Tiếng Việt | English

28/06/2018 - 19:45

Khi báo chí trở thành cầu nối cho những hoàn cảnh khó khăn

Cùng với làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, thời gian qua, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh Long An còn là cầu nối giữa mạnh thường quân, nhà hảo tâm với những mảnh đời bất hạnh.

1. Hiện nay, Báo Long An (báo in, báo điện tử) được nhiều bạn đọc đón nhận. Ông Võ Hữu Hạnh, ngụ phường Tân Khánh, TP.Tân An, tỉnh Long An cho biết: “Tôi thường xuyên mua, đọc Báo Long An. Ngoài nắm bắt thông tin thời sự trong tỉnh, tôi còn đọc về những mảnh đời bất hạnh, hoàn cảnh khó khăn đăng trên báo để giúp đỡ”. 

Những người gặp khó khăn trong cuộc sống thường gọi điện thoại đến đường dây nóng hoặc gửi đơn trực tiếp đến tòa soạn nhờ giúp đỡ. Đến nay, Báo Long An làm “cầu nối” cho hàng trăm hoàn cảnh vượt qua khó khăn, dần ổn định cuộc sống.

Nhờ sự giúp đỡ của mọi người, em Lê Văn Lai có thêm chi phí trang trải trong những ngày theo học Trường Cao đẳng FPT Polytechnic. Ảnh: Bùi Thanh Tùng

Hơn 20 triệu đồng là số tiền những tấm lòng hảo tâm đóng góp hỗ trợ em Lê Văn Lai (ngụ ấp Nhựt Hòa, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) sau khi hoàn cảnh của gia đình em được đăng tải trên Báo Long An, số ra ngày 29/8/2017. Cha mẹ Lai đều bị bệnh tâm thần, mất khả năng lao động. Mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình nhờ vào tiền bán vài con gà, con vịt mà bà nội em nuôi quanh nhà và mạnh thường quân hỗ trợ.

Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển cao đẳng, đại học năm 2017, Lai trúng tuyển Khoa Triết, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, em đành bỏ ước mơ học đại học, chọn Trường Cao đẳng FPT Polytechnic với mong muốn sớm ra trường, có việc làm ổn định lo cho gia đình. Lai bộc bạch: “Thông qua Báo Long An, mạnh thường quân, thầy cô, bạn bè,... tìm đến hỗ trợ tiền cho em trang trải chi phí học tập”.

Qua bài viết Em không còn nước mắt để khóc! đăng trên Long An online ngày 04/5/2018, em Trần Thị Hồng Thắm - học sinh lớp 12, Trường THPT Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, được nhiều độc giả đến chia buồn, động viên, hỗ trợ. Cha mẹ Thắm qua đời trong vụ tai nạn giao thông, hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn. Với sự động viên, giúp đỡ của những tấm lòng thơm thảo, Thắm sắp xếp chuyện gia đình và nỗ lực ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.

Thắm bộc bạch: “Sau khi lo hậu sự cho cha mẹ, số tiền mạnh thường quân hỗ trợ còn dư, em để dành trang trải việc học tập sau này. Em cố gắng đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay để được xét tuyển vào đại học hoặc cao đẳng để không phụ lòng cha mẹ lúc còn sống”.

2. Vượt qua hiểm nghèo là một trong những chương trình truyền hình thực tế mang giá trị nhân văn sâu sắc của Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, duy trì hơn 10 năm nay, phát sóng lúc 19 giờ 45 phút, thứ tư hàng tuần. Chương trình mang thông điệp kêu gọi sự chung tay, góp sức từ những nguồn lực xã hội, hỗ trợ người nghèo vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Trung bình, sau mỗi hoàn cảnh được phát sóng, chương trình nhận được sự hỗ trợ của mạnh thường quân, nhà hảo tâm khoảng 40 triệu đồng.

Trưởng phòng Chuyên đề, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An - Nguyễn Thị Thùy Dung cho biết, ngoài những số phát sóng theo định kỳ, cuối năm còn có chương trình đặc biệt - ê kíp ghi nhận không khí đón tết của một số hoàn cảnh vượt qua hiểm nghèo. Nét đặc sắc của chương trình là không chỉ phản ánh mà cả ê kíp còn theo sát quá trình điều trị bệnh, khả năng vượt lên số phận của từng hoàn cảnh. 

Khán giả quen thuộc của chương trình chắc hẳn không quên hoàn cảnh của bà Võ Thị Thang (59 tuổi), ngụ ấp Gò Dồ, xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bà Thang mắc bệnh xơ gan cổ trướng nhưng không có tiền chữa trị. Sau khi phát sóng vào ngày 18/4/2018, đông đảo bạn xem đài, mạnh thường quân gần, xa hỗ trợ hơn 46 triệu đồng, 20kg gạo, giúp bà có thêm chi phí điều trị bệnh. 

Thông qua chương trình Vượt qua hiểm nghèo, nhiều hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh được giúp đỡ kịp thời 

“Thời gian qua, nhiều chương trình có dấu hiệu bão hòa, thậm chí bị “khai tử” nhưng chương trình Vượt qua hiểm nghèo vẫn được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều người xem đài. Những tháng đầu năm 2018, đài thực hiện 24 chương trình, giúp nhiều mảnh đời bất hạnh vượt qua khó khăn. Có được chương trình thực tế ý nghĩa này là công sức của cả ê kíp thực hiện, không chỉ người viết mà cả người quay phim phải có sự chuẩn bị, đầu tư kỹ lưỡng” - bà Nguyễn Thị Thùy Dung chia sẻ thêm.

Hiện nay, ngoài nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An còn duy trì hoạt động kết nối những tấm lòng nhân ái với những mảnh đời bất hạnh, kém may mắn, góp phần cùng địa phương làm tốt công tác an sinh xã hội./.

Sông Măng

Chia sẻ bài viết