Tiếng Việt | English

01/10/2020 - 09:05

Kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, tạo đà phát triển

Xác định hoàn thiện kết cấu hạ tầng đường bộ góp phần rất lớn vào thúc đẩy tốc độ phát triển về KT-XH, thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh Long An đặc biệt quan tâm, triển khai đầu tư đồng bộ. Phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) - Đặng Hoàng Tuấn xoay quanh vấn đề này.

Đường tỉnh 830 cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh Long An

♦ PV: Ông vui lòng đánh giá về kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh trong đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh?

♦ Ông Đặng Hoàng Tuấn: Long An có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ từ miền Đông Nam bộ đi các tỉnh miền Tây Nam bộ và ngược lại; có biên giới, cửa khẩu, cảng sông ra biển, nhất là tiếp giáp TP.HCM - trung tâm kinh tế lớn của cả nước, có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển công nghiệp.

Từ những tiềm năng và lợi thế đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh là 1 trong 2 chương trình đột phá mang ý nghĩa chiến lược, trọng điểm về phát triển kinh tế cần tập trung triển khai thực hiện. Chương trình với danh mục gồm 14 công trình giao thông huyết mạch nằm trên địa bàn các huyện: Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước (trong đó, 12 công trình do Sở GTVT làm chủ đầu tư và 2 công trình do UBND huyện Đức Hòa làm chủ đầu tư).

Song song đó, tỉnh tập trung đầu tư 3 công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, gồm: Đường tỉnh (ĐT) 830 (đoạn thị trấn Đức Hòa - Cảng Long An); Đường Vành đai TP.Tân An; ĐT827E (Trục động lực Tiền Giang -
Long An - TP.HCM).

Với mục tiêu huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ các thành phần kinh tế cùng với ngân sách của Nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thời gian qua, tỉnh tập trung huy động mọi nguồn lực để cải thiện, nâng cấp các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh, tạo động lực phát triển KT-XH của địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/ĐH, ngày 16-10-2015 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020; Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 04-02-2016 của Tỉnh ủy về Huy động mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Đến nay, mạng lưới giao thông trong tỉnh dần được xây dựng hoàn thiện hơn, cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển, giao thương hàng hóa cũng như đi lại của người dân, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa.

Bên cạnh kết quả, hiện nay, mạng lưới giao thông trong tỉnh còn hạn chế về kết nối liên thông. Giao thông chủ yếu bằng đường bộ dựa trên các trục quốc lộ (QL), cao tốc và ĐT. Quy mô ĐT có nơi chưa phù hợp, chất lượng mặt đường còn thấp; hệ thống đường huyện, đường xã đa số vẫn là đường cấp phối nên hạn chế lưu thông, tăng chi phí vận tải, ô nhiễm môi trường,... ảnh hưởng đến sự phát triển KT-XH của tỉnh.

Đường giao thông mở về vùng sâu, vùng xa, vùng kháng chiến cũ

♦ PV: Với vị thế là cửa ngõ từ TP.HCM về miền Tây và ngược lại, thời gian tới, tỉnh cần tập trung đầu tư những công trình nào về giao thông thủy, bộ, thưa ông?

♦ Ông Đặng Hoàng Tuấn: Thời gian tới, ngoài việc tập trung đầu tư để hoàn thành các dự án giai đoạn 2015-2020, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 40/NQ-HĐND, ngày 09-7-2020 về danh mục các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2020-2025, trong đó có các DA lớn mang tính kết nối liên vùng, phục vụ phát triển KT-XH: 3 cầu trên ĐT827E (cầu bắc qua sông Cần Giuộc, sông Vàm Cỏ Tây; sông Vàm Cỏ Đông); ĐT823D (Trục mở mới Tây Bắc kết nối Long An - TP.HCM); ĐT830E (đoạn từ nút giao cao tốc nối ĐT830); ĐT836B, ĐT837B, cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây (thuộc dự án đường Vành đai TP.Tân An); nâng cấp, mở rộng ĐT824 (đoạn thị trấn Đức Hòa đến kênh Ranh); mở rộng ĐT825 (đoạn thị trấn Hậu Nghĩa đến Lộc Giang).

Đồng thời, tỉnh kiến nghị Trung ương đầu tư nâng cấp, mở rộng QL62, QLN2, cải tạo QL1, QL50, xây dựng hoàn chỉnh QLN1 đoạn qua địa bàn.

♦ PV: Hiện nay, tiến độ triển khai, thực hiện các công trình giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh ra sao thưa ông?

♦ Ông Đặng Hoàng Tuấn: Đối với QLN2, Bộ GTVT đã giao cho Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án Hạ tầng giao thông Cửu Long tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án nâng cấp, mở rộng tuyến N2 đoạn Đức Hòa - Mỹ An (Quyết định số 1914/QĐ-BGTVT, ngày 11-10-2019), đơn vị đang hoàn chỉnh hồ sơ để báo cáo Bộ GTVT.

Bộ GTVT đã giao dự án QL62 cho Ban Quản lý dự án 7 tổ chức lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp QL62 qua tỉnh Long An (Quyết định số 1901/QĐ-BGTVT, ngày 11-10-2019). Đến nay, Ban Quản lý dự án 7 đã báo cáo Bộ GTVT và chờ xem xét, chấp thuận.

Các dự án như đường Vành đai TP.Tân An, ĐT830 giai đoạn 2 đang được triển khai thi công, Sở GTVT đôn đốc nhà thầu thi công hoàn thành theo kế hoạch (đối với các đoạn không vướng mặt bằng) và địa phương sớm bàn giao mặt bằng để triển khai, thi công hoàn thành dự án.

Đường Tân Tập - Long Hậu (dự án thành phần 1) đang triển khai thi công. Riêng cầu Rạch Găng đang hoàn chỉnh các thủ tục đấu thầu để ký hợp đồng thi công.

ĐT830E (đoạn từ nút giao cao tốc đến ĐT830): Dự án đã được đưa vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 40/NQ-HĐND, ngày 09-7-2020 của HĐND tỉnh, hiện Sở GTVT phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện các thủ tục đề xuất chủ trương đầu tư.

♦ PV: Xin cảm ơn ông!

Đỗ Lâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết