Tiếng Việt | English

31/05/2018 - 20:42

Hút thuốc và sức khỏe sinh sản

Hút thuốc lá làm giảm khả năng sinh sản ở nam giới và nữ giới. Ảnh: Thanh Hiểu

Hút thuốc lá làm giảm khả năng sinh sản ở nam giới

Hút thuốc lá (TL) giảm lượng tinh trùng. Một nghiên cứu tổng quan kết quả 20 nghiên cứu của Vine va cs. (1994) cho thấy, so với người không hút TL, mật độ tinh trùng của người hút TL giảm 13%.

Hút TL làm biến đổi hình dạng tinh trùng. Hiện nay, có một số bằng chứng đáng tin cậy kết luận những người hút TL có phần trăm tinh trùng dị dạng cao hơn. Điều này có thể dẫn đến sẩy thai, thai nhi dị tật bẩm sinh hoặc biến chứng khi sinh.

Nghiện TL lâu năm có thể dẫn tới chứng liệt dương. Giống như cơ chế gây tắc nghẽn mạch máu ở tim do quá trình xơ vữa động mạch, hút TL cũng là một trong những nguyên nhân cốt lõi của bệnh xơ vữa động mạch trong mạch máu của dương vật, làm giảm khả năng cương cứng.

Hút thuốc lá ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở nữ giới

Hút TL làm giảm khả năng sinh sản của nữ, làm chu kỳ kinh nguyệt ngắn lại, ảnh hưởng đến khả năng thụ thai. Nghiên cứu của Laurent va cs. (1992) về vô sinh nguyên phát cho thấy, so với nữ không hút TL, nữ hút trên một bao TL ngày mắc chứng này cao hơn 1,4 lần. Các nghiên cứu khác cũng cho thấy, phụ nữ hút TL, khả năng mang thai chỉ bằng từ 50-89% so với phụ nữ không hút TL.

Nghiên cứu cũng cho thấy, hút TL là yếu tố nguy cơ của việc thai ngoài tử cung. Phụ nữ hút TL làm tăng nguy cơ bị thai ngoài tử cung từ 1,3-2,5 lần, gây đẻ non hoặc thai chết lưu từ 1,4-2,4 lần so với người không hút TL. Ngoài ra, hút TL còn làm giảm 20-30% cân nặng của trẻ sơ sinh.

Tuy nhiên, không phải chỉ người hút TL mới mắc bệnh. Người hút TL thụ động (hít phải khói TL của người khác hút) cũng có thể mắc nhiều bệnh như người hút TL. Khói TL có thể tồn tại trong không khí ngay cả khi không còn nhìn thấy hoặc ngửi thấy mùi nữa. Chúng bám vào quần áo, đồ nội thất, giường hoặc các bề mặt khác và cuối cùng lại lây truyền cho những người đang sống trong môi trường đó. Không giống như khói TL, các hóa chất từ TL vẫn bám trên các bề mặt rất lâu sau khi đã dừng hút TL và rất khó loại bỏ. Trẻ em và phụ nữ là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi khói TL thụ động. Tại Việt Nam, theo một số nghiên cứu, có 3 trong 5 trẻ em tuổi từ 13-15 tiếp xúc với khói TL thụ động tại nhà và 2/3 phụ nữ cho biết họ thường xuyên hít phải khói TL./.

Thanh Bình

Chia sẻ bài viết