Tiếng Việt | English

24/08/2018 - 15:17

Khai thác thủy sản kiểu tận diệt vẫn xảy ra

Hàng năm, nước lũ đổ về mang theo lượng phù sa màu mỡ cho ruộng đồng và nhiều nguồn lợi thủy sản. Tận dụng điều kiện này, người dân giăng câu, thả lưới đánh bắt cá và nuôi, trồng thủy sản, tạo nguồn thu nhập cho gia đình, góp phần ổn định đời sống. Tuy nhiên, nhiều trường hợp khai thác thủy sản vi phạm pháp luật như sử dụng xung điện, lưới có kích thước nhỏ hơn quy định để đánh bắt,... làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, hủy hoại môi sinh.

Nhiều trường hợp dùng xung điện đánh bắt thủy sản

Ngang nhiên vi phạm

Thời điểm này, trên các tuyến kênh, rạch hay cánh đồng ở các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, thị xã Kiến Tường,... tỉnh Long An dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân dùng xung điện để đánh bắt cá. Trên cánh đồng thuộc xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng, anh N.V. L đang dùng xung điện bắt cá, “vô tư” cho biết: “Trước đây vào mùa lũ, gia đình tôi cũng chuẩn bị lưới, cần câu để đánh bắt cá kiếm thêm thu nhập. Thời gian gần đây, lượng cá ngày càng ít, thấy người dân dùng xung điện đánh bắt được nhiều cá nên tôi làm theo”. Mặc dù thời gian qua, các ngành chức năng địa phương xử lý nhiều trường hợp đánh bắt thủy sản trái quy định pháp luật nhưng vì đời sống còn khó khăn, muốn có thêm thu nhập, nhiều người vẫn lén lút vi phạm.

Hiện nay, bình ắc-quy và bộ kích điện được nhiều người sử dụng để đánh bắt cá. Qua tìm hiểu, chỉ cần bỏ ra 1-2 triệu đồng là có thể mua một bình ắc-quy 12V và một bộ kích điện để đánh bắt cá. Với cách đánh bắt này, các loại cá lớn, nhỏ đều bị hủy diệt.

Không chỉ dùng bình ắc-quy nhỏ, nhiều người còn sử dụng cào điện công suất lớn, trang bị cả ghe, lưới để “quét sạch” các loại thủy sản trên diện rộng. Trung bình mỗi ngày, người sử dụng xung điện bằng bình ắc-quy cầm tay có thể bắt cả chục kilôgam thủy sản các loại, còn sử dụng ghe cào điện thì số thủy sản bắt được cao hơn 3-5 lần. Ngoài ra, người dân còn sử dụng lưới có kích thước nhỏ hơn quy định để khai thác thủy sản. Những cách khai thác kiểu tận diệt này làm nguồn lợi thủy sản trên các kênh, rạch vùng Đồng Tháp Mười bị suy giảm và nguy cơ cạn kiệt.

Trung tá Huỳnh Văn Hải - Trưởng Công an xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng, cho biết: “Lực lượng Công an xã tích cực tuyên truyền để người dân hiểu rõ những tác hại của việc dùng xung điện bắt cá, nhưng hiện nay, tình trạng này vẫn tái diễn và rất khó kiểm soát. Trong mùa lũ năm 2017, xã tổ chức hơn 120 cuộc tuần tra, phát hiện lập biên bản, xử lý 52 trường hợp và thu giữ nhiều công cụ đánh bắt cá.

Cần xử lý nghiêm

Thực tế cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản ngày càng tăng là người dân chưa ý thức được tác hại của việc hủy hoại môi trường và những nguy cơ đe dọa đến tính mạng. Vì lợi ích trước mắt, nhiều người bất chấp quy định của pháp luật.

Theo Trưởng Công an xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng - Võ Hoàng Em, thời gian qua, lực lượng Công an xã tăng cường kiểm tra, xử lý trên lĩnh vực này. Năm 2017, lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính gần 70 triệu đồng, buộc tháo dỡ hơn 100 dớn có kích thước lưới nhỏ hơn quy định, thu giữ, thiêu hủy 25 xuyệc điện dùng để đánh bắt cá trái phép. Thời gian tới, Công an xã tăng cường tuần tra nhằm kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn hành vi khai thác thủy sản trái pháp luật trên địa bàn.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng - Võ Ngọc Nhồi cho biết: “Vào mùa nước lũ, tình trạng sử dụng xung điện để đánh bắt cá xảy ra thường xuyên, không chỉ người dân địa phương mà còn có người dân ở các tỉnh lân cận: An Giang, Đồng Tháp sang đánh bắt. Dù được cảnh báo về sự nguy hiểm khi dùng xung điện khai thác thủy sản, thậm chí địa phương nhiều lần tịch thu phương tiện nhưng một số người vẫn cố tình vi phạm. Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ phối hợp các ban, ngành tuyên truyền, nhất là cho những hộ sử dụng xung điện ký cam kết không sử dụng và không tái sử dụng để đánh bắt thủy sản; đồng thời, chỉ đạo lực lượng chức tăng tăng cường tuần tra, kịp thời xử lý các trường hợp cố tình vi phạm”.

Lực lượng chức năng, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương cần tăng cường phối hợp trong việc kiểm tra, xử lý cũng như tuyên truyền, vận động để người dân không đánh bắt cá kiểu tận diệt, góp phần duy trì, bảo vệ nguồn lợi thủy sản./.

Trung Kiên

Chia sẻ bài viết