Tiếng Việt | English

10/07/2019 - 19:43

Iran cảnh báo Anh sẽ 'đối mặt hậu quả' sau vụ bắt giữ tàu chở dầu

Tổng thống Iran Hassan Rouhani lên án vụ việc Anh bắt giữ tàu chở dầu của Tehran đã "gây ra bất ổn" và sẽ phải "nhận thấy những hậu quả sau đó.”

Tàu của cảnh sát Anh (phía trước) tuần tra gần tàu chở dầu Grace I của Iran ở ngoài khơi vùng lãnh thổ Gibraltar ngày 6/7/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo Anh sẽ đối mặt với “những hậu quả” do bắt giữ tàu chở dầu của Tehran.

Hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran ngày 10/7 dẫn lời Tổng thống Rouhani trong cuộc họp nội các, cho biết việc bắt giữ này là "sai trái."

Theo ông, London "gây ra bất ổn" và sẽ "nhận thấy những hậu quả sau đó,” song không cho biết thêm chi tiết.

Bên cạnh đó, Tổng thống Iran cũng tuyên bố việc nước Cộng hòa Hồi giáo gia tăng hoạt động làm giàu urani là nhằm mục đích hòa bình.

Theo ông, việc làm giàu urani sẽ cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện cũng như phục vụ các mục đích hòa bình khác.

Ông nêu rõ quyết định này phù hợp với khuôn khổ của thỏa thuận hạt nhân lịch sử, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), được Iran ký kết với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) năm 2015.

Tổng thống Iran Rouhani đưa ra phát biểu trên một ngày sau khi các nước Liên minh châu Âu (EU) tham gia ký kết JCPOA cáo buộc Tehran "theo đuổi các hoạt động không phù hợp với các cam kết" theo thỏa thuận, đồng thời kêu gọi tiến hành cuộc họp khẩn giữa các bên tham gia ký kết.

Trong khi đó, quan hệ giữa Tehran và London trở nên căng thẳng sau khi lực lượng thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh hôm 4/7 bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 do nghi ngờ tàu này vận chuyển dầu tới Syria, vi phạm các lệnh trừng phạt của EU.

Giới chức vùng lãnh thổ Gibraltar cho biết có thể bắt giữ tàu này trong 14 ngày.

Phản ứng trước động thái trên, Tehran cho rằng việc London bắt giữ tàu chở dầu của Iran là hành động trái phép.

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi khẳng định tàu Grace 1 không hướng đến Syria.

Kể từ cuối năm 2011, EU đã áp đặt các lệnh cấm nhằm vào Syria, trong đó có ngành sản xuất dầu mỏ và hoạt động đầu tư của nước này.

Hơn 220 quan chức, bao gồm cả các bộ trưởng trong Chính phủ Syria cũng nằm trong danh sách trừng phạt của EU, trong khi đó tài sản của ít nhất 72 thực thể và tài sản của ngân hàng trung ương Syria tại EU cũng bị phong tỏa./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết