Tiếng Việt | English

17/10/2024 - 18:48

Huy động các nguồn lực để giảm nghèo bền vững

Các địa phương của huyện Bến Lức, tỉnh Long An tập trung nguồn lực và triển khai nhiều giải pháp thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Trong đó, chú trọng giảm nghèo nhanh và bền vững với các hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế. Nhờ vậy, nhiều hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

1. Xã Mỹ Yên đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2014 và nông thôn mới nâng cao năm 2023. Với vị trí địa lý tiếp giáp TP.HCM, dân cư đông đúc, hệ thống giao thông đồng bộ, xã Mỹ Yên thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư đến sản xuất, kinh doanh. Hiện địa bàn có 175 công ty, doanh nghiệp hoạt động, 118 cơ sở nông ngư cơ,... góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương và thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn xã.

Mô hình Nâng đỡ trẻ mồ côi, người già neo đơn, người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn của xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức được thực hiện từ năm 2022 đến nay

Năm 2020, xã còn 9 hộ nghèo và 38 hộ cận nghèo. Năm 2021, xã xóa trắng hộ nghèo và còn 24 hộ cận nghèo. Đến năm 2024, xã còn 16 hộ cận nghèo. Tuy không còn hộ nghèo nhưng xã còn một số hộ thuộc diện bảo trợ xã hội như người già neo đơn, mất khả năng lao động. Xác định được điều này, từ tháng 4/2022, UBMTTQ Việt Nam xã xây dựng mô hình Nâng đỡ trẻ mồ côi, người già neo đơn, người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, phấn đấu không để phát sinh hộ nghèo.

Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Mỹ Yên - Trần Thị Tố Quyên cho biết: “Với phương châm một nhà hảo tâm kết nối với một hoặc nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn, mỗi năm, UBMTTQ Việt Nam xã chủ trì phối hợp các tổ chức thành viên và ban công tác Mặt trận các ấp bình xét các đối tượng cần được hỗ trợ như hộ cận nghèo, người già neo đơn, gia đình có trẻ em mồ côi, có người khuyết tật đặc biệt nặng hoặc hộ gặp khó khăn đột xuất”.

Qua 3 năm thực hiện mô hình, UBMTTQ Việt Nam xã chọn 25 trường hợp để hỗ trợ với tổng số tiền 270 triệu đồng từ sự tài trợ của 7 nhà hảo tâm. Trong đó có 4 trẻ mồ côi, 3 trẻ bị cha mẹ bỏ rơi có hoàn cảnh khó khăn, 4 người già neo đơn, 1 hộ khuyết tật mất khả năng lao động và 1 hộ cận nghèo.

Đại đức Thích Thiện Phát - Trụ trì chùa Thạnh Đức, huyện Bến Lức, nhiều năm qua đều đóng góp rất lớn cho công tác an sinh xã hội tại địa phương

Đại đức Thích Thiện Phát - Trụ trì chùa Thạnh Đức, luôn đồng hành thực hiện mô hình này. Ngoài ra, Đại đức và chùa thường xuyên nấu các suất ăn tặng bệnh nhân tại một số bệnh viện trong tỉnh. Mỗi tháng, Đại đức Thích Thiện Phát và phật tử trao 20 phần quà (mỗi phần trị giá 400.000 đồng) cho những hoàn cảnh khó khăn. Đại đức cũng tích cực tham gia nhiều hoạt động như làm đường, hiến máu, thăm hỏi bệnh nhi, người già neo đơn.

“Mọi khoản đóng góp tôi đều công khai, minh bạch nên được nhiều người tin tưởng. Tôi cũng chỉ là "cầu nối" giữa những trái tim yêu thương. Sự hỗ trợ từ các ban, ngành, đoàn thể, nhà hảo tâm và phật tử đã giúp lan tỏa yêu thương chứ một mình thì khó làm được” - Đại đức Thích Thiện Phát cho biết.

2. Thông tin từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bến Lức, 100% người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đều được mua bảo hiểm y tế kịp thời, đúng quy định. Qua rà soát vào cuối năm 2023, số hộ nghèo giảm còn 200 hộ (chiếm 0,37%) và 445 hộ cận nghèo (chiếm 0,83%). Toàn huyện có 4 xã không còn hộ nghèo là Thanh Phú, Mỹ Yên, Thạnh Đức, Long Hiệp. Trong 9 tháng năm 2024, ước giảm 35 hộ nghèo (đạt 87,5% kế hoạch).

Năm 2010, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức có 96 hộ nghèo, đến năm 2015, giảm còn 68 hộ. Hiện nay, xã không còn hộ nghèo, còn 47 hộ cận nghèo (dự kiến đến cuối năm 2024 sẽ giảm còn 28 hộ cận nghèo).

Chủ tịch UBND xã Thạnh Đức - Văn Thị Hồng Nga cho biết: "Công tác giảm nghèo được cả hệ thống chính trị triển khai với tinh thần chủ động, quyết liệt. Xã huy động mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực từ nhân dân để hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng địa phương giàu đẹp".

Bà Huỳnh Thị Thanh (ấp 5, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) ngoài đi làm công nhân còn nuôi bò mướn để có thêm thu nhập

Gia đình bà Huỳnh Thị Thanh (SN 1978, ngụ ấp 5, xã Thạnh Đức) trước đây thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống khó khăn, chật vật. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực không ngừng trong sản xuất và biết tiết kiệm, gia đình bà dần có cuộc sống ổn định, đến năm 2023 thì chính thức thoát nghèo.

Bà Thanh chia sẻ: "Ngoài làm công nhân ở xí nghiệp, tôi còn tranh thủ thời gian nuôi bò mướn tại nhà, nhờ đó có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Hai người con của tôi đã trưởng thành, con gái lập gia đình, còn con trai út đang học nghề sửa xe”. Đời sống cải thiện cho thấy tinh thần tự lực, không ngừng cố gắng vươn lên của gia đình bà Thanh, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo bền vững của địa phương.

Những năm qua, xã Thạnh Đức thực hiện tốt quy trình rà soát hộ nghèo, cận nghèo. Ngay từ đầu năm, xã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, chỉ đạo các ấp kiểm tra, rà soát hoàn cảnh của từng hộ nghèo để có biện pháp hỗ trợ phù hợp.

“Xã chỉ đạo công chức lao động, thương binh và xã hội phụ trách công tác giảm nghèo phối hợp các trưởng ấp rà soát các hộ nghèo về nhân khẩu, độ tuổi, nhà ở, sức khỏe, thu nhập, là đoàn viên, hội viên của đoàn thể nào, nguyện vọng, nhu cầu vay vốn để giúp đỡ, chọn mô hình sản xuất phù hợp với hoàn cảnh từng hộ. Nhờ vậy, hiện nay, xã đã xóa trắng hộ nghèo” - bà Văn Thị Hồng Nga cho biết thêm./.

Tân Hưng đoạt giải Nhất Hội thi tuyên truyền viên giỏi về giảm nghèo bền vững năm 2024   

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thi Tuyên truyền viên giỏi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024.

Khánh Duy

Chia sẻ bài viết