Tiếng Việt | English

22/01/2018 - 17:00

Khi nông dân sáng tạo...

Với sản phẩm máy phun vôi Đức Thịnh, nông dân Trần Trọng Đức (thường gọi Chín Đức) ngụ ấp An Hòa 1, xã Bình An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An vinh dự đại diện cho nông dân tỉnh Long An dự Hội nghị “Nông dân có sáng chế, sáng kiến tiêu biểu toàn quốc”, được Chủ tịch nước - Trần Đại Quang trao tặng kỷ niệm chương, ảnh Bác Hồ và bằng khen.

Sáng tạo trong lao động

Bao năm lam lũ trồng lúa, ông Đức hiểu, sâu, bệnh và phèn làm giảm năng suất, sản phẩm làm ra khó được thị trường chấp nhận vì dư lượng thuốc trừ sâu quá cao. Ông Đức tâm sự: “Gia đình tôi canh tác gần 1ha đất lúa 2 vụ. Dù được cải tạo nhiều năm nhưng lượng phèn trong đất còn cao. Mặt khác, do thói quen sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nên đất ngày càng bạc màu, sâu, bệnh phát sinh; hàng năm, nông dân tốn chi phí cho phân, thuốc rất lớn”.

Bộ phận quan trọng của máy phun vôi

Biết về cơ khí, ông mày mò, chế tạo máy phun vôi phục vụ sản xuất. Qua 3 mùa vụ liên tiếp thử nghiệm, sử dụng vôi thay thuốc BVTV, đất không bị bạc màu, sâu, bệnh giảm hẳn; năng suất lúa tăng lên, chi phí giảm. Anh Trần Thành Thuận - nông dân ấp An Hòa 1, canh tác 3ha lúa, phấn khởi: “Ở vùng này, đa số nông dân đều sử dụng máy phun vôi của ông Chín Đức vì vừa khử phèn, vừa ngăn sâu, bệnh phát triển”.

Theo ước tính của đa số nông dân, nếu sử dụng máy phun vôi thì 1ha lúa tiết kiệm được từ 5-7 triệu đồng. Ngoài lúa, nông dân trồng bất cứ cây gì cũng có thể sử dụng máy phun vôi của ông Chín Đức hiệu quả, nhất là các loại cây ăn trái: Xoài, bưởi, ổi, mãng cầu, bơ,... Máy phun vôi còn được nông dân sử dụng diệt ruồi, muỗi, xử lý ao nuôi trồng thủy sản,...

Tiếng vang thương hiệu

Hiện, ông Đức thành lập Công ty TNHH Trần Trọng Đức, có 2 cơ sở sản xuất máy phun vôi nhãn hiệu Đức Thịnh tại xã Bình An, huyện Thủ Thừa. Ông kể: “Tôi bắt đầu có ý tưởng sản xuất máy phun vôi để bán ra thị trường từ năm 2012 sau khi thử nghiệm thành công trên 8.000m2 ruộng nhà. Tuy nhiên, lúc đầu, đầu ra sản phẩm gặp khó khăn, nhiều nông dân chưa tin dùng vì quen sử dụng phân, thuốc BVTV”. Đến năm 2015, ông Đức mới bán được những sản phẩm đầu tiên, năm 2016, bán gần 1.000 máy với giá trung bình 3,5 triệu đồng/máy. Năm 2017, ông sáng tạo thêm máy “3 trong 1”, vừa phun vôi vừa gieo sạ, tưới nước,... Khách hàng của ông khắp cả 3 miền, ngoài ra còn có đơn đặt hàng từ Campuchia, Cộng hòa Sec,...

Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ Long An hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bản quyền sáng tạo máy phun vôi Đức Thịnh. Ông Đức phấn khởi: “Dự định năm 2018, chúng tôi hợp tác với doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và nông nghiệp an toàn, nhất là sản xuất lúa hữu cơ (chỉ sử dụng phân bón hữu cơ và không sử dụng thuốc BVTV). Hiện nay, doanh nghiệp ký kết cung cấp máy phun vôi cho nông dân trong vùng sản xuất lúa hữu cơ tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười”.

Anh Nguyễn Duy Linh - đại diện Cty TNHH Phân bón cao cấp Winvintex TP.Cần Thơ, rất tâm đắc với máy phun vôi của ông Chín Đức, chia sẻ: “Chúng tôi mua 20 máy phun vôi hiệu Đức Thịnh, hướng dẫn nông dân trong vùng sản xuất lúa an toàn sử dụng, tiết kiệm chi phí rất nhiều, đồng thời có tác dụng cải tạo đất. Sắp tới, chúng tôi tiếp tục phát triển vùng lúa an toàn ở Long An, khuyến khích nông dân sử dụng máy phun vôi trong canh tác lúa hữu cơ.”

Nếu áp dụng đúng quy trình, từ khâu làm đất đến thu hoạch, nông dân chỉ cần sử dụng vôi bột, phun theo đúng hướng dẫn của nhà phân phối thì không phải sử dụng bất cứ loại thuốc BVTV nào khác. Như vậy, sản phẩm máy phun vôi được xem là khâu đột phá trong sản xuất lúa hữu cơ - ông Đức cho biết./.

Nếu áp dụng đúng quy  trình, từ khâu làm đất đến thu hoạch, nông dân chỉ cần sử dụng vôi bột, phun theo đúng hướng dẫn của nhà phân phối thì không phải sử dụng bất cứ loại thuốc BVTV nào khác. Như vậy, sản phẩm máy phun vôi được xem là khâu đột phá trong sản xuất lúa hữu cơ”.

Ông Trần Trọng Đức

Đại Lâm

Chia sẻ bài viết