽ tiếp tục phải gánh chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của những đợt nắng nóng ngày một thường xuyên hơn và khắc nghiệt hơn trong những năm tới."

Kể từ cuối những năm 1800, nhiệt độ toàn cầu đã tăng khoảng 1,2 độ C, chủ yếu do con người sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Điều này đã khiến cho các đợt nắng nóng trở nên khắc nghiệt hơn, kéo dài hơn và diễn ra với tần suất thường xuyên hơn, cũng như làm gia tăng các điều kiện thời tiết cực đoan khác như bão và lũ lụt.

Tháng 7 vừa qua là tháng nóng nhất từng được ghi nhận trên toàn cầu, với sức nóng thiêu đốt gia tăng do sự nóng lên toàn cầu, ảnh hưởng đến hàng chục triệu người sống tại các khu vực thuộc châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ.

Các nhà khoa học cho biết thế giới sẽ cần phải thích nghi với sức nóng và các tác động khác do biến đổi khí hậu gây ra. Giới chuyên gia cũng kêu gọi thế giới cần cắt giảm đáng kể lượng khí thải carbon - tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu - trong thập kỷ này để ngăn chặn những điều tồi tệ hơn xảy đến trong tương lai./.

Thanh Phương (TTXVN/Vietnam+)

Chia sẻ bài viết