Tiếng Việt | English

27/01/2017 - 19:12

Khi nhà báo “nặng nợ” với mùa xuân

Là phóng viên viết mảng kinh tế, nhưng từ khi “phá” án vụ quán cà phê Xin Chào (huyện Bình Chánh, TP.HCM) đến giờ, nhà báo Hàn Ni (Báo Sài Gòn Giải phóng) trở thành “nơi” mà nhiều người dân tìm đến. Chị dành hẳn sáng thứ hai hàng tuần để tiếp bạn đọc. Chị nghe và tư vấn nhiều câu chuyện, hồ sơ pháp lý, thậm chí chẳng liên quan gì đến mảng kinh tế mà chị đang viết. Dưới đây, chúng tôi ghi lại những câu chuyện “ngoài bài báo” của nhà báo Hàn Ni mà chị vẫn thường nói: Góp phần tháo gỡ những khó khăn, bức xúc chính đáng, hợp pháp cho người dân, không khác gì đem đến cho họ một mùa xuân hạnh phúc!

Nhà báo Hàn Ni

1. Vụ việc không hồ sơ

Một người dân Củ Chi, TP.HCM đến tìm tôi, khác với những người dân đi khiếu nại vì chú này không cầm theo hồ sơ, mà cũng không có bất cứ hồ sơ, giấy tờ gì. Nhưng, tôi vẫn lắng nghe.

Chú kể, nhà chú được xây từ 15 năm trước trên đất nông nghiệp của ông bà, không có giấy phép xây dựng. Nay, mưa gió làm nhà sập, chú lên xã xin xây dựng lại, xã nhận đơn nhưng rồi... im lặng. Gia đình không thể sống trong tấm bạt che, nên chú vẫn tiến hành dựng lại nhà.

Vài hôm sau, cán bộ xã xuống hỏi giấy phép, chú không có, nên vét túi nhét vài trăm ngàn, để được cho qua và làm tiếp.

Vài tuần sau, thì cán bộ huyện xuống “hỏi thăm”, lần này thì bị yêu cầu dừng xây dựng. Chú lại chạy lên xã, xã vẫn không trả lời. Gia đình phải sống trong đống xà bần. Trời nắng không sao, trời mưa thì cả nhà không có chỗ trú...

Nghe chuyện xong, tôi bốc điện thoại gọi thẳng cho chủ tịch UBND xã hỏi, nếu nhà xây 15 năm rồi, nay muốn sửa chữa theo hiện trạng cũ thì chỉ cần xã xác nhận cho xây dựng tạm, tại sao không xác nhận cho dân?! Tôi nói, sẽ đến hiện trường xem thực tế và xin lịch gặp chủ tịch vào sáng mai.

Ngay đầu giờ chiều hôm đó, điện thoại tôi reng, giọng run run, chú thông báo: “Xã cử cán bộ mang giấy xác nhận cho phép xây dựng tạm đến tận nhà cho chú và năn nỉ chú nói với cô nhà báo mai đừng lên!”. Tôi nhắn lại, chú nói các anh trong xã từ nay đừng có làm khó dân nữa!

Và đương nhiên, “đánh kẻ chạy đi” chứ ai lại “đánh người chạy lại” bao giờ!”.

2. Biên nhận là... số điện thoại cán bộ

Cụ ông hơn 80 tuổi sống ở Bình Chánh, TP.HCM chạy xe đạp đến tòa soạn tìm tôi. Lời kể của ông ngắt quãng vì nghẹn, những giọt nước mắt già nua không thể trào ra. Vì hơn 3 tháng qua, ông đạp xe đi khắp nơi để thực hiện thủ tục chuyển hộ khẩu từ huyện Bình Tân về huyện Bình Chánh mà đến giờ bị “nghẽn” không còn đường xử lý.

Chuyện là, ông có hộ khẩu ở Bình Tân, nhưng ông mua nhà ở Bình Chánh và sống tại đây 7 năm rồi. Giờ ông muốn chuyển hộ khẩu đến nơi mình sinh sống thì công an huyện hướng dẫn ông về xã xác nhận tình trạng nhà đang ở, vì nhà ông mua giấy tay, không có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất.

Ông nộp hồ sơ xin xác nhận tình trạng nhà cho xã, cán bộ địa chính nhận gần cả tháng vẫn không xử lý. Tôi hỏi “Vậy biên nhận hồ sơ đâu?”, ông chìa ra tờ giấy xé vội, trên đó là số điện thoại di động được cán bộ hộ tịch ghi tay.

Tôi hướng dẫn ông về, lên gặp chủ tịch UBND xã để phản ánh và không quên cho ông số điện thoại di động của tôi, dặn rõ: “Nếu chủ tịch vẫn không giải quyết hay có khó khăn gì, ông cứ gọi cho tôi, đừng đi xe đạp lên đây nữa, xa lắm!”.

Góp phần tháo gỡ những khó khăn, bức xúc chính đáng, hợp pháp cho người dân, không khác gì đem đến cho họ một mùa xuân hạnh phúc!

Hôm sau, ông vui mừng gọi cho tôi thông báo nhận được giấy xác nhận của xã rồi! Nhưng rồi, 2 hôm sau nữa, ông gọi cho tôi với giọng uất nghẹn, phía công an nói xã xác nhận không đúng nên không cho nhập hộ khẩu. Tôi yêu cầu ông đọc phần xác nhận của xã, trong đó ghi là “Nhà ở không có giấy tờ hợp lệ, vi phạm quy định pháp luật”.

Tôi gọi điện thoại cho chủ tịch xã hỏi tại sao giấy xác nhận để nhập hộ khẩu, yêu cầu xác nhận tình trạng nhà có tranh chấp hay không, chứ người dân ở ổn định nhiều năm, có giấy tờ mua bán đàng hoàng, chỉ là chưa tiến hành thủ tục xin cấp giấy chứng nhận nhà ở, đất ở thôi, các anh xác nhận như thế khác nào gây khó cho dân?! Vị chủ tịch nhờ tôi nhắn chú ấy quay lại để... xem xét lại. Chiều hôm đó, một lần nữa, chú khóc qua điện thoại, nhưng lần này khóc vì mừng hồ sơ được giải quyết.

Chú ấy nói, mai sẽ lên tòa soạn gặp tôi để cảm ơn. Tôi lại phải năn nỉ chú đừng lên, vì nghĩ đến chiếc xe đạp với dáng già liêu xiêu, khắc khổ vượt hơn 20km đường xa mà thương!

3. Làm người phân xử

Các chị tiểu thương bỏ chợ kéo lên gặp tôi. Các chị bức xúc kể, trước nay, phiên chợ kéo dài đến 2 giờ chiều, tự dưng nay, Ban Quản lý ra thông báo chỉ được bán đến 10 giờ sáng!

Chiều hôm ấy, Ban Quản lý chợ cũng tìm đến tôi và nói, do là chợ đêm nên Ban Quản lý chợ được quyền cấm bán ban ngày để đội vệ sinh làm vệ sinh chợ. Hai bên yêu cầu tôi xuống xác minh thực tế. Cả hai bên không ai chịu nghe ai. Cuối cùng, các bên thống nhất mời tôi xuống ngồi giữa để phân xử. Tôi từ chối vì tôi không có chức năng ấy. Thế nhưng, hai bên muốn tôi đến, nghe trình bày để nắm rõ vấn đề. Tôi đồng ý đến.


Nhà báo Hàn Ni thường xuyên có những buổi giao lưu, gặp gỡ, nhất là với sinh viên

Một buổi sáng với... ai nói người nấy nghe. Cuối cùng, các bên yêu cầu tôi cho ý kiến. Tôi hỏi Ban Quản lý: “Cần bao nhiêu giờ để làm vệ sinh chợ?”, “8 giờ”. Vậy nếu tiểu thương bán đến 10 giờ sáng nghỉ, có nghĩa là Ban Quản lý có đến 12 giờ để làm vệ sinh.

Cho nên theo tôi, dù Ban Quản lý được quyền quyết giờ buôn bán, tuy nhiên, tư duy quản lý hiện đại là phải tạo điều kiện tốt nhất cho tiểu thương buôn bán. Tiểu thương kinh doanh tốt thì công tác quản lý mới tốt được. Không phải cứ có quyền là áp dụng máy móc quyền của mình mà không nghĩ đến lợi ích chính đáng của người khác... Cả hội trường vỗ tay rào rào. Kết quả, 4 giờ trống đó được chia đôi, tiểu thương được bán đến 12 giờ trưa thay vì 10 giờ như thông báo ban đầu của Ban Quản lý!

Nghe những câu chuyện “ngoài lề” của chị, tôi nhận ra rằng, với nhiều cách, với bất cứ ai, ở địa vị nào thì việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho dân chính là đem đến cho họ niềm tin, niềm vui, niềm hạnh phúc. Đem đến những điều tốt đẹp ấy cũng chính là đem đến mùa xuân cho họ trong tất cả thời khắc và hoàn cảnh nào trong cuộc sống!

Huỳnh Huy (ghi)

Chia sẻ bài viết