Tiếng Việt | English

23/02/2022 - 16:39

Khả năng miễn dịch ở người từng mắc COVID-19 phụ thuộc nhiều yếu tố

Từng mắc COVID-19 có thể đem lại khả năng miễn dịch, nhưng tùy thuộc vào nhiều yếu tố, khả năng miễn dịch ở người khỏi bệnh không được chắc chắn như người tiêm vaccine.

Trong nhiều tháng qua, giới chuyên môn và công chúng đã tranh luận liệu từng mắc COVID-19 - “miễn dịch tự nhiên” - có khả năng chống lại COVID-19 tương đương với vaccine hay không.

Câu trả lời cho cuộc tranh luận này rất phức tạp. Nhưng các nghiên cứu cho thấy, cách tốt nhất để bảo vệ bạn trước biến thể Omicron là tiêm đủ 2 mũi và tiêm tăng cường (nếu có thể). Nếu bạn mắc COVID-19 sau tiêm vaccine, bạn có thể có khả năng miễn dịch nhiều hơn.

Bằng chứng gần đây ghi nhận miễn dịch tự nhiên phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tuổi tác, thời điểm nhiễm bệnh, biến thể, tình trạng tiêm vaccine, sức mạnh tổng thể của hệ miễn dịch...

GS y khoa Monica Gandhi, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học California (Mỹ) nói: “Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đã chỉ ra rằng, trong đợt bùng phát biến thể Delta, miễn dịch tự nhiên có khả năng bảo vệ bằng hoặc hơn so với 2 liều vaccine”.

Tuy nhiên, CDC chỉ phân tích các ca COVID-19 ở California và New York vào năm 2021, chiếm khoảng 18% dân số Mỹ. Dữ liệu được thu thập ở khoảng thời gian trước và trong đợt dịch Delta.

Điều cần lưu ý là nghiên cứu của CDC thực hiện trong thời điểm khả năng miễn dịch có từ vaccine đang suy yếu ở một số người và biến thể Omicron chưa xuất hiện.

Nói chung, các nghiên cứu được thực hiện trước khi có biến thể Omicron ủng hộ quan điểm miễn dịch do từng nhiễm bệnh tương đương với vaccine.

Tuy nhiên, GS Gandhi cho biết, có nhiều lý do ưu tiên sử dụng vaccine. Loại dược phẩm này miễn phí, an toàn và nhanh chóng. Trong khi việc mắc COVID-19 gây ra nhiều rủi ro và cả hội chứng hậu COVID-19.

“Nếu bị bệnh nhẹ, bạn có thể không tạo ra phản ứng miễn dịch đủ mạnh chống lại COVID-19 trong tương lai”, Giáo sư Gandhi nói.

Mặt khác, vaccine đã được thử nghiệm nghiêm ngặt và có thể tạo ra phản ứng miễn dịch cao. Hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng vaccine dễ định lượng, dễ dự đoán và đáng tin cậy hơn.

Một nhược điểm khác của dựa vào khả năng miễn dịch tự nhiên là Omicron đã thay thế Delta làm biến thể thống trị. Omicron vừa dễ lây truyền hơn vừa có nhiều khả năng tránh được miễn dịch kích hoạt bởi cả vaccine và từng nhiễm bệnh trước đó.

Shane Crotty, nhà virus học tại Viện Miễn dịch học La Jolla, đánh giá, biến thể Omicron đã thay đổi mọi thứ. Dựa trên dữ liệu dịch tễ học, Giáo sư Crotty chia sẻ, nhóm có khả năng được bảo vệ tốt nhất để chống lại lây nhiễm bệnh và trở nặng vào lúc này là những người nhiễm COVID-19 đột phá. Họ đã tiêm vaccine và nhiễm bệnh hoặc ngược lại.

Theo CDC, F0 tiêm vaccine sau khi khỏi bệnh có gấp đôi khả năng miễn dịch so với F0 chưa tiêm. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, điều này không đồng nghĩa mọi người nên cố tình nhiễm COVID-19 để đạt được sự bảo vệ tốt hơn trước COVID-19, vì có những rủi ro sức khỏe nghiêm trọng./.

CTV Vũ Gia/VOV.VN

Chia sẻ bài viết