Tiếng Việt | English

25/12/2019 - 14:45

Kết nối những người đam mê đờn ca tài tử

Giữa sự phát triển của âm nhạc hiện đại, đờn ca tài tử (ĐCTT) tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An vẫn duy trì sức sống và có vị trí không thể thay thế trong lòng người mộ điệu nơi đây.Người đờn, người hát, Câu lạc bộ (CLB) ĐCTT Cải lương của huyện trở thành nơi kết nối những người cùng đam mê bộ môn nghệ thuật truyền thống này lại với nhau.

Thỏa đam mê đờn, hát

Đến hẹn lại lên, thứ bảy hàng tuần, một góc nhỏ tại Trung tâm Thương mại huyện Thủ Thừa náo nhiệt hơn hẳn mọi ngày bởi những câu ca, điệu hát, tiếng đờn của các thành viên trong CLB ĐCTT Cải lương huyện. Không phân biệt già hay trẻ, giọng ca, ngón đờn có điêu luyện hay chưa, các thành viên thoải mái khi thể hiện “máu” ĐCTT của mình. Người ca hay, đờn giỏi góp ý cho người ca chưa hay, đờn chưa giỏi để các giọng ca thêm ngọt ngào, chắc nhịp và ngón đờn thêm kỹ thuật, say lòng người.

Chủ nhiệm CLB ĐCTT Cải lương huyện Thủ Thừa - Vũ Xuân Đam (ông Sáu Đam) cho biết: “Sau một tuần bộn bề với công việc, mọi người cần một nơi để thư giãn và thỏa đam mê ĐCTT. Hoạt động của CLB làm được điều đó, giúp các thành viên thưởng thức “món ăn” tinh thần nhằm giảm ưu tư, phiền muộn. Có lẽ nhờ vậy, các thành viên thêm yêu đời và sống khỏe mạnh hơn nhờ tinh thần được “bồi bổ” theo cách ấy”.

Mỗi năm, huyện đều tổ chức hội thi Đờn ca tài tử - Cải lương cho các thành viên tranh tài, giao lưu lẫn nhau

Trong buổi sinh hoạt, các thành viên tham gia chủ yếu sinh sống ở thị trấn và các xã lân cận. Và, cứ định kỳ 6 giờ đến 22 giờ ngày thứ bảy, ai rảnh giờ nào thì đến điểm hẹn giờ đó. Người hát, người đờn, người thưởng thức, cứ thế thay phiên nhau.Sau mỗi bài hát, các thành viên nhận xét để người hát phát huy thế mạnh và khắc phục những hạn chế về giọng ca của mình.Nhờ vậy, các thành viên ngày càng tiến bộ hơn.

Ngoài ra, các CLB ĐCTT Cải lương các xã, thị trấn cũng duy trì sinh hoạt. Theo đó, mỗi địa phương có thời gian và hình thức sinh hoạt khác nhau, ít nhất 1 lần/tháng.Đồng thời, CLB tại các xã, thị trấn cũng thường xuyên giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với nhau để lớn mạnh về số lượng và chất lượng.

Cứ đều đặn ít nhất 1 lần/tuần, các thành viên CLB xã Bình Thạnh lại được gặp gỡ, giao lưu với nhau để thỏa đam mê ĐCTT. Đó có thể là đến nhà thầy đờn Lê Minh Trí, ấp Bình Cang 1, cùng ôn luyện và tập bài hát mới hay hát trong các dịp đám tiệc tại gia đình của các thành viên trong CLB hoặc giao lưu với các CLB trong và ngoài huyện. Dù với hình thức nào, các thành viên cũng thỏa đam mê ĐCTT của bản thân và góp phần gìn giữ bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

“Trót yêu bộ môn nghệ thuật ĐCTT từ rất nhỏ, tôi tự mày mò học hỏi để thỏa đam mê.Hơn 40 năm trôi qua, ĐCTT đi vào trong máu thịt của tôi.Để gìn giữ và phát huy bộ môn nghệ thuật này, tôi luôn duy trì các buổi sinh hoạt của CLB và tạo điều kiện cho thế hệ trẻ có đam mê ĐCTT học nghề” - Chủ nhiệm CLB ĐCTT Cải lương xã Bình Thạnh - Trần Thị Mười trải lòng.

CLB cũng là đội văn nghệ chính của xã trong các hoạt động lễ hội do địa phương tổ chức. Nhờ vậy, ĐCTT được lan tỏa rộng rãi, thường xuyên hơn, giúp bộ môn nghệ thuật này chinh phục thêm khán giả trẻ; đồng thời tìm kiếm thế hệ kế thừa. 

Bồi dưỡng thế hệ kế thừa

Mới 19 tuổi nhưng Trần Thị Mỹ Dung - thành viên CLB ĐCTT Cải lương huyện Thủ Thừa, được nhiều người biết đến với giọng hát ngọt ngào, chắc nhịp.Dung cũng là chủ nhân của nhiều giải thưởng lớn nhỏ về ĐCTT.

Với năng khiếu và niềm đam mê ĐCTT, Dung được ông Sáu Đam phát hiện và bồi dưỡng tài năng. Từ cách hát, theo nhịp, ngân nga lên xuống, ông Sáu Đam đều hướng dẫn Dung tận tình, đồng thời cho Dung thử sức tại các cuộc thi để cọ xát thực tế. Vậy là, 13 tuổi, Dung thử sức mình tại cuộc thi Hò Xự Xang Xê Cống tại Bạc Liêu và đoạt giải nhất.Đây cũng là cơ hội để Dung khẳng định bản thân. Dung tâm sự: “Nhờ có gia đình ủng hộ, ông Sáu và các thầy cô trong chương trình chỉ dạy tận tình, em có thêm kiến thức về ĐCTT và tự tin thể hiện giọng hát của mình”.

Tiếp bước cuộc thi ấy, Dung tham gia các cuộc thi: Giọng ca hàng tuần của Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM, Bông lúa vàng, Chuông vàng vọng cổ, Liên hoan ĐCTT toàn quốc và đều đoạt giải cao.

Tuy hiện là sinh viên ngành Dược nhưng Dung không có ý định từ bỏ đam mê. Bên cạnh học tập, Dung vẫn dành thời gian tập luyện ĐCTT để sau khi ra trường có việc làm, em sẽ tiếp tục theo đuổi bộ môn nghệ thuật truyền thống này.

Một nhân tố khác cũng do ông Sáu Đam phát hiện và bồi dưỡng là Võ Thị Huyền Trang (15 tuổi) - thành viên CLB ĐCTT Cải lương huyện. Trang không chỉ được đánh giá là có giọng ca ngọt ngào mà còn có kỹ thuật.4 năm trước, Trang tham gia cuộc thi Hò Xự Xang Xê Cống tại tỉnh Bạc Liêu và được vào vòng xếp hạng.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Ly (bìa trái) được các cô, chú trong câu lạc bộ hướng dẫn tận tình

Hiện Trang tiếp tục trau dồi và tập luyện ĐCTT để sau này có thể đi theo con đường chuyên nghiệp. “Từ nhỏ được nghe cha mẹ hát nên ĐCTT đã ăn sâu vào máu của em. Năm 11 tuổi, em bắt đầu học chính thức.Càng tiếp xúc, em càng yêu bộ môn nghệ thuật này và muốn giữ gìn, phát huy giá trị tốt đẹp của ĐCTT.Nhờ được ba mẹ, ông Sáu hướng dẫn nên em tiến bộ rất nhiều.Hiện em thuộc gần hết 20 bản Tổ của ĐCTT và một số bản cải lương” - Trang bộc bạch.

Không nổi bật như Dung, Trang nhưng Nguyễn Thị Cẩm Ly (29 tuổi) - thành viên CLB ĐCTT Cải lương xã Bình Thạnh, cũng là đội ngũ trẻ, góp phần kế thừa và phát huy giá trị của bộ môn nghệ thuật truyền thống. Ly chia sẻ: “Trước đó chỉ thích nghe ĐCTT nhưng không nghĩ bản thân có thể hát được. Nhưng vì đam mê, tôi quyết định tham gia CLB tại địa phương và được các cô chú hướng dẫn tận tình.Hiện tôi hát được một số bản và tiếp tục trau dồi để nâng cao hơn nữa khả năng về ĐCTT của mình. Tôi mong rằng, những người trẻ có đam mê ĐCTT nên mạnh dạn theo học để góp phần gìn giữ bộ môn nghệ thuật truyền thống này”. 

Không chỉ thỏa đam mê ca hát, CLB còn đóng vai trò quan trọng trong tìm kiếm và bồi dưỡng thế hệ trẻ để kế thừa và phát huy giá trị tốt đẹp ĐCTT./.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết