Tiếng Việt | English

02/01/2018 - 19:44

Khai thác FTA là một trong những đòn bẩy để phát triển dệt may

May hàng xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Dệt may Huế. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Sự phát triển của xuất khẩu dệt may trong suốt 20 năm qua đều gắn liền với hội nhập kinh tế quốc tế và tăng trưởng xuất khẩu nhờ vào việc khai thác các FTA là một trong những đòn bẩy ​để phát triển của ngành.

Giữ vững cả thị trường nội địa

Đây là thông tin được lãnh đạo Tâp đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đưa ra tại tại buổi họp thông báo kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra chiều 2/1, tại Hà Nội.

Theo ông Lê Tiến Trường, ​Tổng Giám đốc Vinatex, năm 2017, tổng cầu dệt may thế giới giảm 0,85% so với năm 2016. Trong đó, nhập khẩu dệt may của Mỹ giảm 0,2%, của EU giảm 0,3%. 

Dù vậy, vượt qua thách thức, toàn ngành dệt may vẫn hoàn thành vượt mục tiêu đề ra trong năm 2017 với kim ngạch xuất khẩu đạt 31 tỉ USD, tăng 10,23% so với năm 2016 và cao hơn so với mục tiêu đề ra đầu năm là 30 tỉ USD.

Đáng chú ý, các thị trường chính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đều giữ được mức tăng trưởng tốt và đã có sự bứt phá tại các thị trường khác như Trung Quốc, Nga, Campuchia…

Ngoài ra, thị trường Hàn Quốc đã vươn lên vị trí thứ tư và tiến sát với thị trường Nhật Bản, đạt kim ngạch lên tới 2,7 tỉ USD trong năm 2017. Bên cạnh đó, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2017 đã đạt 3,2 tỉ USD, bằng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. 

Đáng chú ý, 17 năm trước, chỉ có 3 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD gồm châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, nhưng nhờ các FTA, đến nay đã có 6 thị trường xuất khẩu trên 1 tỉ USD.

"Sự tiến bộ của ngành dệt may Việt Nam trong thời gian qua đều gắn với các hiệp định thương mại tự do," ông Lê Tiến Trường nói.

​Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thị trường nội địa, lãnh đạo Vinatex cho biết, năm 2017, doanh nghiệp dệt may vẫn tiếp tục đạt mức tăng trưởng 10% trên sân nhà.

​Dù vậy, ông Trường khẳng định sự cân bằng giữa việc phát triển thị trường nội địa và xuất khẩu sẽ là bước đi hài hòa, đảm bảo được công ăn việc làm cho người lao động cũng như giữ vững sự phát triển cho doanh nghiệp trong ngành.

- Biểu đồ nhập khẩu bông, vải sợi các loại:

Đặt mục tiêu tăng 10% năm 2018

Mặc dù đưa ra mục tiêu xuất khẩu năm 2018 ở mức 34 tỉ USD, tăng 10% so với năm 2017, nhưng ông Lê Tiến Trường cũng dự báo không mấy khả quan về bức tranh của ngành dệt may trên thế giới. 

Theo đó, ​không chỉ cạnh tranh gay gắt mà hơn thế nữa, các quốc gia xuất khẩu dệt may khác đều đang có phản ứng để tăng trưởng và giữ thị phần trong ngành hàng này.

​Đưa ra những rào cản thương mại, ông Trường cho biết, việc tăng trưởng của ngành dệt may Việt Nam vẫn phải phòng ngừa câu chuyện chống bán phá giá. 

​Trước thực tế này, để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên 10% trong năm 2018, lãnh đạo Vinatex cho rằng, toàn ngành dệt may phải nỗ lực lớn và ​chú trọng nhiều hơn đến các giải pháp tăng năng suất lao động.

​Chia sẻ thêm, ​lãnh đạo Vinatex cho rằng, ngành dệt may Việt Nam đang ở vị thế tương đối tốt trong “làng” dệt may thế giới. Các nước mua hàng lớn của thế giới đều coi Việt Nam là trung tâm cung cấp, đặt Việt Nam trong thứ tự ưu tiên cao.

Cùng với đó, nhiều năm nay, doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng đã đi vào hướng làm những mặt hàng khó để những doanh nghiệp của quốc gia khác với công nhân tay nghề, kỹ thuật kém sẽ không làm được.

"Hiện Việt Nam là quốc gia sản xuất veston nam, nữ lớn nhất thế giới. Hơn nữa, Việt Nam cũng đã có kinh nghiệm trong việc chuyển đổi mô hình từ chỗ chỉ toàn làm gia công sang làm FOB, ODM. Đến nay, tỷ lệ gia công thuần túy chỉ còn 30-35%. FOB đạt 55-60%, còn ODM là sản xuất dệt may từ khâu thiết kế cũng đã đạt gần 10%," ông Trường cho hay.

Ngoài ra, trong sản xuất, ngành dệt may Việt Nam tiếp tục đầu tư phát triển công nghệ, làm chủ được các sản phẩm đưa ra thị trường thế giới nhằm tạo ra một nền công nghiệp dệt may phát triển ổn định, bền vững và hiệu quả./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết