Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh-Nguyễn Thanh Hải phát biểu chủ trì Hội nghị lấy ý kiến dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi) trình tại kỳ họp
Kính thưa quí cử tri.
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra đợt 1 (từ ngày 20/5 đến ngày 08/6/2024) và đợt 2 (từ ngày 17 đến 29/6/2024). Sau 27,5 ngày làm việc nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, tôi xin báo cáo khái quát kết quả của kỳ họp cụ thể như sau:
Trước hết, về công tác lập pháp: Quốc hội đã thông qua 11 luật, gồm: Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Lưu trữ; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra đợt 1 (từ ngày 20/5 đến ngày 08/6/2024) và đợt 2 (từ ngày 17 đến 29/6/2024)
Đặc biệt là tại kỳ họp này, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật, bao gồm: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024. Theo đó, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Khoản 3 Điều 200, khoản 15 Điều 210 của Luật Các tổ chức tín dụng sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2024 thay vì ngày 01 tháng 01 năm 2025, tức là có hiệu lực sớm hơn 5 tháng. Riêng một số quy định chuyển tiếp tại các điều Điều 255 và Điều 260 Luật Đất đai năm 2024 vẫn có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.
Việc rút ngắn thời gian có hiệu lực của các luật nêu trên nhằm sớm đưa các điểm mới của các luật vào thực tiễn, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế của pháp luật hiện hành; khơi thông nguồn lực đất đai, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, tạo động lực mới cho phát triển và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân sớm được tiếp cận các chính sách mới theo hướng có lợi như chính sách nhà ở xã hội, chính sách đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, quyền lợi của người có đất bị thu hồi, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri công nhân lao động trên địa bàn huyện Bến Lức trước kỳ họp
Quốc hội đã thông qua 21 Nghị quyết, trong đó có các nghị quyết quy phạm pháp luật như: Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia,…
Cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật, gồm: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng không nhân dân; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), làm cơ sở cho Chính phủ và Bộ, ngành liên quan hoàn chỉnh trình Quốc hội xem xét thông qua các dự án luật này tại Kỳ họp thứ 8 vào cuối năm 2024.
Thứ hai, Quốc hội đã tập trung đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024. Qua đánh giá cho thấy, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020-2023. Chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ. Chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2024 cũng bộc lộ không ít khó khăn, thách thức như tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2024 dù được cải thiện nhưng chưa đủ để tạo ra những bước đột phá cho phát triển bền vững; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Quốc hội đã tập trung thảo luận và quyết định nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm giúp cho Chính phủ điều hành phù hợp với điều kiện phát triển và thực tiễn đặt ra, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng.
Quốc hội cũng đã xem xét, cho ý kiến lần đầu đối với Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025–2035, với tổng nguồn lực huy động để thực hiện là trên 256.000 tỉ đồng, chia làm hai giai đoạn. Chương trình có 18 nhóm mục tiêu, 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết; cho ý kiến dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc bắc-nam phía tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2024 đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%; phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len và nhiều vấn đề quan trọng khác.
Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội đã thống nhất thực hiện các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024, trong đó thực hiện đầy đủ 2 nội dung cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp theo đúng Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương, gồm điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ Luật lao động tăng 6% áp dụng từ ngày 01/7/2024 và quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước áp dụng từ ngày 01/01/2025. Đối với khu vực công thực hiện theo lộ trình, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi và góp phần nâng cao đời sống của người hưởng lương, giao Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.800.000 đồng/tháng lên 2.340.000 đồng/tháng, tăng 30% từ ngày 01/7/2024; điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng. Đồng thời đề nghị Chính phủ quan tâm các giải pháp bảo đảm nguồn lực thực hiện ổn định, lâu dài và có hiệu quả; tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, quản lý giá và các giải pháp kiềm chế lạm phát khác, bảo đảm chỉ tiêu tăng CPI bình quân năm 2024 và cả giai đoạn 2021-2026 mà Quốc hội giao.
Thứ ba, về hoạt động giám sát tối cao: Quốc hội đã nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp; thảo luận tại Hội trường về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6; giám sát tối cao và thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” và xem xét, thông qua các nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội trong năm 2025.
Quốc hội đã dành 2,5 ngày để tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trên 4 nhóm vấn đề thuộc các lĩnh vực: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Kiểm toán Nhà nước. Nhìn chung, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra với không khí sôi nổi, dân chủ, đảm bảo được chất lượng và chương trình đề ra. Các nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội được các Bộ trưởng, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ trả lời, xác định rõ trách nhiệm của từng ngành, Chính phủ trong khắc phục những hạn chế, tồn tại mà đại biểu đặt ra.
Thứ tư, về công tác nhân sự: Tại kỳ họp này, Quốc hội đã bầu Chủ tịch nước đồng chí Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội đồng chí Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội đồng chí Nguyễn Thị Thanh, phê chuẩn Phó Thủ tướng Chính phủ đồng chí Lê Thành Long; phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an đồng chí Lương Tam Quang; bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Bí Thư Tỉnh ủy Thái Nguyên và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với đồng chí Đinh Tiến Dũng - Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Việc kiện toàn các chức danh chủ chốt Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời đáp ứng mong mỏi của đồng bào cử tri và Nhân dân cả nước, thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng, sự đoàn kết, trách nhiệm của Quốc hội, thực hiện chặt chẽ, dân chủ và đạt kết quả cao.
Thưa quí cử tri.
Với tinh thần trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân, ĐBQH trong Đoàn ĐBQH tỉnh Long An đã tích cực nghiên cứu, tham gia phát biểu nhiều ý kiến tại các phiên thảo luận ở tổ và hội trường. Tại kỳ họp, Đoàn có trên 30 lượt ý kiến đóng góp đối với các dự án luật, các chương trình, nghị quyết, tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Trong đó Đoàn tập trung kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành làm rõ trách nhiệm triển khai các nhiệm vụ trong kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các nội dung liên quan đến lĩnh vực giáo dục như rà soát các chính sách miễn, giảm học phí cho các đối tượng chính sách, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo học giỏi, đảm bảo sự bình đẳng trong giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học; cần có thêm nhiều chính sách cho sinh viên thuộc đối tượng miễn giảm học phí hoặc tăng cường học bổng theo từng học kỳ nhằm giúp cho sinh viên có thêm động lực phấn đấu; cần có quy định về tổ chức kiểm định độc lập về chất lượng giáo dục; sớm rà soát, điều chỉnh lại các chỉ tiêu trong Quyết định số 522 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025” cho phù hợp với tình hình thực tế từng vùng, miền và địa phương; tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương quan tâm đẩy nhanh tiến độ xử lý dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam tại huyện Thạnh Hóa. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo đúng lộ trình đề ra gắn với công tác chuyển đổi số phù hợp cho từng vùng, miền, địa phương; rà soát cơ chế chính sách quy định liên quan về môi trường và khai thác khoáng sản phục vụ cho các dự án trọng điểm Quốc gia đảm bảo đúng tiến độ.
Đại biểu Trần Quốc Quân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại kỳ họp
Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã có 3 ý kiến chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương liên quan đến kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định số 816/QĐ-TTg, ngày 07/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về các định hướng, chính sách nhằm duy trì và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật truyền thống mang đậm nét văn hóa dân tộc; việc chuyển đổi số trong ngành du lịch, đồng bộ hóa và liên thông cơ sở dữ liệu giữa Trung ương với địa phương, giữa ngành du lịch với các ngành khác, để ngành du lịch phát triển thật sự hiệu quả và bền vững.
Đoàn ĐBQH tỉnh rất mong nhận được ý kiến đóng góp của quí cử tri đối với hoạt động của Quốc hội và Đoàn ĐBQH tỉnh trong thời gian tới. Kính chúc quí cử tri luôn mạnh khỏe./.
BLA